Kinh tế xanh: Loay hoay đến bao giờ?

Đăng Báo - Ý Nhi| 01/01/2023 06:40

Theo xu thế phát triển kinh tế xanh của thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt đã tích cực chuyển mình nhưng còn manh mún vì phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ chính sách, chiến lược và cả tài chính.

Kinh tế xanh: Loay hoay đến bao giờ?

1. Doanh nghiệp chưa dám làm, vì đâu?

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí.

Đơn cử, để sản xuất một đơn vị sản phẩm giấy cần trên 500m3 nước, gấp 5 lần so với chỉ tiêu của thế giới (xấp xỉ 100m3/tấn). Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cao gấp 3-4 lần so với thế giới. Chi phí năng lượng trong các ngành công nghiệp cũng tương đối cao: ngành giấy tiêu hao 1.200kWh và 1.500kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000kWh/tấn thép thỏi và 25kWh/tấn gang tinh luyện.

Trong khi đó, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến các nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững (nguồn VTC).

Thế nhưng, để chuyển đổi sang sản xuất xanh theo xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh, doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều rào cản và thách thức nên hầu hết mới chỉ dừng lại việc nhận thức, số ít có đầu tư nhưng vẫn đang loay hoay với nhiều thách thức. Đứng đầu trong số khó khăn là công nghệ và chi phí.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), mặc dù trên thế giới, công nghệ xanh đã rất phát triển, song thực tế áp dụng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất định. Một trong những khó khăn là thói quen sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân còn lãng phí, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao.

Cùng với đó, tại Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế xanh. "Vì thế, cần rà soát lại cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền kinh tế xanh là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết", ông Vũ nói.

Một khảo sát cho thấy, 97% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, việc áp dụng các công nghệ của các doanh nghiệp chưa đều, còn yếu. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn sử dụng những công nghệ lạc hậu và hiệu quả sử dụng năng lượng thấp.

Phần lớn công nghệ hiện tại đang làm tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phát sinh lượng lớn chất thải gây ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp. 

Một số doanh nghiệp đã được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp. Mâu thuẫn trên khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn làm sản phẩm xanh, bền vững mà mới chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận.

Ngoài ra, tài chính cũng là một trong những yếu tố cản trở mục tiêu xanh hóa. Ở góc độ doanh nghiệp, số lượng công ty có quy mô đủ lớn để có nguồn tài chính nhằm áp dụng những công nghệ tiên tiến, hướng đến nền kinh tế xanh là không nhiều, phần lớn doanh nghiệp không đủ tiềm lực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường mâu thuẫn giữa hai mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh và đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Trong khi vốn đầu tư cho sản xuất xanh khá cao nhưng lại chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn.

Ở góc độ quốc gia, Việt Nam là nước chỉ mới thoát nghèo, tích lũy quốc gia còn thấp như nước ta hiện nay tài chính phục vụ cho phát triển nền kinh tế xanh là chưa dồi dào. Trong khi đó, ở nước ta việc xây dựng nền kinh tế xanh đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính nhà nước, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai "nền kinh tế xanh".

Bên cạnh đó, việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. Theo khảo sát của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến chứng nhận nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh... 

sx-1-1672215934.jpg

2. Vốn lớn, lãi lớn

Mặc dù vốn đầu tư cho sản xuất xanh khá cao và nhiều thách thức phải đối mặt. Tuy nhiên, với mô hình thành công từ các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài cho thấy vốn đầu tư ban đầu cao, nhưng về lâu dài sẽ mang lại lãi lớn và bền vững cho môi trường và doanh nghiệp.

Lấy dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ vào tòa nhà "Head Office" của Schneider Electric ở Singapore, ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho biết, Schneider Electric đã áp dụng công nghệ để chuyển đổi tòa nhà 25 năm tuổi thành tòa nhà hoàn toàn phát thải ròng bằng 0.

Mặc dù chi phí khá tốn kém khi ứng dụng rất nhiều công nghệ, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và mua nguồn điện cung cấp cho tòa nhà là nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng các hệ thống lạnh, ánh sáng, kính cách nhiệt, cài hơn 5.000 sensor với tất cả thiết bị cảm biến... nhưng trong 3 năm, công ty đã tiết kiệm hơn 122.000Kwh điện và 3.700m3 nước.

Ông Lâm cho biết, đây sẽ là bài toán mà Việt Nam sẽ phải giải nếu muốn hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. Song điều đáng nói là, để hoàn thành dự án trên, Schneider Electric đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ Singapore.

Với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu) về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, hiện nay gần 2/3 lượng khí thải nhà kính của tập đoàn đến từ nguyên vật liệu ngành thực phẩm và các hoạt động gián tiếp của doanh nghiệp.

Vì vậy, trong lộ trình thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Nestlé, giảm lượng khí thải từ nguyên vật liệu nông nghiệp thông qua việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang theo đuổi tại các thị trường.

Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé thực hiện thông qua chương trình NESCAFÉ Plan và đã giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất, cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học, giúp tăng khả năng hấp thụ khí carbon vào đất, giảm phát thải, người nông dân tái canh 63.000 hécta cà phê già cỗi, giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học, thuốc trừ sâu, tăng 30-100% thu nhập nhờ áp dụng mô hình xen canh hợp lý và giảm lượng phát thải carbon trên mỗi ký cà phê được thu hoạch.

3. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Trước những khó khăn được đặt ra, muốn xây dựng một nền kinh tế xanh và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những phương án, quyết sách phù hợp. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ mà quan trọng hơn, cần có sự thống nhất của tất cả thực thể tham gia nền kinh tế từ ý thức tới hành động.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là động lực quan trọng để xây dựng nền kinh tế xanh.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý để có thể thực hiện được những dự án. Bên cạnh đó, cần cả những cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, cả người tiêu dùng... Đây là những gì đã từng diễn ra ở Liên minh châu Âu cách đây 20-30 năm trước rồi.

Thứ hai, cần những cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hơn, hiệu quả hơn.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ đề xuất xây dựng quỹ hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, những cơ chế về ưu đãi, khuyến khích những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần cụ thể hơn và có tính khả thi. Ngoài ra, cần những cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hơn, hiệu quả hơn.

Thứ ba, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế xanh. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ. Đối với vấn đề này, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh thành công của các nước tiên phong để rút ra bài học, từ đó đề ra chương trình hành động phù hợp với những đặc trưng kinh tế và điều kiện phát triển cụ thể của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế xanh: Loay hoay đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO