Lợi nhuận giảm sút mạnh

26/10/2011 06:45

Đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III. Bên cạnh một số DN công bố sớm có kết quả kinh doanh tương đối khá, đã xuất hiện nhiều DN thua lỗ nặng hoặc giảm sút lợi nhuận, mà nguyên nhân là vì gánh nặng lãi vay cao, chi phí đầu vào tăng mạnh...

Lợi nhuận giảm sút mạnh

Đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III. Bên cạnh một số DN công bố sớm có kết quả kinh doanh tương đối khá, đã xuất hiện nhiều DN thua lỗ nặng hoặc giảm sút lợi nhuận, mà nguyên nhân là vì gánh nặng lãi vay cao, chi phí đầu vào tăng mạnh...

>> Giảm nợ phi sản xuất: Lực bất tòng tâm
>> Nhiều doanh nghiệp tính cắt giảm sản xuất và lao động
>> Siết tín dụng phi sản xuất: Doanh nghiệp nhỏ thêm khó vay

Các chuyên gia dự báo một phần không mấy sáng sủa của bức tranh lợi nhuận quý III năm nay sẽ thể hiện rõ nét hơn trong vài tuần tới, khi các DN ngành chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng… hoàn thành báo cáo.

Chi phí tăng cao ăn mòn lợi nhuận

Lãi suất tín dụng cao, chi phí vật tư đầu vào tăng mạnh làm cho lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút nhiều.

Được đánh giá là một những ngành đang hưởng lợi vì giá cao su thế giới tăng cao nhưng DN chế biến hàng cao su lại gặp khó. Trong quý III, Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) tuy đạt doanh thu bán hàng tăng 121 tỉ đồng so cùng kỳ nhưng vì nguyên liệu cơ bản đầu vào tiếp tục tăng giá mạnh nên giá vốn tăng đến 157 tỉ đồng.

Trong khi đó, các chi phí tài chính cũng tăng lên đột biến, làm cho lợi nhuận của DN giảm sút mạnh. Số liệu công bố 9 tháng đầu năm cho thấy riêng chi phí tài chính (phần lớn là tiền trả lãi vay) đã lên gần 70 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 32 tỉ đồng… Vì vậy lợi nhuận sau thuế 9 tháng của CSM chỉ đạt 17,6 tỉ đồng, giảm 82,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), lợi nhuận sau thuế 9 tháng âm 9,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 73 tỉ đồng.

Điều đáng nói là trong báo cáo của BTP có khoản nợ lâu năm. Cụ thể, đến hết tháng 9/2011, tiền vay của công ty là 897 tỉ đồng, gồm: vay nợ của Hàn Quốc số tiền tương đương 668 tỉ đồng; khoản vay lại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bằng USD trị giá tương đương hơn 229 tỉ đồng… Đây là những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro do tỉ giá ngày càng tăng cao.

Công ty CP Cơ điện Miền Trung (CJC) cũng vừa giải trình kết quả kinh doanh quý III của công ty giảm mạnh. Theo đó, quý III năm nay, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ có 2,3 tỉ đồng, giảm gần 64% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm lợi nhuận là do tiền trả lãi vay tăng cao, chi phí bán hàng tăng, trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm tăng…

Ngày càng khó cho doanh nghiệp

Khó khăn cuối năm tăng

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay trên cả nước đã có khoảng 49.000 DN đóng cửa, tạm ngưng sản xuất, phá sản. Mặc dù được đánh giá là không quá “bi đát” nhưng điều này phản ánh phần nào thực trạng khó khăn của nền kinh tế. Ngoài ra, hiện vẫn còn hàng loạt DN khác đang “sống dở, chết dở”.

Chỉ riêng trên 2 sở giao dịch chứng khoán, đến nay đã có hàng chục DN nằm trong diện bị cảnh báo do thua lỗ nhiều quý liên tiếp. Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán thừa nhận rằng khó khăn ngày càng tăng lên vào cuối năm. Dự báo, trong quý IV tới, tình hình tài chính của DN vẫn chưa sáng sủa, trừ khi Chính phủ có chính sách mới tháo gỡ cho DN hoặc lãi suất tín dụng giảm.

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH TM-DV Thép Khương Mai, cho rằng sức tiêu thụ của ngành thép giảm dần theo từng quý. So với quý I năm nay, sức tiêu thụ quý III giảm khoảng 8%-10%, giá bán cũng giảm ở mức này. Dự báo khó khăn sẽ còn tiếp tục “đeo bám” DN trong quý tới, bởi khi thị trường bất động sản chưa thông, chắc chắn hoạt động của các DN ngành thép và vật liệu xây dựng sẽ còn khốn đốn.

Theo ông Khương, hầu hết các DN trong ngành đều phải vay nhiều vốn của ngân hàng, với mức lãi vay như hiện nay thì lợi nhuận làm ra phải dành phần lớn để trả lãi, trong khi doanh thu bán hàng lại giảm dần. Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) vừa thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2011.

Theo đó, doanh thu giảm từ 4.000 tỉ đồng xuống còn 2.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 135,2 tỉ đồng xuống còn 53,4 tỉ đồng (gần 60%). Ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng kết quả lợi nhuận thực tế không phản ánh được hết khó khăn của DN hiện nay mà cần phải nhìn vào dòng tiền.

Nhiều báo cáo của DN cho thấy dòng tiền ngày càng kiệt quệ trong khi dư nợ vẫn cao, chi phí phát sinh nhiều. Nếu kinh tế vĩ mô khó khăn kéo dài thì khả năng trả nợ của DN sẽ ngày càng khó, dễ đưa DN đến phá sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi nhuận giảm sút mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO