Đề án chính quyền đô thị đáp ứng đòi hỏi bộ máy tinh gọn, hiệu quả cho TP.HCM

Nguyễn Tâm| 23/10/2020 04:13

Đề án chính quyền đô thị của TP.HCM dự kiến sẽ được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào giữa 11 tới đây. Để hiểu rõ hơn về Đề án này, báo Doanh nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - người theo sát đề án này từ giai đoạn đầu.

Đề án chính quyền đô thị đáp ứng đòi hỏi bộ máy tinh gọn, hiệu quả cho TP.HCM

Ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM.

Thưa Ông, Đề án chính quyền đô thị mà TP.HCM đã trình Quốc hội có gì khác với mô hình chính quyền truyền thống?

Trước hết cần phải hiểu nội dung tổng thể của Đề án này. Đề án có 3 nội dung cơ bản, cũng là 3 đề án hợp phần. Thứ nhất, TP.HCM đề xuất không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường. Thứ hai, thành lập một số thành phố trực thuộc thành phố trên địa bàn. Thứ ba, đề nghị một số cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố.

Đề án hợp phần quan trong và nổi bật nhất là nội dung không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Điều này phù hợp với Luật sửa đổi tổ chức Chính phủ và Chính quyền địa phương năm 2019. Hai nội dung còn lại: về cơ chế chính sách đặc thù thì đã được chấp thuận trong Nghị quyết 54 của Quốc hội; về tổ chức thành phố trong thành phố thì đang trình Trung ương đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập 3 quận: quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Tóm lại, mô hình tổ chức chính quyền đô thị của TP.HCM sẽ thực hiện theo hướng: Cấp chính quyền TP.HCM trực thuộc Trung ương có HĐND và UBND; các huyện (Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ) có HĐND và UBND; thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, và Thủ Đức sẽ có HĐND và UBND. Còn lại các quận, các phường thuộc quận và các phường thuộc thành phố Thủ Đức không có HĐND, riêng chính quyền cấp xã vẫn duy trì HĐND và UBND.

Tại sao TP.HCM lại trình Quốc hội thông qua Đề án ở thời điểm này?

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM trình đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị lên Quốc hội.

Từ 2007, TP đã trình Đề án này nhưng thời điểm đó có những quy định chưa phù hợp nên chưa được thông qua. Cụ thể, năm 2007, Hiến pháp chưa có quy định mô hình thành phố trong thành phố.

Đến 2013, TP tiếp tục trình Quốc hội nhưng lúc này Hiến pháp sửa đổi quy định cấp chính quyền phải có HĐND, UBND. Nghĩa là các cấp chính quyền ở mọi đơn vị hành chính phải tổ chức HĐND và UBND.

Tuy nhiên hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định rất rõ, cho phép có thể không tổ chức HĐND cấp quận, phường nếu được Quốc hội đồng ý. Đấy là cơ sở pháp lý. Còn về trực tế, Đề án này là mong muốn, xuất phát từ nhu cầu phát triển khách quan của TP.HCM, trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi chính quyền phải tinh gọn và hoạt động có hiệu quả để đáp ứng yêu cầu mới.

Trên thực tế, TP.HCM đã thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường từ năm 2009 và làm rất tốt.

y-kien-cu-tri-tp-Thu-Duc-6458-1603437213

Ông Trương Văn Lắm: Đề án chính quyền đô thị không làm xáo trộn đời sống người dân.

Việc không tổ chức HĐND ở một số cấp có ảnh hưởng đến quyền giám sát, quyền đại diện của người dân không, thưa ông?

Thực hiện Đề án chính quyền đô thị, về cơ bản không xáo trộn đến hoạt động, sinh hoạt của người dân. Chỉ có thay đổi tổ chức, không còn HĐND ở một số quận, phường.

Để thực hiện quyền làm chủ của người dân, chức năng đại diện của các đại biểu HĐND thì đã có HĐND thành phố, có đại biểu Quốc hội, UBND các cấp, có các tổ chức đoàn thể, Mặt trận... Thành phố sẽ tăng cường các hội nghị nhân dân, hội nghị cử tri để tiếp xúc, đối thoại giữa nhân dân với chính quyền cơ sở.

Đó là một kênh. Ngoài ra, hiện nay các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết các vấn đề dịch vụ công. Do vậy, người dân Thành phố đang phản ánh trực tiếp qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh và chính quyền tiếp nhận, xử lý ngay.

Như vậy là kết hợp giữa tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể, của Mặt trận, của các tổ chức giám sát của Đảng để công khai giám sát quyền lực và gắn với ứng dụng CNTT để tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị của nhân dân.

Khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, không tổ chức HĐND quận, phường thì cơ quan nào sẽ làm thay nhiệm vụ của HĐND quận, phường?

Nhiệm vụ của HĐND quận, phường sẽ chuyển sang HĐND thành phố, UBND thành phố, UBND quận, phường. Những công việc có liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội sẽ được bố trí chuyển sang các tổ chức khác cho phù hợp, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan sẽ tiếp nhận. Như vậy, có những bộ phận sẽ gánh thêm nhiệm vụ. Đây là bắt buộc khi thực hiện tinh giảm tổ chức bộ máy, không muốn cũng phải làm. Tới đây nếu được thông qua, TP sẽ quán triệt, làm công tác tư tưởng với cả những người nghỉ, người điều chuyển công việc, những người ở lại nhận thêm việc...

Đại biểu HĐND quận, huyện, phường chủ yếu là đại biểu kiêm nghiệm, nên việc tổ chức, bố trí lại công ăn việc làm cho các đại biểu không gặp khó khăn gì. Với một số đồng chí lãnh đạo HĐND chuyên trách, thành phố và các quận tổ chức sắp xếp vào vị trí công tác khác, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ. Với những cán bộ không thể sắp xếp lại theo đúng nguyện vọng thì phải tổ chức giải quyết theo cơ chế tinh giảm biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Khi áp dụng tinh giảm biên chế, ngoài cơ chế chính sách của Trung ương về chế độ cho cán bộ tinh giảm thì TP đã có nghị quyết riêng, thêm một lần trợ cấp để tạo điều kiện cho cán bộ tìm công việc mới.

Xin cảm ơn ông.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, khi tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, sẽ giảm được hàng ngàn biên chế: TP Hà Nội hiện có 12 quận, 1 thị xã, với 177 phường; TP Đà Nẵng có 6 quận, 45 phường và TP.HCM có 19 quận, 259 phường. Tương đương với số lượng quận, phường này là số đơn vị HĐND các cấp đang hoạt động với hàng ngàn biên chế, người hưởng lương ngân sách.

Năm 2016, khi tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường tại TP.HCM làm tăng số biên chế toàn TP khoảng 8.300 người, khi không tổ chức HĐND thì số biên chế, người hưởng lương này sẽ không còn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề án chính quyền đô thị đáp ứng đòi hỏi bộ máy tinh gọn, hiệu quả cho TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO