Theo TS. Huỳnh Thế Du, chỉ số PCI và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) vừa được công bố là hai chỉ số quan trọng, thể hiện một phần tính năng động, tính đột phá và đổi mới sáng tạo của TP.HCM đã chậm lại đáng kể thay vì là địa phương luôn tiên phong, đổi mới như thời điểm sau đổi mới, nhưng ở chừng mực nào đó, không phải phản ánh tất cả.
Khi nhìn các chỉ số PCI, PAPI trong trường hợp cụ thể với TP.HCM, thì hai chỉ số này là yếu tố để tham khảo, không nên lấy đó để xem như là năng lực cạnh tranh tổng thể của Thành phố. Hiểu như vậy không chính xác. Sức hút của nền kinh tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Theo GS. Michael Porter, khung năng lực cạnh tranh của một địa phương được cấu thành bởi môi trường kinh doanh; trình độ phát triển cụm ngành; hoạt động và chiến lược của doanh nghiệp; hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế và xã hội; hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải, điện, nước, viễn thông); chính sách tài khóa, đầu tư, tín dụng, cơ cấu; tài nguyên tự nhiên; vị trí địa lý; quy mô của địa phương.
TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, thứ nhất, khi chúng ta nhìn chỉ số PCI và PAPI, chỉ thấy cảm nhận của doanh nghiệp, của người dân chứ không phải toàn bộ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế.
Thứ hai, xét một cách tổng thể từ yếu tố sẵn có, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ở góc độ doanh nghiệp, ông cho rằng TP.HCM luôn ở vị trí dẫn đầu. Nếu lấy PCI, PAPI mà nói Thành phố có năng lực cạnh tranh, sức hút kém đi so với các địa phương thì không phản ánh toàn diện. Bởi tính cạnh tranh của Thành phố không phải cạnh tranh với các địa phương trong nước, mà là cạnh tranh với các thành phố khác, các vùng đô thị khác trong khu vực.
Ông dẫn chứng, năm 2015 đã làm một cuộc đánh giá năng lực cạnh tranh của TP.HCM. Nếu so sánh với ba nhóm thành phố gồm Tokyo, Singapore, Hồng Kông; Thượng Hải, Bắc Kinh, Seoul; Manila, Bangkok, Jakarta... thì năng lực cạnh tranh của TP.HCM có vấn đề nghiêm trọng. Nhưng ở khía cạnh tích cực thì thời gian qua năng lực cạnh tranh của Thành phố có sự cải thiện.
Còn khi phân tích các yếu tố hình thành trung tâm tài chính và 9 yếu tố khung năng lực cạnh tranh, thì ông cho rằng TP.HCM tương đương Jakarta, Manila và gần bằng Bangkok. Còn nếu nhìn năng lực cạnh tranh tổng thể ở trong nước, TP.HCM vượt trội hơn hẳn, kể cả hơn Hà Nội.
Trong nhiều chỉ số xếp hạng của các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì TP.HCM là một trong ít địa phương cả nước được xếp hạng. Đây là khía cạnh nên nhìn nhận ở góc độ năng lực cạnh tranh, sức hút của một địa phương. Trên thực tế chúng ta nhìn vào số lượng doanh nghiệp được thành lập mới, doanh nghiệp lớn, những khu vực hoạt động kinh tế phức tạp thì rõ ràng TP.HCM có vị trí vượt trội so với các địa phương khác trong cả nước.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một vấn đề đáng quan tâm, đó là việc TP.HCM đang đi chậm lại tương đối so với các địa phương khác. Nghĩa là khoảng cách của Thành phố so với các địa phương khác về sức hút không còn lớn như cách đây 20 năm. Khoảng cách này đang rút ngắn. Với tốc độ như hiện tại, đến một thời điểm Thành phố không còn là địa phương có sức hút lớn cũng như năng lực cạnh tranh tốt nhất trên cả nước, khả năng các địa phương khác bứt phá lên là rất gần.
TS. Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, bộ máy chính quyền của Thành phố có nhiều trục trặc trong thời gian qua. Đặc biệt là thể hiện ở các vụ việc liên quan đến tiêu cực đất đai xảy ra trong thời gian dài. Tính năng động, tính đột phá, đổi mới sáng tạo của Thành phố đang chậm lại đáng kể thay vì là địa phương luôn tiên phong, đổi mới như thời điểm sau năm 1986.
Sức ì của bộ máy TP.HCM cần phải được cải thiện. Do đó, để Thành phố có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị của chính quyền là cần thiết nhưng phải đặt nó trong mối tương quan so sánh với các vùng đô thị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải so sánh với các địa phương khác. Vai trò của TP.HCM cần phải được nâng lên tương xứng ở tầm khu vực.