Toàn cảnh

Thanh tra Chính phủ đề nghị "siết" quản lý thuế người bán hàng online

Ngọc Nga 17/07/2025 - 10:15

Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị Bộ Tài chính bổ sung các cơ chế giám sát, kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, nhằm tránh thất thu ngân sách.

Đề xuất này được nêu trong bản góp ý cho hồ sơ chính sách dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) do Bộ Tài chính công bố mới đây. Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng hiện có nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh qua các nền tảng như Google, Facebook, YouTube, Zalo… nhưng không đăng ký mã số thuế. Việc này diễn ra trong khi vẫn còn thiếu các quy định kiểm soát dòng thanh toán, gây ra tình trạng thất thu thuế.

Luật số 56/2024/QH15 đã quy định, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và các dịch vụ số do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện, họ phải trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.

tmdt2023082117123420240104162855.jpg

Với các hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng online, các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử hoặc nền tảng số, dù là trong hay ngoài nước sẽ có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay. Nếu không thuộc diện khấu trừ, cá nhân kinh doanh sẽ phải tự đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế, đặc biệt khi nhiều giao dịch diễn ra xuyên biên giới hoặc qua các nền tảng thanh toán không kiểm soát được thông tin người bán.

Theo Bộ Tài chính, tổng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử trong giai đoạn 2022-2024 đạt khoảng 296.000 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, số thu từ khu vực này đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tích cực nhưng vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng thu ngân sách từ lĩnh vực đang phát triển rất nhanh này.

Tin dung
6 tháng đầu năm 2025, tổng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước

Để tăng hiệu quả quản lý, Bộ Tài chính đã kiến nghị trong quá trình xây dựng Luật Thương mại điện tử (do Bộ Công Thương chủ trì) cần bổ sung quy định yêu cầu các chủ thể kinh doanh cung cấp thông tin, gồm người bán, nền tảng trung gian, đơn vị logistics và đơn vị thanh toán.

Ngoài ra, một đề xuất quan trọng là bắt buộc các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới phải thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán chuyên biệt. Theo Bộ Tài chính, biện pháp này sẽ giúp kiểm soát thông tin giao dịch, từ đó hạn chế thất thu thuế trong môi trường số.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung cơ chế quản lý thuế với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, bao gồm sản phẩm bán dẫn, tài sản mã hóa (NFT, token…), và dịch vụ công nghệ số. Đề xuất này được đưa ra sau khi Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số vào ngày 14/6 vừa qua.

Phản hồi đề xuất, Bộ Tài chính cho biết đang triển khai sắp xếp lại mô hình quản lý thuế, chuyển từ quản lý theo chức năng sang quản lý theo đối tượng và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, bao gồm cả đơn vị phát hành hoặc sở hữu tài sản mã hóa sẽ được đưa vào diện giám sát thuế.

Cơ quan thuế sẽ xây dựng bộ tiêu chí riêng phù hợp với tính chất đặc thù của ngành công nghệ số như: Phi vật chất, tốc độ tăng trưởng nhanh, giá trị dễ chuyển giao, và khó xác định danh tính người nộp thuế. Mô hình quản lý rủi ro chuyên biệt này được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo nghĩa vụ thuế của khu vực công nghiệp công nghệ số, đồng thời tránh thất thu và tạo môi trường cạnh tranh công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh tra Chính phủ đề nghị "siết" quản lý thuế người bán hàng online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO