TP.HCM bứt tốc phát triển cùng cả nước, vì cả nước

Phạm Phương Thảo| 22/05/2023 08:47

Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH được giới chuyên gia, nhà khoa học kỳ vọng nếu được thông qua trong kỳ họp Quốc hội kỳ này sẽ tạo ra "chiếc áo mới" mà qua đó phá vỡ những điểm nghẽn giúp TP.HCM tiếp tục bứt tốc phát triển, tạo động lực cho toàn vùng, cho khu vực Nam Bộ và cả nước cùng phát triển.

TP.HCM bứt tốc phát triển cùng cả nước, vì cả nước

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội tại Thành phố Hồ Chí Minh” được cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam và Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức vào ngày 18/5 vừa qua, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hội thảo là dịp để bàn thảo làm sáng rõ hơn thực trạng xây dựng và thí điểm các cơ chế mới, vượt trội của TP.HCM; phương hướng xây dựng và thí điểm các cơ chế, chính sách mới, vượt trội để bảo đảm tính hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM và tính bền vững trong phát triển của TP.HCM trong bối cảnh, điều kiện mới; thảo luận, đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực, mang tính chiến lược nhằm góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả xây dựng và thí điểm các cơ chế, chính sách mới vượt trội của TP.HCM.

-9039-1684705897.jpg

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Cao Siêng

Với 63 tham luận được chọn đăng kỷ yếu, và 10 tham luận trình bày tại hội thảo, PGS - TS Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM khẳng định, nội dung kỷ yếu và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã bám sát vào mục tiêu, chủ đề đặt ra; cung cấp nhiều luận cứ khoa học, gợi mở những vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận dưới các góc nhìn đa chiều.

Sau hội thảo, cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam và Học viện Cán bộ TP.HCM sẽ chắt lọc, báo cáo với Thường trực Thành ủy TP.HCM và gửi đến các cơ quan có liên quan về kết quả hội thảo cùng với các kiến nghị, đề xuất của hội thảo đối với việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới vượt trội tại Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần cùng TP.HCM thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đã có nội dung báo cáo, thu hút được nhiều sự quan tâm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Và được sự đồng ý của bà Phạm Phương Thảo, tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn trân trọng giới thiệu đến quý độc giả nội dung tham luận.

Kỳ vọng Nghị quyết tạo đột phá

TP.HCM là đô thị đặc biệt, có quy mô dân số và kinh tế lớn nhất nước, là đầu tàu kinh tế cả nước, là trung tâm nhiều mặt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước

Người dân TP.HCM có truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Từ thực tiễn sinh động, TP.HCM đã đề xuất nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, phát triển và hội nhập cùng thế giới.

Trong quá trình phát triển, TP.HCM luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương. Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết về TPHCM (đó là Nghị quyết 01 năm 1982, Nghị quyết 20 năm 2002, Nghị quyết 16 năm 2012 và Nghị quyết 31 năm 2022). Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 (gọi là Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trên một số lĩnh vực về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. 

-2578-1684705897.jpg

Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng tạo ra những xung lực mới, mang lại nhiều cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước cùng phát triển.

Tuy nhiên, Nghị quyết 54 chưa được thực hiện như kỳ vọng vì vẫn thiếu nhiều cơ chế, chính sách và sự phối hợp chưa đồng bộ.Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành bộ máy do thiếu hướng dẫn và nhất là chưa được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.

Sự phát triển của TP.HCM đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nhất là thể chế. Khi chính sách pháp luật còn chồng chéo và chung chung, thẩm quyền không rõ, nhiều việc phải xin cấp trên, việc xử lý các vấn đề của thành phố lớn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế nhìn chung còn nặng xin - cho, quy trình, thủ tục còn nặng nề, mất nhiều thời gian, công sức. 

Trước những khó khăn, thách thức bởi tác động của tình hình kinh tế thế giới, cùng những vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, cơ chế chưa được tháo gỡ và những nguyên nhân nội tại, chỉ số tăng trưởng gần đây của TP.HCM có dấu hiệu chùng xuống so với cả nước. 

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi TP.HCM cần có cơ chế, chính sách vượt trội. Đây được xem là đòi hỏi hết sức cấp thiết, vừa đáp ứng cho trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài cho TPHCM, cho cả vùng và cả nước. 

Những đề xuất về cơ chế chính sách của TP.HCM 

Theo chương trình, kỳ họp lần thứ V, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Dự thảo Nghị quyết mới có 7 nội dung với khoảng 44 chính sách về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức

Có thể thấy rằng, so với Nghị quyết 54 trước đây, dự thảo Nghị quyết dự kiến trình Quốc hội lần này bao gồm nội dung rộng hơn và cụ thể hơn trên một số lĩnh vực. Đáng chú ý là ở lĩnh vực đầu tư, sẽ cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với các tuyến giao thông, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai… Qua đây, TP.HCM sẽ chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị theo quy định. Đối với các lĩnh vực cụ  thể, cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công  tư (PPP), và tiếp tục được thực hiện theo Hợp đồng BOT và BT một cách công khai, minh bạch nhằm thúc đẩy đầu tư xây dựng các dự án, công trình. 

Về tài chính ngân sách, sẽ quy định danh mục phí, lệ phí, mức hưởng 100% cho thành phố với số thu tăng thêm; thành phố sẽ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% tổng thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp.

Về tổ chức bộ máy của TP.HCM, dự thảo Nghị quyết đề xuất HĐND TP.HCM có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, đảm bảo tinh gọn, không vượt quá số lượng theo quy định của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Ngoài ra, UBND TP.HCM có thẩm quyền quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.HCM, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức, Nghị quyết mới kiến nghị HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM được quyền quyết định giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách, quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hoá xã hội; tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và cán bộ, công chức, viên chức. Và HĐND TP.HCM quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức.

Mong muốn chính sách thật sự tạo đột phá 

Để phát triển TPHCM, Nghị quyết lần này cần có nội dung về cơ chế, chính sách tạo hành lang và lộ trình hình thành, phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

Đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị và mô hình thành phố trong thành phố tại TP.HCM theo hướng được giao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn, gắn với nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo động lực phát triển.

Trong xu hướng triển khai thực hiện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cần giao cho TP.HCM có thẩm quyền và chủ động tính toán về số lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tiễn theo hướng tinh giảm biên chế. Trước mắt, đối với những phường, xã có quy mô dân số đông, tính chất công việc phức tạp và nhiều áp lực, cần phải có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân cũng như các tồ chức, doanh nghiệp có liên quan.

Phát triển TP.HCM đặt trong sự phát triển vùng Đông Nam bộ và mối quan hệ đối với các vùng miền trong khu vực. Để thúc đẩy phát triển, cho phép TP.HCM phối hợp thực hiện thí điểm những dự án kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những dự án giao thông liên vùng.

Xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM (năm 2022 được điều chỉnh từ 18% lên 21%) và cần ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách trong thời gian dài để TP.HCM có sự chủ động về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm của thành phố.

Triển khai nhanh việc sắp xếp nhà đất của các cơ quan, đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM để sớm có phương án xử lý nhằm có thêm nguồn thu đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Khuyến khích đẩy mạnh xã hội hoá trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao (nhất là đối với khu vực nội thành) nhằm tăng thêm cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ người dân, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Về lâu dài, cần ban hành Luật đô thị nhằm luật hóa các cơ chế, chính sách phù hợp với đô thị, nhất là đối với đô thị đặc biệt, hạn chế nhiều việc phải xin ý kiến Trung ương để xử lý nhanh hơn những vấn đề đặt ra của thành phố lớn.

Trên tinh thần đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với sự hợp lực thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế TP.HCM tăng tốc, thì các cơ chế, chính sách vượt trội từ Nghị quyết 54 mới dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp lần này, chắc chắn sẽ tạo thêm niềm tin và động lực cho TP.HCM tiếp tục bứt tốc phát triển, khẳng định vị thế của một cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng, khu vực Nam Bộ và cả nước, bởi vì sự phát triển của TP.HCM chính là sự phát triển cùng cả nước, vì cả nước và cả nước vì TP.HCM.

(*) Tựa bài do tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đặt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM bứt tốc phát triển cùng cả nước, vì cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO