Sáng kiến xã hội: Nền tảng cộng đồng tương lai

THANH TÂM| 27/08/2010 08:38

Chính phủ Mỹ và Anh đang nỗ lực hợp tác với doanh nhân để giải quyết những vấn đề xã hội nan giải. Liên minh công - tư này được kỳ vọng sẽ là nền tảng của cộng đồng tương lai.

Sáng kiến xã hội: Nền tảng cộng đồng tương lai

Chính phủ Mỹ và Anh đang nỗ lực hợp tác với doanh nhân để giải quyết những vấn đề xã hội nan giải. Liên minh công - tư này được kỳ vọng sẽ là nền tảng của cộng đồng tương lai.

“Sáng kiến cộng đồng” và “doanh nhân xã hội”

Ngày 22/7/2010, chính quyền Barack Obama công bố 500 triệu USD tiền thuế và 74 triệu USD từ thiện của Quỹ Phát kiến Xã hội (SIF) sẽ được trao cho những tổ chức phi lợi nhuận hoạt động hiệu quả nhất Hoa Kỳ.

Dự án giáo dục cho trẻ em nghèo tại Mỹ

Mục tiêu là chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo việc làm và hỗ trợ đời sống thế hệ trẻ. Dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngân sách liên bang, nhưng Quỹ cũng là biểu hiện cụ thể cho thấy chính quyền quan tâm ngày càng nhiều đến việc giải quyết các vấn đề xã hội...

Mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã có bài phát biểu tại Liverpool về “Xã hội lớn” và kế hoạch hỗ trợ tài chính cho những doanh nghiệp xã hội, các đoàn thể từ thiện và những tổ chức tình nguyện. Ông Cameron kỳ vọng “sẽ có thêm nhiều sáng kiến xã hội đem lại lợi ích cộng đồng để tạo quốc gia cường tráng”.

Nhiều chục năm trước, những nhà thiện nguyện chỉ cần quyên tiền hoặc góp sức cho người nghèo khó. Nhưng xu thế ngày nay lại đòi hỏi mọi người đóng góp “sáng kiến xã hội” để hướng dẫn kẻ khốn cùng tự lực vươn lên. Cụm từ “doanh nhân xã hội” nổi lên từ năm 1990 và ngày càng thông dụng.

Thay vì được ca ngợi vì kinh doanh thành công như doanh nhân bình thường, doanh nhân xã hội được tung hô như những anh hùng vì có sáng kiến và bỏ công thực hiện kế hoạch để nâng cao chất lượng sống của người dân. có thể nói, nổi tiếng nhất là Muhammad Yunus, nhà sáng lập ngân hàng tài chính vi mô Grameen.

Một tên tuổi ấn tượng khác là Wendy Kopp, nhà sáng lập Teach for America, tổ chức kết nối hàng ngàn tân cử nhân từ những trường đại học dẫn đầu Hoa Kỳ đến giảng dạy tại các quốc gia có nền giáo dục kém phát triển nhất. Và còn nhiều người tài khác đã, đang đóng góp nhiều sáng kiến quý báu để giảm tỷ lệ tái phạm tội hoặc hỗ trợ sinh viên nghèo đến trường...

Kết hợp công - tư

Quyển sách mới của giáo sư Stephen Goldsmith thuộc Đại học Harvard có tên “Sức mạnh của những sáng tạo xã hội” được coi như là kinh thánh của ngành vì chứa đựng rất nhiều ví dụ doanh nhân xã hội thành công. Sách còn đề cập đến triển vọng của liên kết chính quyền - tư nhân để giải quyết các vấn đề xã hội.

Bản thân tác giả Stephen Goldsmith, từng là Thị trưởng của Indianapolis, nổi danh vì quyết sách sa thải 40% nhân viên để cắt giảm chi phí công. Ông còn đi tiên phong trong việc tổ chức đấu thầu để doanh nghiệp tư có quyền cạnh tranh công bằng giành quyền cung cấp dịch vụ công cộng cho thành phố.

Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, ông gia nhập bộ máy chính quyền Bush rồi trở thành Chủ tịch Tổ chức Dịch vụ Cộng đồng và Quốc gia. Goldsmith ghi nhận: “Quá trình tìm cách giải quyết những vấn đề xã hội được chia làm nhiều tầng bậc. Ở giai đoạn một, đầu thế kỷ XX, tổ chức thiện nguyện và các gia đình có tâm đảm nhiệm sứ mệnh hỗ trợ người cùng khổ.

Giai đoạn hai, chính quyền Anh và Mỹ thành lập tổ chức chống đói nghèo. Đến giai đoạn ba, chính quyền cố gắng liên kết với tư nhân, thông qua hoạt động thuê ngoài đầy cạnh tranh, để cắt giảm chi phí. Trong giai đoạn bốn này, chính quyền trông cậy nhiều vào năng lực của các đơn vị tư nhân để thực hiện những sáng kiến đổi thay đầy đột phá”.

Có sáng kiến, nhưng vẫn cần sức người sức của

Chính phủ Anh đang kỳ vọng nhiều vào trái phiếu xã hội. Dù là nhà từ thiện, doanh nhân hay chủ đầu tư, ai cũng có thể mua trái phiếu xã hội để góp tiền thực hiện ý tưởng cải tạo xã hội mà họ tin là sẽ thành công. Nếu sáng kiến tỏ ra hiệu quả, ví dụ như giúp giảm tỷ lệ người tái phạm tội rõ rệt, thì chính quyền sẽ cho lời từ 7,5 - 13%.

Bằng cách này, người mua trái phiếu có thể thu lợi, trong khi doanh nhân xã hội sớm được nhận vốn để thực hiện kế hoạch. Hơn thế nữa, chính phủ cũng hài lòng vì chuyển rủi ro đầu tư sang phía tư nhân mua trái phiếu...

Nhà tài phiệt Ronald, người đích thân tham gia nhiều tổ chức tình nguyện xã hội lớn, bày tỏ tin tưởng vào hình thức trái phiếu xã hội: “Phù hợp ở cả nước giàu lẫn nước nghèo”. Ông gợi ý việc phát hành trái phiếu để hỗ trợ những chương trình giáo dục tại châu Phi.

Nói đến vấn đề xã hội thì sức mạnh của tình nguyện viên luôn được đề cao. Gần đây, Chính phủ Hoa Kỳ công bố những tài liệu vốn bị che giấu bấy lâu. Mục tiêu là thu nhận ý kiến phản hồi từ đông đảo người dân để giải quyết những vấn đề tồn đọng.

Tại Anh, hai doanh nhân xã hội Hilary Cottam và Charles Ledbeater thành lập Participle để thiết kế lại chương trình phúc lợi xã hội quốc gia. Southwark Circle xây dựng mạng lưới xóm giềng nhằm chăm sóc người già neo đơn tại London.

Khó khăn lớn nhất cho cả Anh và Mỹ là bộ máy chính quyền quan liêu, trì trệ. Sáng kiến nhiều nhưng chi chẳng bao nhiêu. Vì vậy, Trung tâm Phát triển Hoa Kỳ, liên kết mạnh mẽ với chính quyền Obama, đã kiến nghị mỗi đơn vị nhà nước đóng góp 1% ngân sách cho sáng kiến xã hội. Young Foundation cũng đề nghị tương tự với chính quyền Anh...

Bên cạnh đó, áp lực chính trị cũng là rào cản chưa được tháo gỡ. Liên đoàn Giáo dục phản đối sáng kiến của doanh nhân xã hội và bài bác nhiều tỷ phú thiện nguyện như Bill Gates và Eli Broad.

Quyết định chi tiền cho tổ chức từ thiện New Profit cũng bị chỉ trích vì nhà sáng lập Vanessa Kirsch từng là chủ của đệ nhất phu nhân Michelle Obama... Và thế là cụm từ “doanh nhân công dân” mới ra đời để kêu gọi doanh nhân tài năng ngồi vào vị trí lãnh đạo thay thế kẻ quan liêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáng kiến xã hội: Nền tảng cộng đồng tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO