GDP Indonesia tăng trưởng tích cực trong quý 1/2024
Cơ quan thống kê Indonesia ngày 6/5 cho biết, kinh tế nước này tăng trưởng 5,11% so với cùng kỳ trong quý 1/2024, cao hơn nhẹ so với mức tăng 5,04% trong quý 4/2023. Trước đó, trong 1 cuộc khảo sát với các nhà kinh tế do Reuters tiến hành cho thấy, con số trung bình được dự đoán là khoảng 5%.
Tiêu dùng hộ gia đình, chiếm một nửa kinh tế Indonesia, tăng 4,91%, được thúc đẩy bởi tháng chay Ramadan khiến nhu cầu cao về đi lại, thực phẩm, nhà hàng và khách sạn.
Bà Amalia Widyasanti, giám đốc Cơ quan Thống kê Indonesia nói: “Xu hướng giảm giá các mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia, như dầu cọ thô và than đá, tiếp tục diễn ra trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong bối cảnh giá các mặt hàng xuất khẩu chính giảm, kinh tế Indonesia đã tăng trưởng vững chắc ở mức 5,11%. Sự tăng trưởng được hỗ trợ bởi hoạt động kinh tế trong nước mạnh mẽ.”
Về lĩnh vực sản xuất, những ngành đóng góp chính vào tăng trưởng là công nghiệp khai khoáng, chế biến, xây dựng và thương mại.
Các đảo Kalimantan, Sulawesi, Maluku và Papua ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn trung bình quốc gia, chủ yếu nhờ vào ngành khai thác mỏ và chế biến kim loại.
Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết vào tháng trước rằng, họ dự kiến tăng trưởng trong 2 quý đầu năm 2024 sẽ vượt qua ba tháng cuối năm 2023, nhờ mức tiêu dùng hộ gia đình cao trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Chi tiêu Chính phủ cũng tăng mạnh 19,9% nhờ hoạt động tập trung bầu cử. Chi tiêu của chính phủ và các đảng phái chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp vào tháng 2/2024, đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Tổng thống Joko Widodo triển khai các chương trình dân túy, được cho là mang lại lợi ích với ứng viên Prabowo Subianto, người đã chiến thắng trong cuộc đua tổng thống.
Cùng lúc đó, xuất khẩu chỉ tăng 0,5% so với một năm trước, do giá hàng hóa thấp hơn đã ảnh hưởng đến các mặt hàng than, dầu cọ và niken.
Giá hàng hóa đã giảm từ năm ngoái, sau khi tăng vọt vào năm 2022 - trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết vào tháng trước: “Xuất khẩu bị ảnh hưởng, do giá hàng hóa ở thị trường quốc tế thấp hơn và nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Indonesia, như Trung Quốc, đi xuống.”
GDP của Indonesia tăng 5,05% vào năm 2023, chậm lại so với mức 5,31% năm 2022, do xuất khẩu yếu đi. Ngân hàng Trung ương dự báo tốc độ tăng trưởng từ 4,7% đến 5,5% cho năm 2024.
Chuyên gia kinh tế Hosianna Situmorang từ Korea Investment Asset Management Indonesia nói: “Giữa những thách thức kinh tế toàn cầu và lạm phát vẫn còn khá cao, mức tiêu dùng hộ gia đình tăng cho thấy, sức mua của người dân Indonesia vẫn được duy trì. Những thách thức toàn cầu như xung đột Israel-Iran và định hướng lãi suất của Mỹ, vẫn sẽ ở mức cao trong dài hạn, ít nhất là đến nửa đầu năm 2025. Nhưng nhìn về phía trước, kinh tế Indonesia có thể tăng trưởng từ 5% đến 5,2% vào năm 2024.”