Joseph Schooling và chuyện đầu tư cho thể thao

ĐĂNG KHOA| 24/08/2018 07:21

Joseph Schooling tiếp tục là lá cờ đầu của thể thao Singapore tại Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAN Games) 2018. Ngoài mục tiêu giành huy chương, Schooling còn có nhiệm vụ dìu dắt thế hệ vận động viên (VĐV) trẻ.

Joseph Schooling và chuyện đầu tư cho thể thao

Schooling là niềm tự hào của người Singapore và là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo - Ảnh: AP

Kình ngư sinh năm 1995 trở thành niềm tự hào của Singapore khi trở thành VĐV đầu tiên của quốc gia này giành HCV Olympic. Ở nội dung 100 mét bướm, anh đánh bại chính thần tượng của mình - Michael Phelps để đăng quang ngôi vô địch.

Sứ mệnh người truyền lửa

Về quy mô, ASIAN Games chỉ đứng sau Olympic. Năm nay ước tính có trên 5 tỷ người xem sự kiện thể thao diễn ra tại Indonesia từ ngày 18/8 đến 2/9.

Tuyển bơi Singapore đặt mục tiêu vượt qua thành tích đoạt 6 huy chương ở ASIAN Games 2014 tại Incheon, Hàn Quốc. Khi đó, các VĐV bơi nước này đoạt 1 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Tấm HCV duy nhất của Schooling ở nội dung sở trường 100 mét bướm.

"Mục tiêu của tôi tại ASIAN Games là làm hết sức mình cho đất nước, mang vinh quang về cho Singapore và giúp đỡ những VĐV trẻ. Lực lượng của chúng tôi năm nay có nhiều kình ngư tiềm năng và tôi đặc biệt hào hứng với nội dung tiếp sức" - Schooling cho biết.

Tại kỳ đại hội này, Schooling dự định tham gia 6 nội dung, trong đó có cả phần thi tiếp sức. Bơi là một trong 3 môn được Singapore đặt tham vọng giành HCV bên cạnh đua thuyền buồm và rowing. Quốc gia này cử đến 265 VĐV tham gia tranh tài ở 21 môn. Đây là số lượng lớn nhất của họ từ trước đến nay.

Bơi được xem là môn thể thao số 1 tại Singapore. Cái hay của quốc gia này là luôn tạo ra các thế hệ VĐV tài năng. Họ không có đối thủ ở khu vực.

Còn nhớ, sau khi vô địch Olympic 2016, Schooling không bung hết sức khi về dự SEA Games. Năm ngoái, anh chỉ dự 6 nội dung và đoạt cả 6 HCV. Khi đó, tuyển bơi Singapore có đến 10 VĐV mới nhưng vẫn dễ dàng đứng đầu bảng tổng sắp với 19 HCV, 7 HCB và 11 HCĐ.

Đầu tư đi trước

Để Joseph Schooling có thể thành tài, gia đình của anh đã phải hy sinh rất nhiều. Khi kình ngư này vô địch Olympic 2016, tờ Strait Times đã tính rằng tổng số tiền mà gia đình Schooling trang trải để anh học tại Mỹ lên đến 1 triệu SGD (hơn 22 tỷ đồng). Con số này xấp xỉ tiền thưởng mà anh nhận được cho những thành tích ở SEA Games, ASIAD và Olympic (1,55 triệu SGD).

Cha của Schooling - ông Colin thẳng thắn cho biết tiền thưởng cho Joseph dùng để trả các khoản nợ ngân hàng vì ông đã vay để đầu tư cho con.

Thể thao Singapore giúp đỡ hết sức để Schooling thi đấu. Tại các giải đấu lớn, quốc gia này luôn cử đoàn tiền trạm sang nơi thi đấu nhiều lần để chọn nơi đóng quân tốt nhất. Schooling có vệ sĩ bảo vệ, có chuyên gia y tế, vật lý trị liệu, phân tích video... để an tâm thi đấu.

Tại Olympic 2016, chỉ riêng việc ăn uống, Singapore đã chu đáo đến mức mang sang hai đầu bếp để chế biến 88 món ăn phục vụ Schooling và đồng nghiệp.

Hiện nay không chỉ Singapore, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đầu tư mạnh cho thể thao. Thái Lan quan niệm càng có nhiều người chơi thể thao cũng đồng nghĩa với việc số người cần đến chăm sóc y tế ít đi.

Tổng cục Thể thao Thái Lan và các liên đoàn, bộ môn có chính sách hỗ trợ tiền thưởng lớn cho VĐV đạt thành tích cao. Chẳng hạn, VĐV đoạt HCV ASIAD 2018 sẽ được thưởng 1 triệu baht (hơn 700 triệu đồng). Riêng các VĐV xe đạp có thể nhận đến 5,3 triệu baht (hơn 3,2 tỷ đồng) nếu đứng trên bục cao nhất.

Trong giai đoạn này, thể thao Thái Lan đầu tư 18 triệu euro để hướng đến Olympic 2020. ASIAN Games 2018 được xem là bước đệm quan trọng nhất. Vì chi ra khủng, người Thái đặt tham vọng giành 17 HCV,  cao gấp 6 lần so với Việt Nam.

Tại Việt Nam vài năm qua, việc xã hội hóa thể thao được đẩy mạnh, có nhiều VĐV được đưa ra nước ngoài đào tạo dài hạn. Ánh Viên đã mang lại thành công khi sang Mỹ tập huấn từ cuối năm 2011. Số tiền hằng năm từ ngân sách nhà nước và đơn vị chủ quản chi cho cô khoảng 2 tỷ đồng.

Đầu năm nay, cô gái chạy nhanh nhất Đông Nam Á Lê Tú Chinh cũng sang Mỹ để tập luyện với kinh phí tầm 2 tỷ đồng/năm. Cô là niềm hy vọng lớn của điền kinh Việt Nam để chinh phục HCV ASIAD trong tương lai gần.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thành công hay suôn sẻ. Kình ngư Hoàng Quý Phước từng đánh bại Schooling ở nội dung bơi bướm, nhưng tài năng của anh không thể phát huy hết vì những trục trặc khi tập huấn ở nước ngoài.

Hay như Nguyễn Diệp Phương Trâm, người được xem là kế tục Ánh Viên. Cô được đầu tư hướng đến Olympic 2024. Tuy nhiên vì chấn thương, kình ngư sinh năm 2001 này phải bỏ dỡ việc tập huấn tại Mỹ và chưa biết khi nào trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Joseph Schooling và chuyện đầu tư cho thể thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO