Tranh chấp nội bộ và số phận giá cổ phiếu

Gia Lê| 10/04/2019 04:04

Để một doanh nghiệp phát triển đúng hướng, sự đồng lòng, hợp nhất giữa các nhóm cổ đông lớn, sự đoàn kết của bộ máy lãnh đạo luôn là điều quan trọng nhất. Nếu mâu thuẫn xảy ra, không chỉ khiến doanh nghiệp lục đục, hướng đi không rõ ràng mà còn tác động xấu lên giá cổ phiếu.

Tranh chấp nội bộ và số phận giá cổ phiếu

Ngày 28/3, Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) tạm dừng thực hiện nghị quyết của đại hội cổ đông bất thường ngày 11/1/2019. Theo đó, điều khoản bị tạm dừng thực hiện chính là kết quả bầu cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Quyết định này được đưa ra sau khi tòa xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Hà Nội). Được biết, Bất động sản Cường Vũ và Star Invest hiện là cổ đông lớn nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,6% cổ phần VCG. Còn cổ đông lớn nhất của VCG hiện là Công ty TNHH An Quý Hưng (57,7%).

Cổ phiếu VCG lập tức giảm sàn ngay trong phiên giao dịch đó, vốn hóa bốc hơn 1.200 tỷ đồng và tiếp tục rớt mạnh trong ngày hôm sau. Dù sau đó có những phiên tăng trở lại khi Tổng công ty khiếu nại gửi tòa án kiến nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp nói trên, nhưng cổ phiếu VCG có thể nói đã phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, khi giá  liên tiếp biến động mạnh trong những ngày qua. Cho đến nay thì tòa vẫn đang bác khiếu nại của Vinaconex và HĐQT mới phải bị dừng hoạt động.

Trước đó một ngày, tại Eximbank, Tòa án nhân dân TP.HCM đã yêu cầu tạm dừng nghị quyết thay đổi chủ tịch HĐQT của ngân hàng này, khi chủ tịch trước đó là ông Lê Minh Quốc khởi kiện yêu cầu hủy Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank được ban hành ngày 22/3/2019 về việc thay đổi chủ tịch HĐQT do trái điều lệ của Eximbank. Cổ phiếu Eximbank những ngày sau đó rớt gần 6%.

Có thể thấy việc tranh chấp quyền lãnh đạo hay mâu thuẫn trong điều hành, chiến lược phát triển giữa các cổ đông lớn của doanh nghiệp luôn khiến các nhà đầu tư nhỏ bị thiệt hại, khi phải chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc. Như tại Vinaconex, mâu thuẫn giữa hai nhóm cổ đông lớn là đến từ kế hoạch xây dựng Splendora, dẫn đến những khiếu nại và kiện cáo như trên.

Nếu như một doanh nghiệp đang trong tầm ngắm thâu tóm, tranh giành tỷ lệ sở hữu vượt trội nhưng "cuộc chiến" vẫn chưa ngã ngũ thì sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu tăng mạnh, khi không chỉ các nhà đầu tư tổ chức quyết liệt mua vào mà các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cũng tận dụng cơ hội bám theo "cuộc chơi". Như trường hợp của Công ty CP GTN Foods, giá cổ phiếu tăng vọt khi có tin Vinamilk muốn thâu tóm, hay như chính trường hợp của VCG trước đây trong giai đoạn Nhà nước thoái vốn.

Tuy nhiên, khi tranh giành quyền sở hữu đã chấm dứt, thì điều quan trọng là các nhóm cổ đông lớn phải cùng đồng lòng đưa doanh nghiệp phát triển theo chiến lược phù hợp nhất. Nếu có sự chia rẽ, bất đồng, hướng đi của doanh nghiệp trong tương lai cũng trở nên không rõ ràng, dẫn đến triển vọng của công ty không còn hấp dẫn.

Chính vì vậy mà một khi các thông tin về chia rẽ nội bộ, kiện cáo lẫn nhau được loan ra bên ngoài, giá cổ phiếu sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng tiêu cực. Và nếu hai bên không sớm hòa giải, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại, giá cổ phiếu sẽ ngày càng suy yếu khi ai cũng muốn thoát ra khỏi mớ bòng bong hiện tại, vì không chắc mọi chuyện sẽ còn diễn tiến đến đâu. Lúc này không chỉ riêng cổ đông bị thiệt hại, mà chính doanh nghiệp cũng bị tổn hại lợi ích khi đánh mất hình ảnh, niềm tin vốn đã được dày công xây dựng trong suốt thời gian dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh chấp nội bộ và số phận giá cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO