Nợ xấu: Không để xấu hơn

TS. LÊ XUÂN NGHĨA - Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia| 26/06/2012 03:13

Nợ xấu dần dần trở thành u nhọt thật sự của nền kinh tế dù vấn đề này đã được cảnh báo từ nhiều năm nay.

Nợ xấu: Không để xấu hơn

Nợ xấu dần dần trở thành u nhọt thật sự của nền kinh tế dù vấn đề này đã được cảnh báo từ nhiều năm nay.

Đọc E-paper

Còn lại 3 vấn đề



Bây giờ, diễn biến nền kinh tế Việt Nam gói lại 3 vấn đề: doanh nghiệp (DN) đình đốn, tăng trưởng kinh tế thấp và nợ xấu rất lớn. Khi nợ xấu lớn, căn bệnh chủ chốt của Việt Nam là đóng băng tín dụng và suy kiệt vốn.

Đóng băng tín dụng không phải do ngân hàng thương mại (NHTM) cố tình đóng băng mà vấn đề là không ai muốn vay mượn. Còn chuyện DN nhỏ và vừa khát vốn thực tế do DN không đạt chuẩn tín dụng.

Căn bệnh này không mới vì nó đã giết chết nhiều nền kinh tế của thế giới, cả với nền kinh tế lớn như Nhật Bản.

Ví dụ trước đây, Nhật Bản giống Việt Nam về việc làm đẹp báo cáo khi công bố nợ xấu thấp hơn sổ sách. Con số nợ xấu báo cáo do Chính phủ Nhật công bố lúc đó có 2.000 tỷ yên.

Chính phủ quyết định đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa, nhưng sau 5 năm, kích tài khóa mãi không thấy phục hồi.

Lúc này, Chính phủ Nhật Bản mới xem xét đến vấn đề tiền tệ thì phát hiện nợ xấu lên đến 40.000 tỷ yên. Ngay khi phát hiện ra nợ xấu quá lớn, Nhật Bản lập tức tập trung xử lý nợ nhưng lúc này đã quá muộn.

Lý do là giữa các NHTM và DN không còn lòng tin, nền kinh tế Nhật Bản sau đó rơi vào trì trệ, GDP tăng trưởng 16 năm liền đều bằng 0.

Từ chuyện của Nhật Bản, Chính phủ Mỹ đã rút kinh nghiệm và sử dụng ngay chính sách tiền tệ, mua nợ xấu của các NHTM để DN tiếp cận vốn mới, phá được tình trạng đóng băng tín dụng.

Nói về câu chuyện giải quyết nợ xấu tại Việt Nam, đặt giả định chúng ta để các NHTM tự xử lý nợ xấu, cũng giả định nợ xấu hiện nay là 10% GDP, bằng 10% tổng dư nợ.

Nếu các NHTM tự xử lý thì mỗi năm các NHTM xử lý 1,5-2%, không xử lý cùng lúc được mà phải kéo dài xử lý dần.

Như vậy, sẽ có 3 vấn đề xảy ra: GDP giảm mỗi một năm tương ứng 1,5-2%, các NHTM mất 7-10 năm để giải quyết. Trong 7 năm này, NH sẽ rà soát lại toàn bộ tín dụng và dứt khoát không đẩy tín dụng ra để cho vay mới.

Lãi suất trong 7 năm đó tất nhiên sẽ không giảm, nếu có giảm cũng chỉ giảm chiếu lệ vì họ phải có từ 1,5-2%/năm lãi suất cao hơn thông thường để bù nợ xấu trước đó. Như vậy, nếu để các NHTM tự làm sẽ phải trả giá từ 7-10 năm nền kinh tế bị đình đốn.

Từ đó, để giải quyết vấn đề nợ xấu, có 3 cách để xử lý. Thứ nhất, dùng cách xử lý cổ điển thời ông Lê Đức Thúy (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam) từng làm là giãn nợ 3-5 năm thành 5 năm, nợ nhóm 3 đổi thành nhóm 2; khoanh nợ không tính lãi; xóa nợ, thanh lý...

Có điều cách cổ điển này chỉ áp dụng cho DN nhà nước, còn đại bộ phận DN vẫn tư nhân tự sống tự chết. Cách làm này sẽ không còn phù hợp vì hiện nay nhiều con nợ tư nhân lớn gấp nhiều lần con nợ DN nhà nước.

Thứ hai, thành lập công ty mua bán nợ (AMC). Thứ ba, quốc hữu hóa NHTM nào có nợ xấu lớn. Trong đó, có thể thực hiện trong 9 NHTM yếu kém. Cách này đã có từ năm 1992 của Thụy Điển, sau đó toàn thế giới bắt chước.

Nhưng khổ nỗi ở Việt Nam nợ xấu nằm rất lớn trong các NHTM quốc doanh. Như vậy, chỉ còn lại cách duy nhất là thành lập công ty mua bán nợ quốc gia.

Góp vốn cho công ty mua bán nợ

Thời gian qua còn rất nhiều ý kiến trái ngược về việc thành lập công ty mua bán nợ vì người ta nghĩ tại sao NHTM đẻ ra nợ xấu rồi bắt Chính phủ gánh?

Nhưng nên biết là Chính phủ mua cũng “tính toán”, nợ 10 chỉ mua 1-2, phần còn lại chủ NH phải bỏ tiền ra, nếu không muốn hạ toàn bộ vốn tự có xuống. Hơn nữa, việc thành lập công ty AMC cần thiết để giải quyết mâu thuẫn giữa NH và DN.

Bởi vì, hiện nay DN và NH đang mất niềm tin vào nhau. Cụ thể, NH nói DN phải trả nợ cũ mới cho vay mới nhưng trả rồi không cho vay mới, ngược lại, DN nói NH phải cho vay mới thì DN mới có thể làm để trả dần nợ cũ...

Nếu thành lập AMC, toàn bộ nợ DN chuyển sang cho AMC, từ nay DN nợ AMC chứ không nợ NH nữa. Chẳng hạn, khi mua khoản nợ 5 tỷ đồng, AMC sẽ không trả hết bằng tiền mặt mà trả một nửa tiền mặt, một nửa trả bằng trái phiếu, các NH sẽ cầm trái phiếu bán NHNN.

Với DN, AMC cũng làm như vậy và DN có thể cầm trái phiếu cầm cố. Điều này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất hợp lý hiện tại như có nhiều khoản nợ quá hạn 365 ngày nhưng chủ nợ không thể bán để tăng giá trị thu hồi được.

Lý do, NHNN quy định nợ xấu nhóm B phải mua giá A buộc các NHTM không bán thì phải trích lập dự phòng. Lỡ phải bán chủ NH cũng đau lòng vì giá trị khoản vay 1.000 tỷ đồng có thể bán 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng còn lại các ông chủ chịu thiệt thòi hạch toán vào lợi nhuận còn vốn.

Nhìn tưởng NH sướng nhưng NHNN không mua 100%. Tài sản ngon rơi vào nhóm nợ không ngon và ngược lại. Về phương thức, NH có thể chuyển nợ AMC, AMC sẽ bồi hoàn khoản tiền hoặc mua đứt khoản nợ đó.

Theo đó, có thể có quy định nợ nhóm 3 giá bao nhiêu, nhóm 4 giá bao nhiêu, NHTM nào không bán cho AMC thì bắt tăng dự phòng gấp đôi trích dự phòng.

Trong trường hợp đó có thể xử nhiều cách để lại trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, không cho mở chi nhánh. Phải xử lý nhanh, không thể tùy theo ý muốn NHTM hay DN. Sau đó AMC mua lại tài sản DN. DN có thể bán một nửa hoặc bán toàn bộ.

Nhiều người đặt vấn đề là thành lập công ty AMC thì có nên để tư nhân tham gia không? Thực tế là trong công ty mua bán nợ xấu của Hàn Quốc, chính phủ chỉ sở hữu có 40%, nhưng quyền lực đều nằm trong tay chính phủ để tránh tình trạng AMC hoạt động chỉ vì lợi nhuận.

Mỹ vừa rồi cũng bỏ 670 tỷ USD mua nợ xấu, đến bây giờ đã lãi dù rằng họ không hề đặt ra vấn đề lỗ lãi. Ở Việt Nam, hiện có nhiều phương án được đưa ra như Chính phủ 30%, tư nhân 70% và Chính phủ cũng nắm quyền kiểm soát tuyệt đối.

Được biết, có 14 NHTM trong nước đang tranh nhau góp vốn vào công ty AMC.

Có thể thấy tất cả những điều trên đây Nhật Bản đều đã làm nhưng quá muộn nên Việt Nam cần có những chiến lược mạnh mẽ nhanh gọn hơn. Vì nếu nợ xấu không giải quyết thì chẳng giải quyết vấn đề gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu: Không để xấu hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO