Nguồn cung cổ phiếu ồ ạt liệu có kìm hãm thị trường?

KHÁNH PHƯƠNG| 11/10/2018 03:35

Chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi tích cực trở lại trong hơn một tháng qua, hiện đang thử thách vùng kháng cự quanh 1.020 điểm. Giữa bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp lại tận dụng thời điểm thuận lợi để huy động vốn và đã gây ra không ít lo ngại.

Nguồn cung cổ phiếu ồ ạt liệu có kìm hãm thị trường?

Minh Phú dự kiến phát hành riêng lẻ hơn 75 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) thông báo sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2018 để thông qua phương án phát hành riêng lẻ 75,7 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên hơn 2.157 tỷ đồng. Như vậy, sau gần một năm niêm yết trở lại trên sàn chứng khoán, MPC lại có kế hoạch tăng vốn khủng, tận dụng thời điểm ngành thủy sản đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Cổ phiếu MPC cũng đã tăng gần 40% trong một tháng qua.

Link bài viết

Ngày 5/10, HĐQT Công ty CP Dầu khí Thái Dương (HoSE: TDG) có nghị quyết về việc sẽ chào bán thêm 13 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ chào bán là 129:130, giá 10.000đ/CP, dự kiến thực hiện vào quý IV/2018 hoặc quý I/2019. Cổ phiếu TDG sau khi mất đến 57% giá trị trong đợt điều chỉnh của thị trường quý II vừa qua, rớt về tận 5.700đ/CP, thì gần đây đã hồi phục trở lại lên vùng 8.000đ/CP, tuy nhiên với thị giá vẫn thấp hơn mệnh giá thì đợt chào bán thêm không mấy hấp dẫn.

Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (HoSE:TLG) gần đây trình phương án phát hành 5 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Giá phát hành không thấp hơn 50.000đ/CP. Tổng số tiền thu được dự kiến khoảng 250 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động và đầu tư máy móc, thiết bị cho Công ty, thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2018 hoặc trong năm 2019. Trước đó, ngày 31/8, Thiên Long Group đã chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 15 triệu cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 30%.

Không chỉ tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông, các doanh nghiệp còn tích cực sử dụng giải pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu, với nguồn sử dụng từ lợi nhuận chưa phân phối hoặc các thương vụ phát hành ESOP cho người lao động.

Dù triển vọng đi lên của chứng khoán vẫn còn lạc quan, nhưng với việc đón nhận một lượng cung cổ phiếu quá lớn từ các thương vụ tăng vốn ồ ạt, dòng tiền có thể không đủ sức hấp thụ hết, nhất là khi Chính phủ sẽ đẩy mạnh lộ trình cổ phần hóa, bán vốn và niêm yết trên sàn các doanh nghiệp nhà nước để đạt tiến độ kế hoạch đề ra cho những tháng cuối năm nay.

Như Công ty CP Vinhomes (HoSE:VHM) ngày 27/9 thông báo về phương án phát hành 669,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ lên tới 25%. Công ty CP Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL) cũng có kế hoạch phát hành 30,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ lên đến 50%, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 303 tỷ đồng.

Ngày 24/9, Công ty CP Nhà Khang Điền (KDH) đã hoàn tất phân phối 19,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 5% cho cổ đông. Giữa tháng 9 KDH cũng đã phát hành 6,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 15.000đ/CP cho cổ đông. Ngày 9/10 tới, Công ty CP Thép Pomina cũng sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành gần 56 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông tỷ lệ 30%, giá trị phát hành theo mệnh giá gần 560 tỷ đồng.

Với những cổ phiếu đang có thị giá lớn như VHM, MPC, KDH, thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc người lao động với giá phát hành bằng mệnh giá có sức hút đáng kể, khi người nhận hay mua sẽ có lời ngay. Tuy nhiên, với hàng loạt thương vụ phát hành thêm để tăng vốn tất yếu sẽ khiến nguồn cung cổ phiếu tràn ngập, tỷ lệ bị pha loãng và rủi ro giảm giá là không nhỏ.

Và không chỉ nguồn cung tăng thêm ồ ạt trong thời điểm hiện tại, mà cả trong tương lai nguy cơ cũng không kém khi nhiều doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu chuyển đổi, khi tận dụng tâm lý nhà đầu tư đang rất lạc quan về triển vọng cho giai đoạn tới, nhất là khi FTSE Russell vừa thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi loại 2.

Như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, khi tận dụng giá cổ phiếu tăng hơn 45% trong 2 tuần gần đây. Hay Công ty CP Hàng không Vietjet và HDBank đều công bố kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trên thị trường quốc tế, nhằm bổ sung nguồn vốn để mở rộng kinh doanh.

Có lẽ nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quên giai đoạn nhiều doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu chuyển đổi mỗi khi thị trường tăng mạnh, khi đó nhiều người vì tin vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp cũng như mức giá chuyển đổi hấp dẫn, nên chấp nhận đầu tư vào các thương vụ phát hành trái phiếu này. Tuy nhiên sau đó, khi thị trường rơi vào giai đoạn điều chỉnh, cộng thêm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không như kỳ vọng, giá cổ phiếu rớt về mức thấp hơn giá chuyển đổi, khiến nhiều người phải "ngậm đắng nuốt cay".

Trong tình hình hiện nay, dù triển vọng đi lên của chứng khoán vẫn còn lạc quan, nhưng với việc đón nhận một lượng cung cổ phiếu quá lớn từ các thương vụ tăng vốn ồ ạt, dòng tiền có thể không đủ sức hấp thụ hết, nhất là khi Chính phủ sẽ đẩy mạnh lộ trình cổ phần hóa, bán vốn và niêm yết trên sàn các doanh nghiệp nhà nước để đạt tiến độ kế hoạch đề ra cho những tháng cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn cung cổ phiếu ồ ạt liệu có kìm hãm thị trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO