Lãi suất tăng: Nhất thời hay xu hướng?

LÊ PHAN| 14/07/2016 01:27

Liệu lãi suất tăng tại một số ngân hàng thời gian gần đây chỉ mang tính đặc thù hay báo hiệu một xu hướng tăng sắp tới?

Lãi suất tăng: Nhất thời hay xu hướng?

Báo cáo gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong 6 tháng còn lại của năm, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ chưa đáp ứng được các quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Vậy liệu lãi suất tăng tại một số ngân hàng thời gian gần đây chỉ mang tính đặc thù hay báo hiệu một xu hướng tăng sắp tới? 

Đọc E-paper

Những áp lực lên lãi suất VND

Thị trường vàng, chứng khoán đang có những ngày giao dịch khá nhộn nhịp có thể đang trực tiếp gây áp lực lên tiền gửi tại các ngân hàng. Giá vàng từ quanh 33 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 6 đã đạt gần 40 triệu đồng/lượng vào ngày 6/7, tăng đến 21% chỉ trong vòng hơn một tháng. VN Index cũng tăng từ 610 điểm hồi đầu tháng 6 lên tiệm cận 660 điểm.

Với "con sóng mạnh đặc biệt" trong 2 tuần gần đây ở kênh đầu tư vàng và chứng khoán khiến những người điềm tĩnh nhất cũng phải sốt ruột và tiếc nuối khi chứng kiến vốn tiền gửi của mình tại ngân hàng sinh lãi chậm chạp.

Đáng buồn hơn khi những khoản tiền lãi ít ỏi này còn bị ăn mòn dần trước xu hướng đi lên của lạm phát. CPI tháng 6 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ 2015 và đáng chú ý là đã đi lên liên tục trong 8 tháng qua. Mặc dù còn cách khá xa kế hoạch 5% nhưng với diễn biến gần đây, dự báo lạm phát có thể ở mức 4 - 5,5% trong năm nay cũng khiến người gửi tiền đắn đo hơn trước lựa chọn kênh tiền gửi ngân hàng.

Áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm cũng khiến một bộ phận người gửi tiền suy nghĩ đến việc chuyển một phần tài sản sang ngoại tệ. Sự kiện Brexit vừa qua khiến một số nước phải phá giá đồng tiền và điều này có thể thúc đẩy nhiều nước khác phá giá theo, buộc VND có thể phải điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường tài chính thế giới.

Kỳ vọng FED nâng lãi suất vào tháng 9/2016 khi cơ quan này chỉ mới một lần nâng lãi suất trong năm nay càng hỗ trợ cho đồng USD mạnh lên trở lại và kích thích dòng vốn tìm điểm đến tại đồng tiền này.

Nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp với kết quả GDP 6 tháng qua ở mức thấp cho thấy Chính phủ có thể phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ tổng cầu trong những tháng còn lại của năm. Theo đó, ngành ngân hàng sẽ phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng để kích thích tiêu dùng và đầu tư từ khu vực tư nhân, bù đắp cho sự hạn chế đầu tư và tiêu dùng từ khu vực nhà nước.

Và để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 - 20% của năm nay thì tất yếu nhu cầu huy động của các ngân hàng sẽ tăng cao và việc tăng lãi suất huy động là có thể diễn ra.

Thanh khoản của ngân hàng còn chịu áp lực từ việc huy động vốn của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm. Kho bạc Nhà nước vừa tăng kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ thêm 30.000 tỷ đồng trong năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính tổng lượng vốn huy động từ trái phiếu chính phủ đã đạt hơn 80% kế hoạch cũ là 220.000 tỷ đồng.

Với kế hoạch điều chỉnh lên 250.000 tỷ đồng thì trong nửa còn lại của năm, mục tiêu cần huy động trái phiếu chính phủ là gần 68.000 tỷ đồng, điều này có thể buộc các ngân hàng phải tăng huy động vốn đầu vào nếu muốn tăng đầu tư trái phiếu, nhất là khi tỷ lệ đầu tư trái phiếu chính phủ/vốn ngắn hạn hiện quy định tối đa 35%.

Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giữ nguyên 60% đến 31/12/2016 nhưng sẽ giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 có thể khiến một số ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trung dài hạn trong những tháng cuối năm nay để đón đầu đáp ứng quy định này.

Các yếu tố hỗ trợ ổn định lãi suất

Diễn biến tăng giá của thị trường vàng và chứng khoán chỉ có thể gây áp lực lên nguồn tiền gửi ngân hàng trong ngắn hạn, nhất là khi sự tăng trưởng quá mạnh và nhanh ở 2 thị trường này đang đem đến rủi ro ngày càng cao hơn, dẫn đến việc điều chỉnh là tất yếu.

Do đó, khả năng chuyển dịch tài sản từ tiền gửi sang vàng và chứng khoán sẽ bị giới hạn, khi rủi ro cho những người đến sau đang ngày càng cao hơn, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế hiện tại không phải quá tốt để hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững cho hai kênh đầu tư này.

Lạm phát được nhắc đến nhiều gần đây, tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích sẽ thấy CPI tăng trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục khi đóng góp đến 46% vào mức tăng CPI kể từ đầu năm. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2% trong 6 tháng đầu năm.

Chính phủ cũng tuyên bố sẽ giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, tránh hiện tượng tăng đồng loạt gây sức ép lên chỉ số giá cả, ảnh hưởng đến định hướng ổn định nền kinh tế.

Mặc dù kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá VND/USD là phổ biến nhưng dự báo tỷ giá khó điều chỉnh mạnh mà sẽ linh hoạt và phù hợp theo từng giai đoạn. Sự kiện Brexit dù thúc đẩy đồng USD tăng lên nhưng cũng đưa đến khả năng có thể làm suy thoái kinh tế toàn cầu, điều này làm FED "mắc kẹt" nếu muốn tăng lãi suất trong bối cảnh rủi ro kinh tế đang hiện hữu. Còn trong nước thì nguồn cung ngoại tệ dồi dào có thể giúp đáp ứng làm dịu áp lực tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 8 tỷ USD trong bối cảnh xuất siêu 6 tháng đầu năm nay là 1,5 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư nước ngoài cả cam kết và giải ngân đều tăng trưởng tích cực.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước thì cán cân tổng thế quý I năm nay thặng dư 3,46 tỷ USD. Vì vậy, áp lực phá giá VND mạnh là khó có thể xảy ra, do đó việc chuyển dịch tài sản sang USD thiếu hấp dẫn và chưa chắc mang lại hiệu suất sinh lời cao hơn gửi ngân hàng đứng theo góc độ đầu tư.

Điều quan trọng nhất là nếu các ngân hàng tăng lãi suất huy động thì phải tăng lãi suất cho vay để duy trì biên lợi nhuận đã rất thấp trong những năm qua vốn bị ảnh hưởng từ xử lý nợ xấu.

Nếu lãi suất cho vay tăng sẽ sớm dập tắt động lực vay vốn của các doanh nghiệp vốn vừa gượng dậy sau khó khăn, khi đó có thể làm hạn chế đầu tư từ khu vực tư nhân. Khi đó, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là rất khó và dĩ nhiên tăng trưởng kinh tế sẽ không được lợi nếu lãi suất đi lên, và đây là điều Chính phủ không mong đợi.

Về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, theo thống kê của NHNN, đến 30/4/2016, tỷ lệ này của toàn ngành vẫn nằm trong mức an toàn ở 31,22%, còn cách khá xa tỷ lệ quy định hiện tại, trong đó ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 34,88% và nhóm ngân ha thương mại cổ phần là 35,74%.

>Đầu tư vàng: Cơ hội không dành cho người đến sau

>Giải pháp nào thúc đẩy tăng trưởng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất tăng: Nhất thời hay xu hướng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO