Hậu Brexit: Chọn giải pháp ứng phó nào?

PHẠM THỦY| 06/07/2016 01:24

Sự kiện người dân Anh quyết định rời EU (Brexit) và hậu quả của nó đang là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp (DN), không chỉ ở các DN có quan hệ đối tác thương mại với EU, Anh.

Hậu Brexit: Chọn giải pháp ứng phó nào?

Sự kiện người dân Anh quyết định rời EU (Brexit) và hậu quả của nó đang là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp (DN), không chỉ ở các DN có quan hệ đối tác thương mại với EU, Anh. 

Đọc E-paper

Sau một tuần chao đảo do cú sốc Brexit, những biến động về tỷ giá trên thị trường tài chính thế giới vẫn tiếp tục. Đây là chuyện được DN bàn tán nhiều nhất, bởi tỷ giá biến động sẽ ngay lập tức tác động đến hoạt động kinh doanh của DN.

Bên cạnh đó, ông Avtar Sandu - chuyên gia cao cấp Tập đoàn tài chính Phillip Futures còn nhận định: "Sẽ không có dấu hiệu đáng ghi nhận về triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Âu trong 6 tháng còn lại của năm 2016". Điều này đồng nghĩa với việc các DN có quan hệ xuất khẩu sang khu vực thị trường này sẽ bị ảnh hưởng...

Phát biểu tại Hội thảo "Thích ứng nhanh với thay đổi" được tổ chức tại TP.HCM vừa qua, bà Nguyễn Minh Châu - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Quân đội (MB) nhận xét: "Lãi suất đồng USD biến động theo chu kỳ 7 năm. Từ 2008 đến nay được xem là một chu kỳ. Năm 2016 lãi suất USD bước vào chu kỳ mới, đánh dấu bằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12/2015".

Đã có nhiều dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng của biến động kinh tế như sự kiện Brexit hay việc nền kinh tế thế giới chưa có sự tăng trưởng rõ ràng, khả năng lớn là FED sẽ lùi thời gian tăng lãi suất. Do vậy, trong thời gian qua, các DN có những khoản vay USD trung dài hạn với lãi suất thả nổi được hưởng lợi do lãi suất liên ngân hàng Anh (Libor) đang ở mức thấp.

Theo MB, trước những biến đổi liên tục của nền kinh tế thế giới, việc sử dụng các sản phẩm phòng vệ hàng hóa ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các sản phẩm hàng hoá tương lai, sản phẩm hoán đổi quyền chọn cho hầu hết các loại mặt hàng nông sản, kim loại, năng lượng đều được doanh nghiệp quan tâm sử dụng với mức độ ngày càng tăng.

Tuy nhiên, khó tránh việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai. Do vậy, với chu kỳ kinh doanh dài hạn từ 5 - 7 năm, bà Châu khuyến cáo DN nên cân nhắc sử dụng sản phẩm hoán đổi lãi suất từ thả nổi sang cố định.

Lãi suất Libor đang ở mức thấp thì giá hoán đổi từ thả nổi sang cố định cũng ở mức thấp, và DN sẽ tránh được việc lãi suất tăng do ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất. Nếu chờ đến khi xu hướng tăng lãi suất trở nên rõ rệt thì giá hoán đổi từ thả nổi sang cố định cũng sẽ tăng cao và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí tài chính của DN.

Một yếu tố khác được quan tâm trên thị trường thế giới là tỷ giá euro/USD hiện nay đang có những biến động khôn lường. Đồng euro đã mất giá 25% so đồng USD trong 2 năm vừa qua. Tỷ giá euro/USD có những biến động trong ngày tương đối lớn, trong khi hiện tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không can thiệp tỷ giá đối với đồng euro.

Điều này khiến các DN có quan hệ giao dịch bằng đồng euro gặp rủi ro rất lớn. DN nên bán ngay khi có nguồn euro và chỉ mua lại khi cần để phòng ngừa rủi ro đồng euro mất giá.

Tương tự, sự kiện Brexit có thể khiến đồng yên Nhật tăng giá, các DN, nhất là DN có vay nợ bằng đồng yên cần có bước chuẩn bị nguồn yên để tránh bị động khi đến hạn trả nợ.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhận xét, nếu đồng bảng Anh và đồng euro tiếp tục mất giá, USD lên giá thì VND cũng sẽ tăng giá và điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ thời gian tới.

Để giảm bớt rủi ro, theo ông Nghĩa, DN nên mua các hợp đồng future, hợp đồng quyền chọn hay mua hợp đồng bảo lãnh tỷ giá hối đoái của các ngân hàng thương mại. Đồng thời cần mạnh dạn gia nhập thị trường chứng khoán và phải rất cẩn trọng trong việc mở rộng quy mô DN trong thời điểm này.

>IMF: Anh rời EU, thị trường tài chính sẽ lung lay

>Lão hóa tác động xấu đến kinh tế thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hậu Brexit: Chọn giải pháp ứng phó nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO