Thành công thì chưa, hài lòng thì có
Khi được hỏi, giờ có thể gọi Xuân Nguyễn là người thành công được chưa, cô chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi người có định nghĩa riêng về thành công. Nếu nhìn thành công như là cái đích đã đến thì tôi nghĩ là chưa. Còn nếu hỏi có cảm thấy thỏa mãn với thành tựu mình đạt được hay chưa thì câu trả lời là có”.
Sau khi mở thành công chuỗi cửa hàng Bánh mì 362 cũng như khá nhiều dự án khởi nghiệp, đến Fonos, Xuân Nguyễn tin rằng đây chắc chắn là công việc mà mình muốn làm, vì nó cho cô tự do giải quyết những vấn đề ở sách nói, để ngày càng có nhiều người hơn biết đến loại hình nghe sách này.
Vậy thì vấn đề ở sách nói là gì? “Trước tiên là tôi rất thích đọc sách để nạp thêm kiến thức, đặc biệt là những cuốn sách về kinh doanh. Nhưng tôi từng phải làm việc rất nhiều, hầu như không có thời gian và sự tập trung cho sở thích của mình, đã nhiều lần phải đóng vội cuốn sách đang đọc vì đến giờ đi làm”, Xuân Nguyễn tâm sự.
“Sách tiếng Anh thường có nhiều từ chuyên môn, khó tìm từ tương đương trong tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, tôi nghĩ tại sao không có sách nói tiếng Việt để nếu buổi sáng ngồi đọc sách giấy mình thích nhưng khi có việc phải đi thì vẫn có thể tiếp tục nó với sách nói. Một lý do khác là thời gian chết của tôi trong ngày khá nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện mở sách ra đọc. Và đó là cái mà Fonos sẽ giải quyết: người bận rộn muốn đọc sách để thu nạp thêm kiến thức và Fonos sẽ là kênh để giúp không những người trẻ nghe sách”.
Với startup, điều bắt buộc là phải có nguồn tiền từ bán sản phẩm thay vì chỉ gọi vốn. Nếu cứ giảm giá sản phẩm và tiếp tục không có nguồn tiền vào, bắt buộc phải gọi vốn tiếp. Fonos không tin việc một công ty sống hoàn toàn vào tiền gọi vốn. Fonos đã bán được sản phẩm và sống được bằng tiền sản phẩm mang lại. Do vậy, nếu không độc quyền sách, Fonos sẽ không phát triển được…
Một người lần đầu nghe sách nói thì khả năng quen ngay là rất hiếm. Vào thời điểm sáng lập Fonos, giọng đọc (voice talent) là vấn đề làm cho người nghe không muốn tiếp tục nghe đọc sách. Xuân Nguyễn quyết định phải tìm ra được giọng đọc hấp dẫn người nghe.
Thời điểm manh nha về sách nói, cô nhận thấy sách nói ở Việt Nam không phát triển trong khi ở nước ngoài lại rất phổ biến và ai muốn nghe phải trả tiền. Trong khi sách nói ở Việt Nam không tính phí, nếu có thì phí rất thấp. Như thế, khả năng cao là rất khó có nhà xuất bản đầu tư. Và nếu không thu tiền thì chính những người, những đơn vị làm sách nói không có sách hay để mang tới cho độc giả.
Chính vì vậy, vấn đề mà Fonos cần phải giải quyết đã xuất hiện. Fonos muốn người đọc hài lòng và họ cảm thấy sẵn sàng trả số tiền đúng giá. Khi đó trong chuỗi cung ứng là tác giả, biên tập, nhà xuất bản, người thu âm trong hệ thống mới có tiền tái đầu tư, tồn tại và sáng tạo. Đó là những vấn đề mà Xuân Nguyễn và cộng sự đã xác định ngay khi ra mắt trên thị trường mới mẻ này. Đến nay, từ 6 cuốn sách độc quyền ban đầu, Fonos đang sở hữu khoảng 1.000 cuốn sách hay.
1,2 triệu rồi 1,8 triệu USD
“Fonos gọi vốn lần đầu 1,2 triệu USD với mục tiêu ba năm đầu có được thật nhiều đầu sách. Dù công việc thương thảo mua bản quyền chiếm nhiều thời gian và nguồn lực, nhưng đến cuối năm 2022, Fonos đã có được độc quyền phát hành trên định dạng sách nói của 1.000 cuốn sách, tất cả đều là best seller. Lúc này, Fonos đã sẵn sàng cho marketing với thông điệp “Có một Fonos trên thị trường và xin mời mọi người thử nghiệm”.
Với phương châm “Làm ra sản phẩm chất lượng nhất thay vì sản phẩm rẻ nhất”, ở lần hai, Fonos gọi vốn với mức đề nghị 1,8 triệu USD. Xuân Nguyễn khẳng định, để nhận được những đánh giá tốt, cái gật đầu của các shark thì Fonos phải cho nhà đầu tư nhìn thấy thực lực trong việc hoàn thành các mục tiêu đã đưa ra ở năm trước và năm trước nữa.
Với một người mới bước vào thị trường sách, tên tuổi không, vốn không mạnh, vậy nhưng dù phải mất 9 tháng thuyết phục, chứng mình được mình sẽ làm gì với sản phẩm của họ, làm gì để bảo vệ được bản quyền, Xuân Nguyễn và cộng sự đã ký độc quyền được với một số nhà xuất bản lớn.
“Với startup, điều bắt buộc là phải có nguồn tiền từ bán sản phẩm thay vì chỉ gọi vốn. Nếu cứ giảm giá sản phẩm và tiếp tục không có nguồn tiền vào, bắt buộc phải gọi vốn tiếp. Fonos không tin việc một công ty sống hoàn toàn vào tiền gọi vốn. Fonos đã bán được sản phẩm và sống được bằng tiền sản phẩm mang lại. Do vậy, nếu không độc quyền sách, Fonos sẽ không phát triển được. Do bảo vệ được mô hình kinh doanh độc quyền, đến nay Fonos đã có được cái gật đầu của một số nhà xuất bản lớn. Fonos không phải là đơn vị đầu tiên làm sách nói ở Việt Nam, nhưng là đơn vị đầu tiên chọn cách độc quyền sách. Sau ba năm Fonos có mặt, hiện giờ Spotify - ông lớn trong ngành sản xuất âm nhạc, độc quyền các sản phẩm âm nhạc đã bắt đầu làm sách nói. Chúng tôi cảm thấy hứng khởi, song song với nó, cũng có sự chuẩn bị để Fonos giữ vị trí trên thị trường”, Xuân Nguyễn chia sẻ.
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những startup đang tìm kiếm những “cái gật đầu” từ các nhà đầu tư, Xuân Nguyễn bộc bạch: “Tôi nghĩ mỗi người có cách làm riêng nên lời khuyên chung là không thể. Có thể nói chung chung là trước khi gọi vốn, startup nên tìm hiểu thật kỹ nhà đầu tư. Phải hiểu những nhà đầu tư đang tìm kiếm điều gì ngoài tiền bạc. Với Fonos, không chỉ là tiền vốn. Để nhà đầu tư và startup có thể đi với nhau, ngoài tài chính thì còn yếu tố khác. Fonos đã nhận được sự hỗ trợ lớn còn quan trọng hơn tài chính, đó là sự hướng dẫn kinh doanh của nhà đầu tư. Và một việc cũng quan trọng không kém để gọi vốn thành công là sau gọi vốn thành công là gì. Là phải tiếp tục làm việc hăng say trong tâm thế tự do. Giữ vững sự tự tin để nhà đầu tư tin tưởng và hỗ trợ mình lèo lái kinh doanh. Vậy nên, những trải nghiệm, nguồn lực, mối quan hệ có được với các nhà đầu tư đáng giá hơn nhiều so với số tiền mà họ đầu tư cho mình”.