Kim Các tự: Hành trình thoát khỏi nỗi ám ảnh chiếm hữu

Phạm Thủy| 07/07/2022 06:00

Sau gần 70 năm, Kim Các tự là tác phẩm văn học được mọi người nhớ đến với thông điệp còn nguyên tính thời sự.

Kim Các tự: Hành trình thoát khỏi nỗi ám ảnh chiếm hữu

Bìa sách Kim Các Tự

Vào ngày 2/7/1950, nước Nhật bàng hoàng trước tin chùa Kinkakuji hơn 500 năm tuổi ở Kyoto bị một tiểu tăng đốt cháy. Dựa trên sự kiện có thực này, sáu năm sau, Yokio Mishima đã viết Kim Các Tự.

Bằng năng lực ngôn từ và trí tưởng tượng cùng kiến thức về tâm lý học, triết học của một nhà văn lớn, ông đã lột tả xuất sắc diễn biến động cơ đốt chùa của một kẻ yêu cái đẹp (chú tiểu) và quá trình giải thoát khỏi bất hạnh do nỗi ám ảnh chiếm hữu cái đẹp. 

Người Nhật có một sự nhạy cảm vô cùng lớn trước sự vô thường của cái đẹp. Mono No Aware (thương cảm sự phù du) vì thế là một khái niệm phổ biến ở Nhật nhưng không có chữ cùng nghĩa trong ngôn ngữ quốc tế (tiếng Anh). 

Và người Nhật cũng tin rằng, cái đẹp không tồn tại vĩnh viễn, giống như vẻ đẹp của hoa anh đào, quốc hoa của Nhật Bản, chỉ nở rực rỡ trong ba - bốn ngày rồi tàn lụi. 

Ngày nay, cùng với nhận thức về sự phù du của kiếp người và vẻ đẹp của những thứ liên tục đổi thay trong thế giới tự nhiên luôn biến đổi, một phần nhân loại đã tiến đến nhận thức một sự thật quan trọng: quyền lực và sự thịnh vượng kéo dài vài chục đến vài trăm năm ở một số vương triều và một số quốc gia, từng có lúc khiến loài người lầm tưởng rằng chúng tồn tại mãi mãi, rồi cũng lụi tàn.

Giống như chú tiểu Mizoguchi trong tiểu thuyết, si mê Kim Các tự đến mức muốn nó tồn tại vĩnh cửu trước nguy cơ nó sẽ bị phá huỷ bởi chiến tranh, và cả bởi thời gian. Ham muốn này đi ngược lại với quy luật hữu hạn của vạn vật. Đây chính là lúc bất hạnh tìm đến. Sự ám ảnh ấy cản trở Mizoguchi sống một cuộc sống dung dị của một con người. 

Tiểu thuyết có kết thúc tươi sáng khi cuối cùng Mizoguchi cũng học được bài học phân biệt cái đẹp duy lý trong tâm tưởng và chọn vẻ đẹp dung dị của hiện thực. Chú tiểu Mizoguchi đã nhận ra lòng ham sống của bản thân và chú đã có thể sống tốt hơn sau khi đốt chùa. Hành động đốt chùa trở thành biểu tượng của sự từ chối bám chấp vào cái vô thường, sự nhận biết cái giả tạm của lòng ham muốn chiếm hữu cái đẹp, và điều này cũng giống với bất cứ thứ ham muốn quá mức nào đó ở thế gian.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm “Ẩn ức về cái đẹp trong tác phẩm Kim Các Tự” (do NXB Nhã Nam tổ chức hôm 2/7), diễn giả Phan Nhật Chiêu cho rằng, bài học mà người đọc nhận được qua Kim Các Tự là cách mà tất cả chúng ta có thể vượt thoát khỏi mọi chấp niệm để sống một cuộc đời bình thản, hạnh phúc.

-2191-1657103309.jpg

Chùa Golden Pavillion còn được gọi với cái tên chùa Rokuoji hay chùa Kinkakuji -  có nghĩa là Kim Các Tự - chùa Gác Vàng. Ảnh: Internet

Cũng tại buổi tọa đàm, từ góc độ nghiên cứu, ông Phan Nhật Chiêu - nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn và Báo chí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình - Dịch thuật Hội Nhà văn TP.HCM - thổ lộ ông có cùng quan điểm với các nhà nghiên cứu của thế giới trong nhận định: sau nhiều thế kỷ phát triển, nền văn minh của nhân loại đã đạt được một số đỉnh cao. Tuy vậy, cùng với những thành quả tiến bộ xã hội đạt được đồng thời là những tín hiệu báo động trên phương diện văn hoá, đạo đức và sự phát triển của đời sống tinh thần con người. Và văn hoá đọc là một trong những điều đáng báo động ấy. 

Theo các nhà nghiên cứu, đọc sách có liên quan trực tiếp đến sự phát triển văn minh nói chung và sự phát triển năng lực cảm xúc nói riêng. Đặc biệt, năng lực cảm xúc giữ vai trò quan trọng trong việc tìm ra hạnh phúc của riêng mỗi người trong một bối cảnh chung. 

Và với tỷ lệ sách đọc hiện nay (1/40) của Việt Nam: một người Việt chưa đọc hết một (1) cuốn sách trong một năm, trong khi số sách mà người dân các nước Iceland, Israel, Nga, châu Âu đọc trong một năm là 40 thì chúng ta còn cách xa văn minh nhân loại tới hàng trăm năm.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhấn mạnh, còn con người là còn mâu thuẫn, còn tình yêu là còn thù hận, còn hạnh phúc là còn đau thương. Nhưng vẻ đẹp của cuộc sống chính là niềm tin và niềm hy vọng vào cái đẹp, vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn. 

Tính nhân văn cao cả trong các bài học văn chương chính là niềm tin yêu ngưỡng vọng vào sự tử tế đồng thời là sự cảm thông và nhìn nhận cái đớn hèn, yếu đuối và cả những sai lầm trong mỗi con người, như hai mặt của một tấm gương soi. 

Chỉ khi nào chúng ta học xong bài học thừa nhận sự khác biệt ở người khác, quốc gia khác, thì khi đó chúng ta mới thực sự bắt đầu một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, bất chấp việc phải đối mặt với những điều chưa toàn mỹ ở thế gian, cũng như sự thiếu sót trong mỗi con người.

Yukio Mishima (1925-1970) tên thật là Kimitake Hiraoka, tác giả của Kim Các Tự, là nhà văn hiện đại nổi tiếng của Nhật Bản. Ông từng hai lần nằm trong danh sách đề cử giải Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển, một lần vào năm 1965 cùng với Junichiro Tanizaki và Mikhail Sholokhov; lần thứ hai là năm 1967 với Miguel Angel Asturias, Samuel Beckett và Andre Malraux.

Tuy không được trao tặng giải Nobel nhưng đương thời sách của ông được xếp vào hàng best-seller của Nhật Bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, vượt xa cả hai nhà văn đoạt giải Nobel của xứ Phù Tang là Yasunari Kawabata (Nobel 1968) và Oe Kenzaburo (Nobel 1994) về số lượng phát hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kim Các tự: Hành trình thoát khỏi nỗi ám ảnh chiếm hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO