3 nguyên nhân tín dụng tăng nhanh trong tháng 4/2018

ANH KHOA| 17/05/2018 09:24

Tín dụng tăng nhanh trở lại trong tháng 4 gây áp lực thanh khoản lên các ngân hàng. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và nếu diễn biến này tiếp tục được duy trì thì những rủi ro nào sẽ xảy ra?

3 nguyên nhân tín dụng tăng nhanh trong tháng 4/2018

Ảnh minh họa: Quý Hòa

Tín dụng tăng nhanh

Nếu như trong tháng 3, mặc dù huy động vốn tăng 2,2%, tín dụng tăng hơn 2,23% so với đầu năm, nhưng xét theo số chênh lệch tuyệt đối thì huy động vốn vẫn tăng nhiều hơn dư nợ hơn 33.000 tỷ đồng, giúp thanh khoản hệ thống ổn định, thì trong tháng 4 sự chênh lệch trên đã đảo chiều đáng kể.

Cụ thể theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tăng trưởng huy động đến cuối tháng 4 là 3,5%, nhưng tăng trưởng tín dụng cao hơn đáng kể, lên tới 4,3%. Điều này khiến số dư nợ xét theo số tuyệt đối đã đảo chiều tăng cao hơn số tiền gửi là hơn 122.000 tỷ đồng. Thậm chí nếu theo con số tăng trưởng tín dụng mà ông Phạm Thanh Hà - Vụ Chính sách tiền tệ công bố hôm 8/5 tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng với chủ đề "Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững" là 5%, thì tín dụng tăng cao hơn tiền gửi đến 578.000 tỷ đồng.

Link bài viết

Thống kê trên cho thấy, tuy mức tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017 là 5,76%, nhưng đây là năm thứ năm liên tiếp tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2016 tăng 3,27%, năm 2015 tăng 3,53%, năm 2014 tăng 0,7%.

Ông Phạm Thanh Hà chia sẻ: "Trước đây, tín dụng tăng trưởng rất thấp trong những tháng đầu năm do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại ở thời điểm này. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, tín dụng đều tăng trên 5%, là mức khá cao so với các năm trước đây, thường chỉ khoảng 3 - 3,5% vào đầu năm.

Với tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn khiến áp lực thanh khoản của các ngân hàng tăng lên là tất yếu, thể hiện qua mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường 2 và lợi suất trên thị trường trái phiếu đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống thông qua việc bơm ròng đến 59.000 tỷ đồng trong tháng 4 vừa qua.

Cụ thể sau khi NHNN liên tục phát hành tín phiếu trong tháng 3 và hút ròng 66.000 tỷ đồng dư thừa trên hệ thống, thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm đáng kể và được phản ánh rõ trong các giao dịch thị trường mở (OMO). Khối lượng tín phiếu phát hành giảm mạnh, từ 130.000 tỷ xuống 68.000 tỷ đồng, trong khi khối lượng đáo hạn tăng từ 64.000 tỷ lên 126.000 tỷ đồng, theo đó đã có khoảng 59.000 tỷ đồng được đưa trở lại hệ thống trong tháng 4. Mặc dù giảm mạnh, khối lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn ở mức cao với 67.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân

Thứ nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan với quý I đạt 7,38%, sản xuất, kinh doanh tiếp tục mở rộng, cải cách hành chính tích cực hơn, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp mới thành lập hoặc quay trở lại hoạt động tăng lên thì nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục tăng nhanh trở lại.

Cũng theo số liệu của UBGSTCQG thì tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp đã có sự chuyển biến đáng kể, khi từ mức 19,7% vào cuối năm 2017 lên 22,1% vào cuối tháng 4, tương đương với mức tăng hơn 218.000 tỷ đồng, tức 17% lên xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng.

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn đã có sự thay đổi đáng kể,  theo đó tăng trưởng tín dụng trung dài hạn 4 tháng qua đã tăng đến 5,3% trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 3,2%. Các khoản vay đầu tư dự án, kinh doanh nhà đất thường có kỳ hạn dài và không loại trừ khả năng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này đã làm tăng mạnh tín dụng trung dài hạn của các ngân hàng.

Đây được xem là điểm sáng tích cực khi dòng vốn tín dụng tiếp tục được hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quay ngược trở lại tạo động lực lên phát triển kinh tế.

Ngược lại, với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN cũng liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, theo đó trong bối cảnh cho vay tiêu dùng được kiểm soát chặt chẽ hơn đã phần nào tác động đến tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm từ 17% vào cuối năm 2017 xuống còn 16,5% vào cuối tháng 4/2018. Tuy nhiên, nếu xét theo số tuyệt đối thì dư nợ cho vay hộ gia đình vẫn tăng hơn 136.000 tỷ đồng, tương đương 1,2% lên hơn 1,12 triệu tỷ đồng.

Thứ hai là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vượt trội tiếp tục góp phần đẩy tín dụng chung tăng nhanh hơn. Số liệu của UBGSTCQG cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 4 tháng đầu năm nay lên đến 6,3%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng VND là 4,1%.

Với việc NHNN tiếp tục gia hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ đến hết năm nay, tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định khi chỉ mới tăng 0,6% so với đầu năm, chênh lệch lãi suất cho vay VND và ngoại tệ vẫn lớn, lên đến 4 - 5%, thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ưu tiên vay ngoại tệ nhiều hơn, nhất là khi hoạt động của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục vượt trội với kim ngạch thương mại 4 tháng đầu năm, tăng 19% so cùng kỳ 2017.

Thứ ba là thị trường bất động sản đang nóng trở lại, nhu cầu vay đầu tư kinh doanh nhà đất tăng rất mạnh, bất chấp những cảnh báo về rủi ro bong bóng. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn đã có sự thay đổi đáng kể, theo đó tăng trưởng tín dụng trung dài hạn 4 tháng qua đã tăng đến 5,3% trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 3,2%.

Các khoản vay đầu tư dự án, kinh doanh nhà đất thường có kỳ hạn dài và không loại trừ khả năng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này đã làm tăng mạnh tín dụng trung dài hạn của các ngân hàng. Cũng chính vì thị trường nhà đất lên cơn sốt trở lại đã thúc đẩy một bộ phận khách hàng rút tiền gửi ngân hàng ra để đầu tư, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng lên huy động vốn của ngân hàng khiến số dư tiền gửi tăng trưởng chậm trở lại, thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng tín dụng như đã phân tích ở trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 nguyên nhân tín dụng tăng nhanh trong tháng 4/2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO