Doanh nhân Inamori Kazuo: Thành công bằng sự tử tế

19/01/2019 04:51

Theo Inamori Kazuo, dù trong thời nào, công ty dù nhỏ hay lớn, điều kiện tiên quyết của người làm lãnh đạo là “vô tư”.

Doanh nhân Inamori Kazuo: Thành công bằng sự tử tế

Thông qua cuốn sách Con đường đi đến thành côngbằng sự tử tế, tác giả Inamori Kazuo - Nhà sáng lập Hãng điện tử khổng lồ Kyocera, Hãng điện thoại KDDI, nguyên Chủ tịch Hãng Japan Airlines - mong muốn độc giả có thể tìm thấy con đường phải đi sau khi được tiếp xúc với những lời vàng ngọc của võ sĩ “samurai chân chính cuối cùng” Saigo Takamori.

Về tác giả

Inamori Kazuo tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hóa học Ứng dụng Trường Đại học Kagoshima. Năm 1959, ông thành lập Công ty Kyoto Ceramic (Công ty Kyocera ngày nay) và đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, từ năm 1997 thì giữ chức Chủ tịch danh dự. Năm 1984, ông thành lập Công ty Daini Denden (Công ty KDDI ngày nay) và giữ chức Chủ tịch HĐQT, từ năm 2001 thì trở thành Cố vấn danh dự. Cũng trong năm 1984, ông thành lập quỹ Inamori, sáng lập giải thưởng Kyoto (vốn được xem là phiên bản Nhật của Giải thưởng Nobel) để biểu dương những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển, tiến bộ xã hội của nhân loại. Ông còn là Hiệu trưởng Trường Seiwajyuku – nơi hội tụ các doanh nhân trẻ.

Inamori Kazuo có nhiều đầu sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Hầu hết sách của ông trình bày những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh và chia sẻ về những suy nghĩ làm người chân chính.

Nội dung chính

Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế chứa đựng nội dung “2 trong 1”: triết lý kinh doanh của nhà lãnh đạo tài ba hàng đầu Nhật Bản Inamori Kazuo, và tư tưởng làm người mẫu mực của võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân Saigo Takamori.

Inamori Kazuo nhận định, di huấn của Saigo (được ghi chép lại trong cuốn Nanshu O I kun – quyển sách gối đầu giường của Inamori Kazuo) - chính là chân lý hướng dẫn con người đối đầu với những khổ đau, phiền muộn mà không né tránh, để rồi từ đó có cách ứng xử phù hợp, sống đúng đắn ở đời.

Tác giả: Inamori Kazuo
Người dịch: Nguyễn Đỗ An Nhiên
Nhà xuất bản Trẻ, 2016 - 204 trang

Chương 1: Vô tư

Tôi gặp được di huấn của Saigo sau khi sáng lập Kyocera 10 năm. Công ty lúc ấy phát triển rất nhanh và lên sàn chứng khoán, nhưng trong lòng tôi đầy bất an, vì chỉ cần sai lầm trong một quyết định kinh doanh thì Công ty sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, nhân viên và gia đình họ sẽ mất miếng cơm manh áo, ngoài ra còn có trách nhiệm với cổ đông. Đúng lúc đang mệt mỏi và đầy lo toan đó, tôi bị hút vào những lời răn dạy của Saigo.

Tôi đã xúc động trước một Saigo phủ định tuyệt đối lợi ích cá nhân, rằng “người lãnh đạo không được chen tư tâm vụn vặt”. Nếu nghĩ đến vai trò nắm giữ cuộc sống của nhiều nhân viên thì người lãnh đạo phải chấp nhận đánh mất cá nhân mình mà làm việc, lao động thật nhiều với ý thức mình là người phục vụ công ty. Khi tư tâm của người đứng đầu xuất hiện cũng là lúc công ty gặp khó khăn.

Nhờ lời răn của Saigo, tôi xác nhận được lòng tin với mình. Tôi thề sẽ không áp dụng chế độ “cha truyền con nối”, không để bà con ruột thịt kế tục, thậm chí không để họ hàng máu mủ đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Tư tưởng “vô tư” đó có thể bị cho là vô tình, lạnh lùng, nhưng để đứng đầu một tập thể thì đây là điều kiện bắt buộc.

Saigo còn để lại lời dạy rằng, “không được mua ruộng đất tốt cho con cháu”. Những người chỉ chăm chăm làm tăng tài sản (gia sản cá nhân hay cho dòng tộc) sẽ không thể điều hành chính đạo một cách công bằng. Đây là bài học “vô tư” cụ thể nhất, để con cháu có cách sống đúng đắn. Tức cái “tư”, cái “riêng” phải hoàn toàn được đặt qua một bên. Điều này thật trái ngược với tình cảm tự nhiên của con người. Thế nhưng Saigo đã trải qua bao nhiêu gian khó nên đã cứng rắn, quyết không phản lại lời thề ấy. Người làm lãnh đạo phải có ý chí như Saigo.

Sau khi khởi nghiệp, thu được thành công và lên sàn chứng khoán, các nhà lãnh đạo trẻ lập tức bán cổ phiếu của mình ra thị trường để thu lợi nhuận. Nếu may mắn, họ sở hữu hàng trăm triệu yen ở độ tuổi ba mươi. Nhưng chẳng biết lúc nào một người thành công như vậy sẽ tụt dốc, thất bại.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Đó là vì thành công đã khơi dậy “tư tâm” và kéo theo sự tụt dốc không phanh. Phần lớn các nhà kinh doanh hễ lên sàn thì bán cổ phần cá nhân để thu được nguồn vốn lớn và xem như là chuyện thường tình. Kết quả là người lãnh đạo giàu có hơn nhưng nguồn tài chính của công ty chẳng những không giàu lên mà còn thiếu vốn đầu tư vào việc kinh doanh mới, từ đó đánh mất cơ hội tăng trưởng lần hai khi lên sàn.

Link bài viết

Năm 1971, khi Kyocera lên sàn, nhiều công ty chứng khoán mời chúng tôi tham gia giao dịch. Tôi có thể chọn 1 trong 2 cách: bán cổ phần người sáng lập sở hữu ra thị trường hoặc phát hành cổ phiếu mới bán ra thị trường. Cách thứ nhất mang lợi nhuận vào túi cá nhân người sáng lập, cách thứ hai mang lợi nhuận về công ty. Tôi đã chọn cách thứ hai để mọi tiền vốn thu được đều đổ vào công ty. Nhờ đó, Kyocera có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh ổn định, tổ chức đầu tư…

Càng thành công, thăng tiến, chúng ta càng phải khiêm tốn, càng phải thu mình lại, hy sinh cái tôi. Nếu không có dũng khí chấp nhận vai trò thiệt thòi nhất thì không thể làm lãnh đạo. Người không có dũng khí hy sinh cái tôi mà đứng bên trên thì những người bên dưới không thể hạnh phúc. Đây là chân lý vượt thời đại, vượt tầm quy mô tổ chức. Dù trong thời nào, công ty dù nhỏ hay lớn, điều kiện tiên quyết của người làm lãnh đạo là “vô tư”.

Chương 2: Thử thách

Nghịch cảnh là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình và giúp ta trưởng thành. Hãy xem nghịch cảnh là cơ hội tốt để lập chí mạnh mẽ, đối mặt với nó một cách dũng cảm. Chính nhờ thử thách mà quyết tâm được tựu thành.

Thử thách không chỉ đơn thuần là khổ nạn. Thành công cũng chính là thử thách. Cho dù đạt được thành công và hạnh vận nhất thời, chúng ta cũng không được kiêu căng ngạo mạn, không đánh mất lòng khiêm tốn, tiếp tục nỗ lực không ngừng. Người lãnh đạo trở nên mất kiểm soát không phải lúc việc kinh doanh sa sút, mà là lúc kinh doanh thuận lợi. Thử thách dành cho người lãnh đạo là phải luôn thận trọng, hành xử đúng đắn, tránh xa hoa, không lãng phí, âm thầm lao động, chuyên tâm làm việc để làm gương. Nếu nhân viên không thấy cảm động trước thái độ làm việc của giám đốc thì mệnh lệnh ban ra khó được thi hành.

Những lãnh đạo thông thường thường lui về phía sau, cân nhắc chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Nhưng khi Kyocera còn là một công ty nhỏ, tôi đã nghĩ rằng nên tự mình xung phong ra phía trước, chỉ huy cấp dưới và dẫn dắt họ. Đương nhiên, đã là lãnh đạo thì cần phải nghĩ đến chiến lược, chiến thuật. Cho nên, khi thì ra “tiền tuyến” vui buồn cùng “chiến sĩ”, khi thì rút lui về “trận địa” phía sau để lên kế hoạch tác chiến, đi đi lại lại giữa “tiền tuyến” và “hậu phương”, toàn tâm chỉ huy “trận mạc” chẳng phải là người lãnh đạo tuyệt vời sao?

Người đứng đầu công ty phải có được 2 mặt mâu thuẫn thật uyển chuyển: “độc đoán và hòa hợp”, “mạnh và yếu”, “lạnh lùng và nồng ấm”. Nếu chỉ có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, trở nên độc tài. Nếu chỉ có sự khiêm tốn, sẽ thiếu lực kéo để công ty phát triển lớn mạnh. Nếu mạnh mẽ quá sẽ gây phản ứng trong nhân viên, khiêm tốn quá lại khiến nhân viên xem thường. Điều hòa những mâu thuẫn đó và sử dụng nó như thế nào sẽ quyết định thành công hay thất bại của một đời người hay việc kinh doanh của một doanh nghiệp.

Chương 3: Lợi tha

Chỉ cần mỗi người gọt bớt lòng tham của mình, chịu tổn thất một chút, hay chỉ cần chúng ta dũng cảm nhường chút lợi của mình cho người khác, mọi việc sẽ suôn sẻ, trôi chảy. Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người. Đó chính là phương thuốc cho thời đại, là triết học để mọi người sống đúng đắn, là đạo đức chân chính.

Chỉ cần thay đổi “lợi kỷ” (chỉ biết có mình) sang “lợi tha” (vì người khác, vì nhân viên, vì xã hội), ta sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh, lúc đó dù là công việc hay trong đời sống, mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Chúng ta luôn nghĩ cách sao cho có lợi nhất đối với việc kiếm tiền của mình, nhưng thật ra không nên vậy. Như nhà tư tưởng, triết gia Ishida Baigan đã nói: “Người kinh doanh thực thụ phải nghĩ về khách hàng và nghĩ về mình”, tức là phải kiếm tiền thế nào mà khách hàng/đối tác cũng cảm thấy vui. Đây là lời giáo huấn sắc bén, đỉnh cao trong kinh doanh.

Chương 4: Đại nghĩa

Đại nghĩa của Kyocera được xác lập dựa trên nền tảng không vì tư lợi hay ham muốn cá nhân của một người lãnh đạo mà vì nhân viên, vì mọi người. Chính vì có đại nghĩa mang tên “quan niệm công ty” này, mọi người trong Kyocera cùng dốc sức, đoàn kết, sáng tạo, tạo nguồn động lực để phát triển.

Tư tưởng của Saigo mà tôi luôn đề cập triệt để là “Kính Thiên Ái Nhân” (Kính trọng Trời Đất, yêu thương con người), và tôi lấy những lời này làm phương châm của Kyocera. “Kính trọng Trời Đất” là sống tốt, sống thật đúng với đạo lý tự nhiên, đạo lý làm người, có nghĩa là “thông suốt, quán triệt những điều đúng đắn với tư cách làm người”. Còn “yêu thương con người” là bỏ hết tâm tư, tư dục cá nhân, sống với trái tim biết nghĩ đến người khác, vì cái lợi cho người khác. Tôi theo phương châm này mà lèo lái công ty và chưa từng lầm đường lạc lối.

Phần đông người ta thường thất bại trong việc dấn thân, thử thách, mở ra sự nghiệp mới, chỉ có một số ít trong khoảng chừng một nắm tay là thành công. Tôi tin rằng yếu tố quyết định thành bại là trái tim trong sáng, không tư lợi.

Link bài viết

Chương 5: Đại kế

Người lãnh đạo hay giám đốc công ty phải tạo ra tầm nhìn rõ ràng trong 10 năm, 20 năm và chỉ ra cho nhân viên thấy. Ấy vậy mà nhiều người may mắn được lên chức giám đốc sau thời gian “sống lâu lên lão làng” chỉ muốn củng cố nhiệm kỳ 2 năm, 4 năm bằng cách “kế thừa phương châm của người tiền nhiệm”.

Đương nhiên, việc kế thừa phương châm của người đi trước không có gì xấu, nếu đó là tầm nhìn tương lai rõ ràng. Nhưng nếu nó mang tính triển vọng hay mơ hồ thì việc đầu tiên phải làm trên cương vị giám đốc mới là trình bày phương châm của mình thật rõ ràng rằng “tôi muốn dẫn dắt công ty này theo hướng như vậy”. Bởi giám đốc thay đổi mà công ty không thay đổi thì thật kỳ cục. Nếu công ty không thay đổi gì so với thời người lãnh đạo ấy làm chuyên môn, trưởng phòng hay phó giám đốc thì việc người ấy trở thành giám đốc chẳng có ý nghĩa gì.

Chương 6: Giác ngộ

Trong điều di huấn thứ 30, Saigo có nói: “Đối xử với người không cần tính mạng, không cần danh vọng, không cần cả quan vị, tiền tài rất khó. Nếu không có những con người “lớn” như thế sẽ không đạt được thành công”. Bản thân ông là người vô tư, không cần tính mạng, danh vọng, quan vị, tiền tài, nghĩa là người đã xa rời lòng tham.

Với người có lòng tham chỉ cần cho tiền, cho chức tước thì điều khiển họ rất dễ dàng, nhưng với những người không tham, không thể lay chuyển bằng những toan tính thiệt hơn thì rất khó điều khiển. Vậy ta sẽ lay chuyển những người như vậy bằng gì? Đó là “thành, nhân, nghĩa”. Nếu không phải là những người như vậy thì không thể cùng nhau chinh phục khó khăn.

Từ thời trẻ, tôi đã rất thích quan điểm này của Saigo. Tự bản thân tôi không thành người như vậy được nhưng tôi thường tự nhắc mình và cố gắng đạt được như vậy. Và tôi cũng đã nghĩ cần phải có những người vĩ đại như vậy để cùng nhau làm nên sự nghiệp.

Chương 7: Vương đạo

Nội chính hay ngoại giao, căn bản là đi con đường đúng đắn. Nếu chúng ta dùng đối sách để đánh gục đối thủ, hẳn sẽ phải đón nhận đòn đau tương tự. Nếu dùng sức mạnh, sẽ bị người xa lánh. Nếu đối mặt mà dò hỏi thái độ, sắc mặt đối phương, sẽ không nhận được lòng tin. Nếu chúng ta cương quyết giữ vững lập trường đúng đắn, sẽ xây dựng được mối quan hệ tin cậy.

“Chính đạo” mà Saigo nói không phải là con đường đúng đắn với riêng nước Nhật, với riêng cá nhân nào mà là con đường đúng đắn không hổ thẹn với Trời Đất và lương tâm làm người. Toàn thế giới với bao nhiêu điều khác biệt vẫn có những điểm chung. Đó là chính nghĩa, công minh, công bằng, bác ái, thành thật… tức những giá trị tinh thần của một con người, là đạo đức.

Chương 8: Lòng thành

Saigo luôn nghĩ trái tim chân thành của con người là thứ quan trọng nhất và ông tự mình mài giũa lòng thành để làm gương. Cho đến nay, những điều răn dạy đó vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Tôi cực kỳ tin tưởng rằng trái tim trong sáng, không bị phụ thuộc vào những ham muốn, toan tính thiệt hơn là thứ mạnh mẽ nhất trong thời đại cạnh tranh gay gắt này.

Tận cùng nguyên lý của những hành động của Saigo là một trái tim chí thành mọi lúc mọi nơi. Không phải sách lược, mưu kế mà chính lòng thành trong sáng đó đã lay động lòng người.

Nếu chỉ tài năng, tri thức thì không thể khiến trái tim con người ta cùng chung nhịp đập. Con người ta không vì tiền, danh vọng hay quyền thế mà vì lòng thành thôi thúc nên có thể vượt qua gian khó, phát huy tối đa sức mạnh tinh thần.

Có thể lấy ví dụ về các công ty mới trong ngành IT. Nhiều ngôi sao trẻ xuất hiện, sau vài năm khởi nghiệp đã tham gia sàn chứng khoán, thu được khoản lãi lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ yen, trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi được yêu thích của thời đại. Nhưng số người biến mất khỏi vũ đài bởi sự cố cũng nối tiếp nhau không dứt.

Rõ ràng, chỉ tài năng không thôi thì không tồn tại lâu dài. Sự nghiệp thiếu thành tâm sẽ không nhận được sự đồng cảm, hợp tác từ chính nhân viên, đối tác và xã hội. Người lãnh đạo không có lòng thành sẽ chạy theo những kế sách nhỏ nhen, khôn vặt để rồi lầm đường mà không duy trì thành công lâu dài được.

Chương 9: Lòng tin

Một lãnh đạo từng tâm sự với tôi rằng ông ấy từng rất cảm động khi nghe tôi nói cuộc đời mình là “những ngày không ngừng nâng cao tín niệm”. Ông ấy cảm động với suy nghĩ không ngừng nâng cao quan niệm kinh doanh, cách nghĩ, quan niệm triết học chứ không phải chỉ kỹ thuật kinh doanh của tôi.

Thời trẻ, tôi luôn nhắc nhở mình phải đọc sách ít nhiều trước khi ngủ nên đầu giường chất hàng chục cuốn sách triết học và tôn giáo. Những hôm về trễ, tôi vẫn cố gắng đọc một, hai trang. Có lẽ nhờ những ngày trẻ như vậy mà tôi có thể đường đường tổng quát nửa đời mình như vậy.

Tôi dùng câu “nâng cao tâm hồn, phát triển kinh doanh” để chỉ mối quan hệ song phương của nhân cách người lãnh đạo và thành tích công ty. Cũng có thể nói đây là bản chất của kinh doanh. Muốn phát triển kinh doanh thì trước tiên phải nâng cao tâm hồn bản thân người lãnh đạo, sau đó tự nhiên thành tích cũng sẽ đi theo.

Tuy nhiên, Saigo cũng từng nói, cho dù đã tu thân, lập chí nhưng khi hữu sự mà không ứng phó được thì cũng chỉ như một hình nhân bằng gỗ. Nghĩa là phải luôn chuẩn bị để có thể ứng dụng, thực hành kiến thức có được. Dù có học bao nhiêu tri thức tinh thông của thánh hiền, có học lý luận kinh doanh, kỹ thuật bao nhiêu đi nữa mà không có dũng khí, không giữ cho mình một lòng tin mạnh mẽ, ý chí cao mà thực hành thì không thể nào khắc sâu, thu thập kiến thức vào người được, đến khi tiến hành thực tế thì không giúp ích gì.

Điểm này, như Saigo khuyên, “lập chí, quyết tâm nỗ lực vượt qua khổ nạn, chịu đựng gian khó”. Trong quá trình khắc phục khó khăn, suy nghĩ, tư tưởng đó sẽ trở thành lòng tin của ta.

Chương 10: Lập chí

Saigo cho rằng những người đứng trơ như phỗng trước con đường đi đến mục tiêu dài dằng dặc và tự mình bỏ cuộc vì nghĩ “mình không thể làm gì được” là kẻ nhu nhược, yếu đuối, chỉ biết trốn tránh.

Bất kỳ việc gì cũng bắt đầu từ tư duy một cách mạnh mẽ. Đặt ra mục tiêu thật cao và nghĩ “tôi muốn như thế”. Phải luôn giữ nguyện vọng mạnh mẽ như thể ý thức đắm chìm vào đó. Bắt đầu từ nghĩ mạnh mẽ, ngủ cũng như thức, không phút nào không nghĩ đến mục tiêu đó, từ đó thực hành lời dạy của bậc tiền nhân. Con đường đó có thể rất chông gai, có thể đầy rẫy những khó khăn, nhưng những người kiên định với ý chí mạnh mẽ sẽ không bao giờ biến mất khỏi con đường dẫn đến mục tiêu. Giả sử, dọc đường có gặp trắc trở, giậm chân tại chỗ hay vấp ngã, họ vẫn đứng dậy để tiến về phía trước. Ngược lại, những người không có chí sẽ chẳng có con đường nào mở ra.

Lập chí và bước đi. Chuyện đó không dễ dàng gì. Nhưng Saigo nói hãy lấy khó khăn làm niềm vui.

Xây dựng công ty như xây một bức tường thành, nếu muốn vững chãi, trước tiên phải chọn những tảng đá to chắc. Nhưng nếu chỉ với những tảng đá khổng lồ - những nhân tài ưu tú, thì không thể kết nối với nhau. Cần phải có những hòn đá nhỏ - những người cũ đã nỗ lực cống hiến cho công ty từ những ngày đầu - lấp vào những khoảng trống giữa các tảng đá lớn. Nếu không, bức tường thành sẽ lỏng lẻo, dễ sụp đổ. Saigo đã nhận ra vấn đề nhân sự cốt lõi này từ sự thông hiểu chân lý và sự kỳ diệu của con người.

Chương 11: Tinh tiến

Năm 1997, tôi được phép quy y cửa Phật. Phật giáo gọi việc con người ta mài giũa tinh thần, nâng cao tâm hồn và cuối cùng đạt đến cảnh giới là “ngộ” và thuyết giảng “Lục độ Ba la mật đa” như con đường tu hành dẫn đến “ngộ”. Trong 6 cứu cánh Ba la mật đa đó có “tinh tiến”.

“Tinh tiến” là làm việc hết sức mình, chăm chỉ, cố gắng, ngôn ngữ hiện đại gọi là “làm việc”. Làm việc không đơn giản là cách để nhận công. “Làm việc” ở đây là hết lòng vào công việc, lao động hết sức mình với “nhất tâm bấn loạn” để xây dựng trái tim, linh hồn, nhân cách. Hễ còn sống thì không ngừng tinh tiến. Saigo đã nói phải liên tục nỗ lực hằng ngày với sự tập trung cao độ, không được lơ là. Nếu chỉ sống thờ ơ, gặp đâu hay đấy, không có cái nhìn xuyên suốt thì gặp sự cố không thể có phán đoán, hành xử đúng đắn. Đây là điểm rất quan trọng với những người đứng ở vị trí đưa ra quyết định như nhà lãnh đạo kinh doanh.

Như kinh nghiệm thời trẻ của tôi. Có những lúc quá bận rộn mà tôi giải quyết công việc cho qua, hay xem thường những kế hoạch nhỏ nên không tự mình quyết định, giao hết cho cấp dưới. Về sau, chính những quyết định và những lúc lơ là đó đã dẫn đến những rắc rối to lớn. Sau nhiều lần như vậy, tôi tuyên bố dù bận rộn đến mấy vẫn phải dành thời gian và tạo ra nơi làm việc tập trung tinh thần, trao đổi nghiêm túc. Có thể chỉ với khoảng thời gian 10 phút nhưng đó là 10 phút thật sự tập trung suy nghĩ, đưa ra kết luận.

Trên thực tế, cho đến lúc Kyocera phát triển thành một công ty có quy mô lớn, tôi luôn xem qua từng kế hoạch, hợp đồng của công ty và ra quyết định. Tôi không bao giờ giao phó cho cấp dưới giải quyết một việc nửa vời. Với những kế hoạch lớn, tôi luôn ra từng quyết định một và hầu như chưa mắc phải sai lầm nào.

Có thể đó là do tôi đã tập thói quen tập trung từ thời trẻ nên năng lực phán đoán của tôi được mài giũa. Nhưng điều tốt nhất tôi làm được là nghĩ rằng tập trung tận lực là nhiệm vụ của người đứng đầu.

Chương 12: Kỳ vọng

Gia đình, sở làm, công ty, xã hội, quốc gia, tùy vào trái tim của những người cấu tạo nên mà những tập thể này khác nhau. Nếu người sống ở đó chỉ biết nghĩ đến mình thì tình hình nhiễu nhương, nếu họ có trái tim biết nghĩ đến người khác thì sẽ có một xã hội thịnh vượng. Từ đó, vấn đề được đặt ra là trái tim, tâm hồn của từng người cấu tạo nên tập thể phải như thế nào.

Tình trạng xã hội là tấm gương phản chiếu trái tim con người. Sự phát triển bền vững của công ty, nền kinh tế hay tương lai tươi sáng, yên bình của một xã hội, quốc gia đều bắt đầu từ việc mài giũa tâm hồn của mỗi chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Inamori Kazuo: Thành công bằng sự tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO