Người lao động muốn có môi trường làm việc hạnh phúc mà ở đó, mọi người yêu thương nhau, có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng nhau |
Quản trị bằng tình yêu thương
Kết quả khảo sát “Nguồn nhân lực hạnh phúc” của Anphabe mới công bố cho thấy, người lao động tại Việt Nam càng ngày càng giảm gắn kết với công ty. Đà giảm gắn kết này diễn ra liên tục trong vòng 5 năm qua, từ 71% năm 2016 xuống còn 53% năm 2020. Đáng quan ngại hơn, có 35,1% người lao động được khảo sát cho biết họ có ý định nhảy việc trong vòng một năm tới, trong khi năm 2018 tỷ lệ này là 24%. Trong nhóm này, có đến 7,1% là những nhân viên có nỗ lực nhưng vẫn muốn ra đi, 28% còn lại thuộc nhóm nhân viên không nỗ lực và “ấp ủ” ý định đổi việc.
Đây là thực tế, và nhiều DN trong nước cũng đã nhìn nhận ra vấn đề nên đã đưa ra những cách quản trị mới để kết nối, gắn kết người lao động với DN. Đơn cử là trường hợp của Công ty Biti’s. Bà Vưu Lệ Quyên - CEO Biti’s kể, đã từng kinh qua tất cả công việc của nhân viên các phòng ban nên rất hiểu tâm tình của người lao động. Những người trẻ, người tài rất ngại cách làm việc theo cơ chế xin-cho. Chính văn hoá sợ hãi kiềm hãm sự sáng tạo, cống hiến của người tài. Họ muốn có môi trường làm việc hạnh phúc mà ở đó, mọi người yêu thương nhau, có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng nhau. Hiểu người lao động nên bà Quyên đã xây dựng môi trường, văn hoá làm việc tích cực và hạnh phúc. Nhờ vậy, người lao động đã quan tâm hơn đến cảm xúc của bản thân. Họ cảm thấy gắn kết hơn với đồng nghiệp, những người xung quanh và làm việc hiệu quả hơn.
Chia sẻ về thành công của mô hình quản trị tại DN, bà Vưu Lệ Quyên cho biết: “Để thành công thực sự trong kinh doanh, chủ DN không chỉ chú trọng vào mỗi doanh thu. Nó còn đòi hỏi người lãnh đạo phải biết cách chăm sóc bản thân cũng như chú ý tới nhân viên bằng tất cả sự quan tâm, lòng nhân ái và niềm hạnh phúc chân thành. Và khi đã xây dựng được một môi trường hạnh phúc trong DN thì lãnh đạo sẽ không cô đơn nữa. Bởi mình có thể chia sẻ với đồng nghiệp cấp dưới, cấp trên về những vấn đề đang gặp phải, trong môi trường an toàn và hỗ trợ nhau”.
Các doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá doanh nghiệp, môi trường làm việc để tăng cường tính kết nối trong tổ chức |
Người lãnh đạo thấu cảm
Bên cạnh tình yêu thương, theo kết quả từ khảo sát của Anphabe, có 60% người lao động cho biết họ sẽ nỗ lực làm việc, gắn bó hơn với công ty nếu nếu lãnh đạo DN ưu tiên đầu tư và cải thiện quy trình vận hành theo hướng đơn giản, nhanh gọn hơn song song với việc phân quyền hiệu quả cùng trách nhiệm rõ ràng. Người lao động cũng sẵn sàng “bắt tay” với DN để cùng nhau vượt khó. Họ chung tay cùng lãnh đạo DN hướng đến những kết quả tốt cho DN bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và liên tục học hỏi.
Chia sẻ tại diễn đàn nhân sự do Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM (Hawee) mới tổ chức gần đây, bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối Nhân tài (TalentNet) cho rằng, các DN cần xây dựng văn hoá DN, môi trường làm việc để tăng cường tính kết nối trong cơ cấu, tổ chức. Về đội ngũ, công ty tinh gọn cơ cấu, tối ưu hoá để làm sao nhân viên công ty có thể tham gia các hoạt động của toàn công ty chứ không chỉ ở phòng ban. Quan trọng là “con người là trọng tâm của DN. Trước tiên, người lãnh đạo phải chăm sóc, tạo hạnh phúc cho bản thân mình. Vì bản thân người lãnh đạo có hạnh phúc thì mới mang lại hạnh phúc cho nhân viên”, bà Tiêu Yến Trinh nói.
Cũng quan niệm con người là “hạt nhân” của công ty, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Công ty Anphabe cho rằng, trong môi trường kinh doanh khó khăn hiện nay, các DN cần phải lưu tâm nhiều vấn đề. Trong đó, những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và làm nhất quán là DN phải chủ động tăng cường truyền thông và gắn kết nội bộ. Vì khi mọi thứ xung quanh ngày càng khó khăn và bất định, người lao động dễ rơi vào tâm lý chông chênh và lo lắng. Vì thế, họ càng kỳ vọng lãnh đạo DN phải có khả năng quan tâm, cam kết và dẫn dắt nhân viên. Và để “nắm tay nhau” vượt khó, DN cần chủ động nắm bắt thông tin, xu hướng và kỳ vọng từ phía người lao động để có thể kịp thời điều chỉnh và đưa ra những chiến lược phù hợp hơn tại từng thời điểm cụ thể.
Quan trọng hơn, những người lãnh đạo, quản lý trong tổ chức cần biết cách trở thành người lãnh đạo thấu cảm. Người lãnh đạo phải thấu hiểu được cảm xúc của nhân viên và đồng nghiệp để hành động, chia sẻ và có những quyết định phù hợp. “Lãnh đạo và quản lý trong tổ chức cần chú trọng truyền thông thấu cảm để kết nối cảm xúc, hun đúc niềm tin cho nhân viên, dẫn dắt tập thể cùng vượt khó. Và về lâu dài, DN cần linh hoạt và ứng biến nhanh, chủ động thúc đẩy các bước chuyển đổi quan trọng trong DN như chuyển đổi số, tái cấu trúc theo hướng phẳng và gọn hơn, trao quyền và tăng sự chủ động cho nhân viên các cấp”, bà Thanh Nguyễn nói.