Chuyển mình để trường tồn: Quản trị doanh nghiệp trong thời biến động
Khi nền kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều bất định, các doanh nghiệp (DN) không chỉ cần thích nghi mà còn phải tái cấu trúc tư duy quản trị để phát triển bền vững. Từ câu chuyện tái cơ cấu đến chiến lược gắn kết người lao động, hành trình chuyển mình để trường tồn của các DN Việt Nam đang cho thấy một bài học lớn: quản trị không còn là kỹ năng, mà là năng lực sống còn.
Trong quý đầu năm 2025, theo Tổng cục Thống kê, đã có hơn 23.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng lên tới hơn 61.000, tăng hơn 10%. Những con số trái chiều này phản ánh một thực tế rõ rệt: chỉ những DN có khả năng quản trị thích ứng và hiệu quả mới đủ sức trụ vững và phát triển trong môi trường đầy biến động.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sức ép về chi phí, lãi suất, đơn hàng và toàn cầu hóa đang đòi hỏi các DN Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ về quản trị nếu không muốn bị đào thải.
Thay đổi tư duy - bước đi chiến lược
Một ví dụ điển hình đến từ Vinamilk. Trong năm 2024, DN này triển khai chiến lược với ba trọng tâm chính: tái cấu trúc bộ máy, số hóa chuỗi cung ứng và tái định vị thương hiệu quốc tế. Ngoài ra, Vinamilk cũng đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào quản lý tài chính nhằm nâng cao hiệu suất và minh bạch hóa quy trình. Tháng 3/2024, Vinamilk phối hợp cùng FPT triển khai dự án số hóa giải pháp đóng sổ và hợp nhất báo cáo tài chính (FPT CFS), chuẩn bị cho lộ trình áp dụng chuẩn IFRS và các thương vụ M&A. Chỉ sau 3 tháng, hệ thống tích hợp dữ liệu đa nguồn đã sẵn sàng vận hành, chuẩn bị cho việc chuyển đổi số toàn diện, chuẩn hóa quy trình theo chuẩn quốc tế và tối ưu quản trị DN. Kết quả ban đầu rất khả quan khi lợi nhuận ròng năm 2024 đạt 9.392 tỷ đồng, tăng 6% và là mức cao nhất trong 3 năm gần đây.

Điểm đổi mới quan trọng trong quản trị của Vinamilk là chuyển từ mô hình phân phối sang mô hình quản trị theo cụm sản phẩm. Cách tiếp cận này giúp DN phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường từng khu vực, tăng tính linh hoạt và rút ngắn thời gian ra quyết định.
Còn tại Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT áp dụng chiến lược quản trị tập trung vào văn hóa nội bộ và phát triển con người. Công ty xây dựng văn hóa chia sẻ tri thức và kế nhiệm, chứ không chỉ tập trung KPI. Điều đó giúp đội ngũ gắn bó lâu dài ngay cả khi thị trường biến động. Với REE, sự chuyển mình không chỉ là cải tiến sản phẩm hay mở rộng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà còn là sự chuyển hóa trong văn hóa quản trị, nơi mỗi nhân viên đều có cơ hội phát triển như một nhà lãnh đạo tương lai.
Chìa khóa công nghệ
Trong xu hướng này, đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã hợp tác cùng Tập đoàn FPT triển khai dự án tự động hóa bằng giải pháp akaBot, đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy quản trị DN. Thay vì cải tiến đơn lẻ, VietinBank tái cấu trúc quy trình bằng cách tích hợp công nghệ AI và Robotics, hướng đến một mô hình quản trị hiệu quả, chính xác và linh hoạt hơn. Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank khẳng định, ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tối ưu vận hành, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đây chính là cách VietinBank hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025, với tầm nhìn đến 2030, thông qua việc quản trị bằng dữ liệu và tự động hóa thông minh. Việc tự động hóa 10 quy trình cốt lõi như xử lý điện thanh toán, hạch toán hay thu phí không chỉ cắt giảm hàng nghìn giờ lao động mà còn giúp giảm thiểu sai sót trong thao tác thủ công, tạo nền tảng minh bạch và chuẩn hóa trong toàn bộ hệ thống.
Từ góc độ quản trị, đây là bước tiến quan trọng giúp DN không chỉ số hóa để nhanh hơn, mà đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái quản trị thông minh, giảm lệ thuộc vào con người và nâng cao năng lực nội tại để thích ứng với môi trường kinh doanh đầy biến động.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại nhiều DN vừa và nhỏ. Như Công ty TNHH TMDV Lê Trần (Bình Dương), sau khi triển khai phần mềm ERP từ giữa năm 2024, năng suất đã tăng 30%, tỷ lệ sai sót trong kho vận giảm một nửa chỉ sau 6 tháng. Điều này cho thấy, quản trị tinh gọn và ứng dụng công nghệ không chỉ dành cho các “ông lớn”, mà là giải pháp sống còn cho DN nhỏ nếu muốn tăng trưởng.
Netco Post, một DN logistics trong nước cũng đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất và cạnh tranh hiệu quả. Từ tối ưu hóa quãng đường giao hàng, chăm sóc khách hàng đến quản lý nhân sự, các giải pháp công nghệ, đặc biệt là AI, đã giúp Netco Post nâng hiệu quả hoạt động lên hơn 20%, có bộ phận tăng tới 100%. Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp - Phó tổng giám đốc Netco Post, dù ban đầu e ngại về nguồn lực, nhưng thực tế cho thấy AI là giải pháp phù hợp, dễ tiếp cận và mang lại giá trị rõ rệt cho DN.
Khảo sát “Vietnam CEO Insight” do Navigos Group và VCCI thực hiện cũng cho thấy ba xu hướng quản trị nổi bật mà các CEO đang áp dụng. Trước hết là tư duy hệ thống - nghĩa là vận hành DN theo một logic liên kết giữa các bộ phận, giảm thiểu rào cản thông tin và tăng tốc độ phản ứng. Kế đến là lãnh đạo chuyển hóa - với mục tiêu trao quyền, truyền cảm hứng và phát triển năng lực toàn diện cho đội ngũ thay vì chỉ “quản lý”. Cuối cùng là quản trị bằng dữ liệu - xu hướng ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực, không còn phụ thuộc vào kinh nghiệm đơn lẻ hay cảm tính cá nhân.
Mở rộng quản trị ra hệ sinh thái đối tác
Tư duy quản trị hiện đại không chỉ dừng lại trong nội bộ DN, mà còn mở rộng sang cả hệ sinh thái. Tập đoàn Thaco Trường Hải đã triển khai chương trình đào tạo kiến thức quản trị cho toàn bộ hệ thống nhà cung cấp phụ trợ. Mục tiêu là chuẩn hóa quy trình, nâng cao năng lực cạnh tranh chuỗi giá trị ngành ô tô. Xác định tầm quan trọng của quản trị KPI đối với sự phát triển bền vững, năm 2024 DN này đã tổ chức đào tạo gần 2.500 khóa học cho nhân sự trên toàn hệ thống. Theo ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Thaco, DN đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực ASEAN. Vì vậy, việc áp dụng đúng và hiệu quả KPI sẽ giúp DN đạt được các mục tiêu, chiến lược đã đề ra, tạo nên sự khác biệt trên thị trường cạnh tranh cao.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng đào tạo đối tác bán lẻ tại các tỉnh kỹ năng tài chính, quản lý kho và dịch vụ khách hàng. Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh toàn hệ thống tăng lên rõ rệt, chi phí logistics cũng giảm mạnh.
Trong một thế giới biến động, quản trị không còn là nghệ thuật chỉ dành cho CEO, mà là trụ cột cho mọi DN, từ lớn đến nhỏ. Tái cấu trúc, gắn kết nội bộ, quản trị bằng dữ liệu là những chiến lược không thể thiếu để DN có thể tồn tại và phát triển bền vững.