Sắc màu Pakistan

NGUYỄN CHÍ LINH| 04/01/2014 09:49

Đôi tay điệu nghệ của người thợ nhuộm nổi tiếng như làm xiếc trên chiếc khăn đang được cuộn tròn để vẽ hoa văn khiến tôi có cảm giác cả “sắc màu Pakistan” đang nằm trong đôi tay ấy...

Sắc màu Pakistan

Đôi tay điệu nghệ của người thợ nhuộm nổi tiếng như làm xiếc trên chiếc khăn đang được cuộn tròn để vẽ hoa văn khiến tôi có cảm giác cả “sắc màu Pakistan” đang nằm trong đôi tay ấy...

Đọc E-paper

Lahore đang trong những ngày mùa Đông. Nhiệt độ buổi sáng khoảng 5 độ C và cả thành phố chìm trong sương mù. Rảo bước trên những nẻo đường Lahore trong một ngày lạnh giá, tôi luôn nhận được những lời chào cùng với những cái vẫy tay gọi mời vào sưởi ấm quanh bếp than hồng được đốt từ lá và củi khô. Một tình cảm ấm áp len lỏi giữa những con người không cùng chung màu da và tiếng nói trên vùng đất xa lạ.

Cách độ khoảng 5 quầy hàng là một quầy chuyên sửa và nhuộm quần áo, khăn choàng…

Lang thang trong các ngõ ngách của thành phố Lahore, tôi được chào đón như một vị khách quý. Không biết có phải do quá ít du khách đến đây, hay do trông tôi có nét giống người Trung Quốc nên được chào đón như thế?

Không hiểu tại sao người dân ở đây lại yêu thích người Trung Quốc một cách “nồng ấm”! Ghé vào quầy hàng nào trong chợ tôi cũng được thết đãi những ly trà đường nóng, những miếng xoài, ổi chấm muối hoặc đường, những viên kẹo thơm hay những loại chè trộn dừa đặc biệt... dù tôi chẳng mua món hàng nào.

Đôi khi tôi còn được đi xe tuk tuk miễn phí do những người đi cùng đã trả tiền hộ, hay được thưởng thức những miếng gà nướng thơm lừng cũng miễn phí bởi chủ quán không chịu nhận tiền.

Câu hỏi mà tôi luôn nhận được từ những người bản địa là: “Quốc gia của bạn theo đạo gì?”. Câu hỏi ấy cũng làm tôi nhớ lại cái đêm đầu tiên mới đến Islamabad trong mưa lạnh mùa Đông, tôi đã nhận được cái nhìn như “dao đâm” của ông chủ khách sạn bởi đã hỏi bằng cách nào để đến được ngôi nhà cuối đời của Bin Laden ở thành phố Bilal.

Người Pakistan ăn bận rất "sắc màu"

Trong các quốc gia Nam Á đã đi qua, với tôi, Pakistan là quốc gia thể hiện rõ nhất phần “sắc màu” đặc trưng của vùng này. Sắc màu nổi bật của những chiếc khăn, bộ sarong, áo truyền thống Shalwar kameez như những đốm lửa hồng trên từng góc phố, giúp sưởi ấm mùa Đông rét mướt.

Bỏ qua mặt hàng gia vị đầy màu sắc đặc trưng như các quốc gia Nam Á khác, sắc màu Nam Á ở Pakistan còn thể hiện trong các khu chợ qua thực phẩm, vật dụng hằng ngày như: dép, dây thừng, chỉ may, hoa văn dán tường...

Anh Khan, chủ một quầy hàng vải trong chợ Azam, cho biết: “Người Pakistan ăn bận rất sắc màu, và toàn là những màu nổi. Họ chọn màu may áo theo từng mùa trong năm. Khăn choàng là vật quý giá nhất đối với người nữ, họ thuộc tầng lớp giàu hay nghèo cũng được xác định qua chiếc khăn này và sắc màu của chúng cũng thay đổi theo từng mùa”.

Điều làm tôi khá ngạc nhiên là tất cả các ngôi chợ ở Pakistan đều chỉ bán duy nhất mặt hàng vải, anh Khan cho biết thêm: “Chợ bán rau quả hay vật dụng thường ngày chỉ nhóm họp vào thứ Bảy và Chủ nhật, ở một địa điểm khác”.

Công nghiệp vải sợi được xem là ngành xương sống ở Pakistan, sau nông nghiệp. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tơ sợi lẫn áo quần của Pakistan sang 20 quốc gia trên thế giới đạt 12.356 tỷ USD, đóng góp vào 8,5% tổng thu nhập quốc dân (GDP).

Việc xuất khẩu cũng mang đến việc làm cho 15 triệu người, chiếm khoảng 30% trong tổng số 49 triệu người lao động ở Pakistan. Pakistan đứng thứ 4 trên thế giới trong việc sản xuất sợi bông (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ), và đóng góp 5% vào nhu cầu sợi của thế giới.

Vì vải sợi là ngành nghề truyền thống nên khi len lỏi qua những ngõ hẹp trong các khu chợ, tôi luôn bắt gặp những máy dệt thủ công hay nhuộm vải của tư nhân. Anh Tariq, một chủ cửa hàng lớn, cho biết:

“Công nghiệp vải sợi trải đều khắp đất nước Pakistan, nhưng tập trung ở vùng Punjab. Hiện nay có khoảng 50 nhà máy lớn và 2.500 nhà máy nhỏ hoạt động phục vụ việc may áo xuất khẩu, 600 nhà máy may áo len, 400 nhà máy sản xuất khăn. Chỉ tính riêng việc sản xuất sợi bông phục vụ cho may mặc đã có khoảng hơn 2.200 nhà máy lớn nhỏ hoạt động”.

Với số lượng nhà máy như trên, nền công nghiệp vải sợi của Pakistan có thể đạt công suất/năm: 1.550 triệu kg chỉ, 4.368 triệu m2 vải thường và 4.000m2 vải len, 670 triệu bộ áo quần, 400 triệu bộ áo len và 53 triệu kg khăn. Thị trường xuất khẩu sợi vải chính của Pakistan là Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc, trong khi các mặt hàng may sẵn chủ yếu vào thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ.

Việc ăn bận màu sắc đặc trưng theo mùa của người Pakistan cũng giúp những người thợ may và thợ nhuộm nhỏ lẻ ăn nên làm ra. Cứ bước qua 5 quầy hàng quần áo là thấy một quầy chuyên may, sửa và nhuộm. Khách hàng không phải đợi lâu, chỉ 10 - 30 phút là xong.

Anh Syed vừa hoàn thành một chiếc khăn nhuộm và vẽ mới

Anh Syed, thợ nhuộm nổi tiếng ở chợ Azam, chia sẻ: “Khăn choàng là vật được nhuộm nhiều nhất trong ngày. Khoảng một tháng người nữ nhuộm khăn một lần. Chỉ cần khoảng 20 phút sau khi nhuộm (10 phút nhuộm và 10 phút phơi khô), họ sẽ có một chiếc khăn với màu sắc mới.

Để có được màu ưng ý, họ thường đem màu mẫu đến cho thợ nhuộm xem. Mỗi một chiếc khăn nhuộm màu đơn sắc thường có giá 50 PRP (khoảng 10.000 đồng), nhuộm đa sắc giá sẽ cao hơn. Những người giàu có thường yêu cầu nhuộm màu đơn sắc, nhưng lại chú trọng hoa văn được vẽ trên khăn. Việc này đòi hỏi sự khéo léo của người thợ...”.

Anh Syed cho biết thêm: “Hầu hết thiếu niên đều chọn học nghề nhuộm bằng cách phụ giúp những thợ nhuộm có tiếng trong các khu chợ. Khi chính thức bước vào đời, họ thường chọn nghề dệt làm hành trang cho cuộc sống. 90% lao động trong các nhà máy dệt không được đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, mà thường là “cha truyền con nối”.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền công nghiệp dệt của Pakistan có phần chững lại khoảng 3 năm trở lại đây trước áp lực cạnh tranh quá lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Năm 1999, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của Pakistan đạt 5,2 tỷ USD, và đạt khoảng 10,8 tỷ USD vào năm 2008, chiếm 67% tổng thu nhập xuất khẩu của Pakistan.

Tuy nhiên, con số tiền tỷ thu được bắt đầu chững lại những năm sau (chỉ tăng khoảng 5% hằng năm so với những năm trước trung bình là 16%), trong khi nhu cầu về sợi và vải của thế giới vẫn gia tăng. Ông Amir Fayyaz, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may của Pakistan, cho biết: “Nguyên nhân làm chững lại ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia là lượng lao động chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp và giá lao động khá cao so với Trung Quốc và Ấn Độ”.

Máy móc vẫn còn quá lạc hậu, cũ kỹ và tình trạng giá xăng dầu không ổn định hay thiếu hụt cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. “Nếu những năm trước đây Pakistan chi khoảng 1 tỷ USD cho xăng dầu, thì hiện nay phải chi từ 4 - 5 tỷ USD. Hiệp hội Dệt may Pakistan cần có một trung tâm nghiên cứu và phát triển để định hướng cho ngành công nghiệp này”, ông Fayyaz chia sẻ thêm.

Bên cạnh những khó khăn nhất định, ngành công nghiệp dệt may của Pakistan cũng đón nhận tin vui từ Hiệp hội Thương mại Châu Âu: Pakistan được xét duyệt gia nhập nhóm GSP+ (hệ thống thuế ưu đãi đặc biệt) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Sắc màu ngập tràn trong chợ vải Azam

Anh Abdul, chủ một nhà máy dệt tư nhân tại Lahore, mừng rỡ cho biết: “Giá thuế mặt hàng may mặc hiện nay Pakistan đang gánh chịu khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu là 11%, điều này cũng góp phần làm đội giá thành sản phẩm. Hy vọng khi gia nhập GSP+, nhận được mức thuế ưu đãi, chúng tôi có thể cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có dân số đông nhất hành tinh với giá lao động rất rẻ”.

Ông Fayyaz cho biết: “Trong những năm qua, không nhận được ưu đãi thuế và giá nhân công khá cao, nên chúng tôi đành bán lại nguyên liệu cho Bangladesh hay các quốc gia khác nhận được ưu đãi về thuế quan để họ xuất khẩu. Sau khi nhận được xét duyệt vào nhóm GSP+, chúng tôi sẽ xuất khẩu trực tiếp sang các quốc gia châu Âu.

Mục tiêu của chúng tôi là phải đạt 26 tỷ USD/năm về xuất khẩu dệt may trong vòng 4 năm tới. Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành đàm phán với chính phủ các nước Bắc Mỹ với hy vọng nhận được khoản thuế ưu đãi tương tự như với thị trường châu Âu”.

Tiếng nước trong nồi nhuộm đang réo sôi và anh Syed pha bột màu vào. Chiếc đũa tre trong đôi tay anh lại nhảy múa trên chiếc khăn đang chuyển màu... Với tôi, cả sắc màu Pakistan dường như nằm trong đôi tay ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sắc màu Pakistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO