Những người ươm Xuân

ĐOÀN ĐẠI TRÍ| 01/01/2015 07:52

Từ Cái Mơn, men theo những dòng sông, những con đường, những chồi non tỏa đi khắp nơi ở miệt đồng bằng châu thổ phì nhiêu này, phủ xanh những ruộng vườn, làm lên những mùa quả chín bội thu...

Những người ươm Xuân

Nằm giữa hai con sông Cổ Chiên và Hàm Luông, từ lâu vùng đất Vĩnh Thành, Long Thới, Vĩnh Hòa... (huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã được coi là làng nghề ươm cây lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, những khi mùa Xuân bắt đầu chính là lúc hàng trăm nhà vườn bắt tay vào công việc ươm cây, chiết cành cây giống, chủ yếu là cây ăn trái.

Đọc E-paper

Giống cây mà dân Chợ Lách ươm đều là những trái cây đặc sản truyền thống được ưa chuộng ở miền Tây như sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi... cho tới những loại cây trồng mới du nhập vào nước ta như mít nghệ Thái Lan, ổi không hạt hay xoài Thái...

Dừng lại trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lân, 57 tuổi, một chủ nhà vườn ở ấp Cái Mơn (xã Vĩnh Thành), chúng tôi được biết rõ hơn về nghề ươm cây giống của người nông dân nơi đây. Do Chợ Lách nằm tiếp giáp giữa nhiều dòng sông lớn, phù sa bồi đắp từ ngàn năm qua nên đất đai rất tốt tươi, thích hợp với việc ươm cây giống.

Nhìn chung, nghề ươm cây giống ở đây diễn ra quanh năm nhưng chủ yếu là từ đầu Xuân cho tới đầu Hè bởi đây là lúc thời tiết thuận lợi cho việc ươm cây cũng như việc cây giống có thể sinh trưởng tốt sau khi được trồng trên vùng đất mới.

Vừa nhìn ra con rạch Cái Mơn nhỏ bé đang lúc triều lên, bà Lân vừa bảo: "Cái nghề này nhìn thì đơn giản vậy nhưng cũng cần có cái duyên, cái nợ cả bởi để những hạt mầm nảy lộc đôi khi cần có một mối giao hòa giữa người và cây, giữa đất và trời chứ không đơn thuần chỉ là nghề để mưu sinh".

Tỉ mỉ như những nghệ nhân

Có lẽ vì thế mà ở đây, không chỉ riêng gia đình bà Lân mà có nhiều nhà, nghề ươm cây đã được truyền đời qua nhiều thế hệ như một cái nghiệp vậy.

Tuy nhiên, với những nghề ươm cây ở Chợ Lách hiện nay, ngoài việc gieo hạt và chăm sóc cho thành cây non như lâu nay thì việc chiết cành cũng đang được sử dụng khá nhiều. Theo anh Tân, một chủ nhà vườn chiết cây giống mít Thái Lan thì so với việc gieo hạt, việc chiết cây có nhiều lợi ích hơn là cây khỏe, nhanh phát triển, dễ thích nghi khi trồng ở đất mới.

Vì thế, mấy năm gần đây, anh thường xuyên chiết cành rồi ươm cây non theo yêu cầu của khách hàng. Với những mầm non sau khi chiết chừng 4-6 tuần là có thể phát triển thành cây non khỏe mạnh và với những cây này, chỉ từ 1-2 năm là có thể ra trái, được nhiều nhà vườn ưa chuộng.

Dọc tuyến đường ĐT 833 đi qua huyện Chợ Lách, việc mua bán cây giống diễn ra sôi động, khách hàng nhiều nơi tìm về. Theo bác Nguyễn Văn Tư, một chủ nhà vườn ở Cái Bè (Tiền Giang), cứ đầu năm là bác lại lên đây tìm mua cây giống về trồng ở vườn nhà mình.

Ươm cây giống

Bác Tư kể: "Nhà tôi ở quê có 6 công đất vườn, trồng xen kẽ sầu riêng, xoài, cam sành, quýt lai, bưởi da trơn, với vú sữa, nhãn mòng... Do trồng nhiều loại cây nên chừng 5 năm là phải thay cây mới một lần". Mặc dù liên tục phải thay những cây mới vào dịp mùa Xuân nhưng bác Tư cho biết lợi thế của cây trồng hiện nay là phát triển nhanh, mau cho trái nên người trồng rất an tâm. "Bây giờ mua cây giống bé xíu vậy thôi nhưng chỉ Hè sang năm là những cây này đều cho trái. Năm nay, tôi mua khoảng 100 cây giống về thay thế những cây đã trên 6 tuổi để bảo đảm chất lượng cây cho trái tốt nhất", bác Tư nói.

Mặc dù là một trong những nghề chính của nhiều nông dân ở đây nhưng không ai biết nghề ươm cây ở Chợ Lách bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết, cách đây chừng mười năm, quanh vùng chỉ khoảng vài chục nhà vườn nhưng hiện nay, con số có thể lên sáu trăm nhà vườn với quy mô lớn hơn rất nhiều.

Theo anh Bảo, một công nhân đang chiết cành ở đây, hiện nay nhu cầu của khách hàng rất lớn. Anh cho biết: "Mặc dù nhìn rất đơn giản nhưng nghề chiết cành đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, chính xác. Mỗi cây chỉ có ba miếng ghép cành, nếu mình làm không khéo, mầm non sẽ bị héo vì không thích nghi được với thân cây ghép".

Chỉ với dụng cụ là một con dao nhỏ nhưng từ bàn tay cần mẫn của những nông dân này, những mầm non nhỏ xíu sẽ tìm được một thân gỗ vững chắc để ít lâu sau, chính những mầm non đó mới là chủ của cái thân gỗ kia, một sự hoán đổi và chiếm hữu diệu kỳ trong tự nhiên.

Ngắm nhìn những nhà vườn rợp màu xanh của chồi non có cảm giác như mùa Xuân đang tràn ngập ở khắp mọi nơi. Bà Lân tâm sự, mỗi lần nhìn hàng trăm ngàn những hạt giống nảy mầm thành cây non, những chiếc lá non bật lên từ cuống khô, bà như thấy "vui như Tết".

Bà bảo, trong hơn mười năm gắn bó nghề ươm mầm, không nhớ hết mình đã ươm bao nhiêu cây giống. Chỉ biết rằng, hàng triệu triệu cây con đã được ươm mầm, được lớn lên từ đôi bàn tay của mình.

Từ Cái Mơn, men theo những dòng sông, những con đường, những chồi non tỏa đi khắp nơi ở miệt đồng bằng châu thổ phì nhiêu này, phủ xanh những ruộng vườn, làm lên những mùa quả chín bội thu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những người ươm Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO