Vì đâu ngân hàng ồ ạt phát hành mới trái phiếu?

Gia Lê| 02/10/2019 05:59

Càng về cuối năm, các ngân hàng càng tích cực phát hành trái phiếu để huy động vốn, đặc biệt có một số thàng viên vừa phát hành mới vừa mua lại lượng trái phiếu đã phát hành trong những năm trước. Điều này có ý nghĩa gì?

Vì đâu ngân hàng ồ ạt phát hành mới trái phiếu?

Ngày 30/9/2019, BIDV đã thông báo về kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2019. Cụ thể, BIDV đã thực hiện phân phối hai lọai trái phiếu có cùng mệnh giá 10.000 đồng/trái phiếu gồm 249.932 trái phiếu kỳ hạn 7 năm đáo hạn vào 2026 và 50.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm đáo hạn vào 2029. Tổng giá trị chào bán thành công lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Đây đều là các loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng theo quy định hiện hành, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất thả nổi theo lãi suất của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Như vậy, với kết quả phát hành như trên, BIDV đã có thêm gần 3.000 tỷ đồng để bổ sung vào vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay VND trong năm 2019 đối với các dự án trung và dài hạn.

Cùng thời điểm, BIDV cũng thông báo đã thực hiện mua lại toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 2 năm 2014. Số trái phiếu này từng được phát hành vào ngày 19/9/2014, với giá trị 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 1 ngày và BIDV có quyền mua lại sau 5 năm. Như vậy trong năm nay, BIDV đã thực hiện mua lại toàn bộ 7.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành trong năm 2014, đồng thời phát hành 3.300 tỷ đồng trái phiếu mới nhằm mục đích tăng kỳ hạn còn lại cho lượng trái phiếu để đủ điều kiện tính vào vốn tự có cấp 2. 

Cụ thể, theo quy định của NHNN, trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 phải có kỳ hạn ban đầu tối thiểu là 5 năm và bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm giá trị trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 phải được khấu trừ 20% giá trị để đảm bảo đến ngày đầu tiên của năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, giá trị trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp tính vào vốn cấp 2 bằng 0.

Ngày 27/9/2019, VietinBank đã đóng sổ phát hành thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp năm 2019 ra công chúng. Đây là số lượng trái phiếu nằm trong đợt mở bán ra công chúng đầu tiên của ngân hàng trong năm 2019 và nằm trong kế hoạch 5.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.

Mở bán từ ngày 15/8/2019 tại tất cả điểm giao dịch của ngân hàng cũng như điểm giao dịch của đại lý phát hành là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (VietinBankSC), trái phiếu VietinBank đã nhận được sự quan tâm đặt mua từ hơn 14.000 cá nhân, doanh nghiệp… Đây là những khách hàng có quan hệ nhiều năm với ngân hàng.

Số tiền phát hành thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu đợt 1 sẽ được VietinBank sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo qui định của Ngân hàng Nhà nước. VietinBank dự kiến mở bán trái phiếu ra công chúng đợt 2 vào đầu tháng 10/2019 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trước đó vào đầu tháng 9, ngân hàng ACB cũng đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 3 trong năm tài chính 2019 nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động để phục vụ nhu cầu cấp tín dụng trung, dài hạn. Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 2.600 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp, không đảm bảo bằng tài sản. Giá phát hành bằng mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Kỳ hạn trái phiếu từ 2 đến 3 năm, phát hành làm 2 đợt.

Trước đó, trong đợt phát hành lần 2, ACB thông báo phát hành 5.500 trái phiếu chia làm 5 đợt, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương tổng mệnh giá phát hành 5.500 tỷ đồng và lãi suất là 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7% đối với kỳ hạn 2 năm. Còn trong đợt 1 vào tháng 4/2019, ACB đã phê duyệt phương án phát hành với tổng giá trị theo mệnh giá là 2.500 tỷ đồng.

Trước thời hạn áp dụng chuẩn Basel 2 sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, cũng như khả năng tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, các ngân hàng đã tích cực tăng cường vốn tự có cũng như nguồn vốn trung dài hạn, thông qua việc phát hành giấy tờ có giá dài hạn. 

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 56.060 tỷ đồng. Với lượng phát hành quá lớn như trên, nhiều ý kiến nghi ngờ khả năng các nhà băng đang nắm giữ chéo trái phiếu lẫn nhau khi chỉ có ngân hàng mới có đủ nguồn lực tài chính lớn để đầu tư mạnh như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì đâu ngân hàng ồ ạt phát hành mới trái phiếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO