Trong nước

Nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với ba thách thức trong tháng cuối năm 2023

Thanh An 06/12/2023 18:15

Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, bên cạnh kết quả kinh tế đạt được sau 11 tháng qua, trong tháng cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải đối diện với những thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại phiên họp, kinh tế 11 tháng qua dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng tốt hơn trước bối cảnh mới của thế giới và trong nước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Xuất siêu 25,83 tỷ USD, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chủ yếu là vốn đăng ký mới (42,4%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch, cao hơn gần 123.000 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ cũng tăng 10%. Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận tăng 6,3%.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn trong năm 2023. Cụ thể, thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính là những khó khăn chủ yếu mà khu vực sản xuất, doanh nghiệp phải đối mặt trong năm nay đã góp phần tạo sức ép lên tăng trưởng, điều hành tỷ giá và ổn định vĩ mô

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khó khăn đặt ra còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh; tạo sức ép lên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...

Chủ trì phiên họp sáng ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong 11 tháng qua, các mục tiêu đã đề ra cơ bản được thực hiện tốt. Thủ tướng cũng nhắc tới một số ngành đạt kết quả tích cực, như công nghiệp phục hồi, nhất là chế biến, chế tạo. Xuất khẩu gạo vừa đạt kết quả tích cực, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước và góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Giải ngân vốn đầu tư công tốt. Thị trường chứng khoán thanh khoản tốt, "tăng dần đều", trở nên lành mạnh hơn...

thu-tuong-chu-tri-hop-cp-11-th-7740-7498-1701832406.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, sáng ngày 6/12

Tuy nhiên, tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy. Phân tích một số ví dụ cho thấy phản ứng chính sách vẫn có lúc chưa kịp thời, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 12, cần phấn đấu đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu khó đạt như đã báo cáo Quốc hội, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo…

Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cách tiếp cận là không ngại, không sợ việc quy định vừa ban hành đã sửa đổi, nếu văn bản ban hành mà không phù hợp, chưa đi vào cuộc sống hoặc ban hành xong mà tình hình thay đổi thì điều chỉnh ngay; điều quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, bám sát tình hình thực tiễn, cầu thị lắng nghe, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động.

Trước những đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trong thời gian tới. Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các Luật, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024... đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần áp sát tình hình, diễn biến cung - cầu hàng hóa thiết yếu trong nước, chủ động phương án điều tiết phù hợp, triển khai chính sách bình ổn giá để giữ ổn định thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ như đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với ba thách thức trong tháng cuối năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO