Không mua không phải không tiền không mua

Ý NHI| 12/11/2010 06:26

Muốn bứt phá trở thành công ty có quy mô hoạt động lớn hơn nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều rơi vào vòng luẩn quẩn: không có nhân sự giỏi, cũng chưa sẵn sàng đón nhận nguồn chất xám mới. Muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn này, nhiều DN đã nghĩ khác, làm khác...

Không mua không phải không tiền không mua

Muốn bứt phá trở thành công ty có quy mô hoạt động lớn hơn nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đều rơi vào vòng luẩn quẩn: không có nhân sự giỏi, cũng chưa sẵn sàng đón nhận nguồn chất xám mới. Muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn này, nhiều DN đã nghĩ khác, làm khác...

Một vốn bốn lời

Cũng giống như ở các câu lạc bộ bóng đá có hình thức cho mượn cầu thủ, nhiều DN cũng có hình thức “mượn” nhân lực để giải quyết nhiều khó khăn trước mắt.

Ở cấp độ chiến lược, hình thức “mượn” phổ biến là tư vấn, làm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập, cố vấn, trợ lý cho HĐQT hoặc ban giám đốc (để cố vấn, hỗ trợ trong việc xây dựng chiến lược, hệ thống hoặc phản biện) trong một thời gian nào đó.

Ở cấp độ vận hành, mượn nhân sự cấp cao, cấp trung theo dạng freelance (làm việc tự do) hoặc part-time (ngoài giờ), hoặc làm coaching (huấn luyện)...

Tuy nhiên, “mượn” ở đây không có nghĩa là không mất tiền, mà là một hình thức không sở hữu nhân sự một cách tuyệt đối nhưng có thể chia sẻ với người đó cái DN đang cần và họ đang có.

Chẳng hạn, 13/17 thành viên của Tập đoàn GE (Mỹ) là những thành viên HĐQT độc lập và họ đã mang lại thành công rất lớn cho GE. Hoặc như ở Ngân hàng ACB, nhận thấy lỗ hổng của mình là quan hệ chính phủ, ACB mượn HĐQT độc lập và các thành viên này chỉ đảm nhiệm mảng quan hệ này...

Tại buổi tọa đàm Cà phê sáng thứ Bảy lần 5 do PlanA Group và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức, ông Trần Thanh Sang, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn BDSC, cho biết: “Việc mượn người tài đem lại rất nhiều lợi ích cho DN.

Trước hết, nó giúp giảm chi phí, thuê một giám đốc điều hành (CEO) mất khoảng 100.000 USD/năm, nhưng mượn chỉ mất khoảng 20.000 USD/năm... Bên cạnh đó, việc dùng nhiều nguồn lực sẽ giải quyết kịp thời các lỗ hổng, tận dụng được nhiều nguồn chất xám của xã hội”.

Ngoài ra, trong thực tế, điều các DN lo ngại nhất là một CEO mới thường sa thải nhân viên cũ để cải tổ bộ máy. Trong khi đó, các “CEO mượn” chỉ bổ sung cho nguồn lực DN, giúp nâng tầm đội ngũ chuyên nghiệp hơn...

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Phát Đạt, nói thêm: “Khi mượn được người tài có tên tuổi thì uy tín của DN cũng tăng theo. Chẳng hạn, khi Phát Đạt làm việc với công ty nước ngoài, nhờ anh Đoàn Viết Đại Từ, thành viên HĐQT độc lập của công ty đứng ra đại diện, thì phía đối tác mới đồng ý và công việc được thành công”.

Song, muốn mượn người hiệu quả, ông Sang cho rằng, trước hết DN phải nhận diện được lỗ hổng của mình, rồi lên kế hoạch tìm người tài và sẵn sàng làm việc với họ. Khi nhân sự đồng ý gia nhập cùng “gia đình” mình thì phải có cách phối hợp thế nào để họ cùng hòa vào guồng máy.

Cuối cùng là rà soát lại xem mong muốn của DN có được người đó đem lại kết quả như tương quan cho người tài làm việc không? Tuy nhiên, vấn đề chi phí không trả lời thỏa đáng được câu hỏi này.

Theo ông Nguyễn Quang Hiển, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Palm Gold, lại cho rằng: “Chi phí không phải lúc nào cũng quan trọng, mà là DN phải đánh thức được cảm xúc của người mình muốn mượn. Đó là kỹ năng lãnh đạo cần trang bị trước khi muốn mượn người tài”.

Biến sức người thành sức ta

Với câu hỏi đặt ra: “Làm sao ít tiền mà vẫn mượn được người tài?”, ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: “Nguồn mượn trước hết phải xuất phát từ mối thân quen, tình cảm. Kinh nghiệm mượn người tài của Phát Đạt sử dụng cả hai nguồn, vừa mượn vừa mua”.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hữu Liên Á Châu (HLAC), góp ý kiến: “Dù hoạt động trên 30 năm nhưng đôi lúc chiến lược của công ty cũng bị lạc hướng, nên chúng tôi phải mượn người tài bằng nguồn cung cấp của các công ty tư vấn.

Tuy nhiên, do xuất phát từ công ty gia đình nên việc mượn chất xám từ bên ngoài của HLAC rất thận trọng bởi chắc chắc sẽ phải trải qua một sự thay đổi về tư duy, thậm chí cả đấu tranh. Vậy để tránh trường hợp mượn người tài về rồi “một người đạp ga, 3 người thắng”, chúng tôi đã cho thử nghiệm ở công ty con trước, sau khi thành công mới tiếp tục thực hiện ở công ty mẹ”.

Ông Võ Trần Duy, Giám đốc Nhân sự Công ty Vàng Bồng Miêu lại đề cập ở góc độ khác. không phải công ty không có người giỏi mà ngược lại ai cũng giỏi, cũng mạnh nhưng mạnh ai nấy làm. Vì vậy, cách mượn người tài là mượn người có khả năng tư vấn để huấn luyện và đào tạo cho đội ngũ nhân viên biết cách làm việc với nhau.

Mượn người tài là quá trình cộng tác, mà muốn cộng tác thành công thì phải phù hợp với nhau, giúp các CEO mới hòa nhập nhanh vào DN và giải quyết được nhiều vấn đề trong DN. Ngược lại người chủ DN cũng mạnh dạn chia sẻ, hỗ trợ cho CEO trong quá trình hợp tác.

Trong vai trò vừa là Chủ tịch HĐQT độc lập của một công ty, vừa là người tư vấn cho DN, bà Phương Dung cho rằng: “Cách mượn nhân lực hiệu quả là phải hiểu người mình định mượn đem lại hiệu quả thế nào. Về phía DN, muốn mượn được người tài thì người mượn phải giảm tính chuyên nghiệp của mình xuống, cần phải mở cửa thông tin.

Nếu mượn người tài ở cấp độ tư vấn thì nên tổ chức một buổi huấn luyện cho họ đào tạo nhân viên, kể cả giám đốc. Qua đó, người lãnh đạo cao nhất sẽ biết được người tư vấn đó có thể làm việc với giám đốc và nhân viên của họ hay không. Bởi đó chính là một yếu tố dẫn đến thành công của DN khi sử dụng giải pháp mượn nhân tài để phát triển nguồn nhân lực cho mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không mua không phải không tiền không mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO