Quốc tế

Kinh tế vũ trụ: Chiến lược mới của các quốc gia Vùng Vịnh

Khả Hân 26/09/2023 06:00

Kinh tế vũ trụ đang là chiến lược phát triển trọng tâm của nhiều quốc gia, trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, mang đến nhiều cơ hội chinh phục không gian hơn. Cạnh tranh trong nền kinh tế vũ trụ cũng ngày càng quyết liệt. Lĩnh vực mới này đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh hợp tác, trong chiến lược ngoại giao cũng như để mở rộng các liên minh.

vu-tru-nasa.jpg

Kinh tế vũ trụ - Địa hạt mới

Trung Quốc muốn hợp tác với các quốc gia Vùng Vịnh trong lĩnh vực phát triển vệ tinh viễn thám, cơ sở hạ tầng hàng không vũ trụ và đào tạo phi hành gia. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố như vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Vùng Vịnh vừa qua. Ngoài ra, Bắc Kinh đang có ý định hợp tác với Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để phát triển trạm Thiên Cung.

Những năm gần đây, khám phá vũ trụ còn được thúc đẩy, bởi kinh tế toàn cầu thường xuyên đối mặt với khủng hoảng, thách thức suy giảm và bão hòa, nên các nước muốn tìm kiếm hướng phát triển mới.

Theo một số chuyên gia, khám phá vũ trụ mở ra tiềm năng và cơ hội vô hạn. Hiện chỉ có một số ít nước đủ tiềm lực chinh phục. Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang tiên phong trong cuộc đua này. Gần đây, Hàn Quốc đã bày tỏ tham vọng nhập cuộc với việc phóng tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên mang tên Danuri.

Nếu trước đây những công ty không gian chủ yếu sản xuất tên lửa, ví dụ Boeing hay Lockheed Martin, rồi bán cho chính phủ nhằm phục vụ các chuyến bay ra ngoài quỹ đạo, thì giờ đây ngày càng xuất hiện nhiều công ty mới, ứng dụng công nghệ sản xuất tên lửa đột phá với chi phí rẻ, rồi chính họ thực hiện các chuyến bay vào không gian.

SpaceX của tỷ phú Elon Musk là tên tuổi nổi bật. Chi phí cho các chuyến bay thấp hơn đã tạo điều kiện để ngành du lịch vũ trụ phát triển.

Khía cạnh khác của nền kinh tế vũ trụ, là các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên trái đất, nhưng thu lợi từ tiến bộ tạo ra ở bên ngoài khí quyển. Ví dụ nhiều tập đoàn tư nhân tầm cỡ đã có các dự án lớn: hệ thống cung cấp Internet vệ tinh Starlink của SpaceX, Internet vệ tinh Kuiper của Amazon, Internet vệ tinh Oneweb của chính phủ Anh hay công ty vận chuyển - du lịch vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos.

Ứng dụng công nghệ không gian cũng đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới. Ví dụ du hành vũ trụ, truyền thông sử dụng vệ tinh ở quỹ đạo thấp, Internet kết nối vạn vật (IoT) qua vệ tinh và thiết bị mặt đất. Kích thước các vệ tinh ngày càng được thu nhỏ. Số lượng vệ tinh trên không gian đang tăng lên. Các dự án khởi nghiệp (startup) về vệ tinh hiện nay hướng đến cung cấp ứng dụng và giải pháp đa dạng cho người dùng, từ kết nối Internet, điện thoại vệ tinh, dẫn đường cho thiết bị bay hoặc dự báo thời tiết.

Tiềm năng và lợi ích

Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, quy mô nền kinh tế vũ trụ sẽ tăng lên 1,1 nghìn tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2040, tức gấp 3 lần từ mức 350 tỷ USD năm 2017. Ngành này có sự phát triển sôi động bởi cuộc đua không chỉ giữa các cường quốc, mà còn thu hút khu vực tư nhân và những công ty khởi nghiệp sôi động.

Nếu cuộc đua vào không gian được khởi đầu bằng sự cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ với Liên Xô, thì hiện nay khoảng 90 quốc gia đang phát triển chương trình nghiên cứu vũ trụ của riêng mình. Số vệ tinh quay quanh trái đất có thể tăng từ 22.200 vào năm 2021, lên 50.000-100.000 trong 5-10 năm tới. Đáng chú ý, khoảng 90% tàu vũ trụ được phóng năm 2022 do các công ty thương mại thực hiện.

Có thể nói, cuộc cạnh tranh trong nền kinh tế vũ trụ ngày càng trở nên quyết liệt. Hiện tại, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc bởi đã theo đuổi các dự án nghiên cứu không gian nhiều thập niên. Nước này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như phóng vệ tinh, đưa con người lên trạm không gian, thăm dò sao Hỏa và đang lên kế hoạch mang phi hành gia tới mặt trăng.

another-world-2.jpg

Trung Quốc là nước thứ hai sau Mỹ hạ cánh và vận hành tàu thám hiểm không người lái trên sao Hỏa. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất có trạm vũ trụ nếu dự án Thiên Cung hoàn tất vào cuối năm 2023. Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã công bố kế hoạch đưa phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030, sau đó xây dựng trạm nghiên cứu ở bề mặt, làm bàn đạp để đến sao Hỏa cũng như khám phá không gian xa hơn.

Trung Quốc đang nỗ lực liên kết với nhiều nước khác để phát triển kinh tế vũ trụ và mở rộng ảnh hưởng, trong đó các đối tác Vùng Vịnh là mục tiêu tiềm năng. Dù kinh tế vũ trụ là khái niệm còn mới, nhưng nó đang được thúc đẩy. Với nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ, nhưng giá nhiên liệu này thường xuyên biến động bất thường, cũng như nguy cơ sắp cạn kiệt, các quốc gia Vùng Vịnh với nguồn lực tài chính dồi dào đang chuyển hướng phát triển và khai thác tiềm năng kinh tế từ vũ trụ, như trụ cột cho sự phát triển ở kỷ nguyên không còn “vàng đen”.

UAE đã xác định chiến lược kinh tế vũ trụ trong 10 lĩnh vực lớn để tập trung đầu tư. Danh mục trải rộng từ khai thác dịch vụ trên trạm vũ trụ, du lịch vũ trụ, khai khoáng trên vũ trụ cho tới phát triển công nghiệp tái chế ngoài vũ trụ.

Trong thời gian dài, chinh phục vũ trụ là chuyện riêng của một số ít quốc gia, nhưng thực tế ấy ngày càng bị xóa nhòa. Thời gian qua, thế giới chứng kiến những bước tiến về nghiên cứu sao Hỏa của nhiều nước. UAE thậm chí có tham vọng muốn lập bản đồ rõ nét về sao Hỏa, xa hơn là dự án đến năm 2117 sẽ xây dựng các khu định cư đầu tiên của con người trên hành tinh đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế vũ trụ: Chiến lược mới của các quốc gia Vùng Vịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO