Kinh tế số

Kinh tế xanh: Lực đẩy “hóa rồng”

Ý Nhi 28/07/2023 06:00

Xu hướng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đang diễn ra trên toàn cầu và được xem là động lực phát triển của TP.HCM. Nếu chậm trễ, cơ hội “hóa rồng” của Việt Nam và TP.HCM sẽ còn xa.

Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM: “Kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo là động lực đột phá cho TP.HCM”

pham-phu-truong.jpg
Ông Phạm Phú Trường

Một tin vui cho TP.HCM, đó là Nghị quyết 98 của Quốc hội áp dụng cơ chế mới cho TP.HCM sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2023. Trong đó, nội dung lớn nhất và mang tính chiến lược, được xem là bước đột phá cho TP.HCM, đó là đổi mới sáng tạo và kinh tế xanh.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, trong công nghệ là chính sách chiến lược của thành phố. Các lãnh đạo TP.HCM cũng như các sở ban ngành và các bên liên quan đều rất quan tâm và dành thời gian rất nhiều cho việc này. Vì họ tin rằng, trong nền kinh tế mở để TP.HCM bước ra quốc tế thì việc đổi mới sáng tạo là nhu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp (DN). Đây cũng là ý nghĩa rất lớn cho đội ngũ doanh nhân, kể cả startup và các DN đã thành công.

Với mỗi DN, việc đổi mới sáng tạo cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, đổi mới và sáng tạo phải đi cùng với nhau. Bởi đổi mới đã quan trọng, sáng tạo còn quan trọng hơn. Muốn thực hiện được điều này, các lãnh đạo phải có tư duy đổi mới sáng tạo để tạo sự thay đổi, sáng tạo trong tổ chức và đội ngũ. Bởi có tư duy đúng sẽ hành động đúng.

Tôi đã có dịp tham dự một diễn đàn kinh tế thế giới rất lớn gần đây ở Thiên Tân, Trung Quốc. Tại các diễn đàn lớn trên thế giới như thế đều kết hợp ba yếu tố: Nhà nước, DN và các nhà nghiên cứu, công nghệ. Nói vậy để thấy, sự kết hợp của ba yếu tố này là vô cùng cần thiết, không thể tách rời.

kinh-te-xanh.jpeg

Để DN cùng tham gia vào nền kinh tế xanh, tạo sự đột phá thì DN phải hiểu được công nghệ đang nằm ở chỗ nào, tương lai nó sẽ đi đến đâu và các DN sẽ tham gia như thế nào trong quá trình đó, để chuẩn bị tư duy đưa vào kinh doanh hoặc các DN công nghệ, startup đều thấy mình có cơ hội để phát triển.

Được tham gia trong nhóm soạn thảo nền kinh tế xanh của TP.HCM, lãnh đạo thành phố cũng đang có những bước tiến để hình dung sẽ dùng những cơ sở khoa học để lập ra một lộ trình kinh tế xanh cho thành phố và dựa trên nền tảng (một trong những yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế xanh) đó là đổi mới sáng tạo. Bởi nền kinh tế của chúng ta xây dựng cả trăm năm nay được hiểu là sản xuất xong, những phế liệu sẽ bỏ ra thị trường. Ví dụ như rác thải nhựa, khí thải CO2 dẫn đến nhiệt độ trái đất đang có xu hướng tăng lên rất cao.

Vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Quay lại câu chuyện các DN muốn hòa nhập vào việc đóng góp bảo vệ môi trường, đồng thời việc chuyển đổi xanh, kinh tế xanh cũng sẽ mở ra trong không gian kinh tế, nền kinh tế mới gọi là nền kinh tế xanh. Và phải hiểu rõ, kinh tế xanh không phải là một nền kinh tế riêng, mà nó được lồng ghép trong tất cả hoạt động kinh doanh, kể cả tư duy của một DN.

Vì thế, việc hòa nhập vào kinh tế xanh là quá trình gần như là một chuỗi suy nghĩ, chuỗi tư duy và khái niệm quan trọng trong kinh doanh của một DN.

Ông Lê Trí Thông - CEO Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ): “Không có sáng tạo về môi trường, không tạo được lực đẩy”

letrithong.jpg
Ông Lê Trí Thông

Về câu chuyện sáng tạo thì ở các quốc gia trên thế giới, họ xác định được rằng lực đẩy cho sáng tạo là lực đẩy của sức gió, của nước chứ không phải sức bền. Câu chuyện của Nhật Bản liên quan đến ngành ô tô, liên quan đến câu chuyện khủng hoảng về năng lượng và sau đó là chiếc xe ít tốn xăng hơn và họ đã tạo ra lợi thế và kỳ tích tăng trưởng.

Hay câu chuyện về công nghệ điện tử đã tạo ra lợi thế cho Đài Loan, công nghệ digital giúp cho Samsung và Hàn Quốc tăng tốc, rồi câu chuyện của xe điện, của những sản phẩm digital kết hợp với social tạo ra được một xu hướng và thế mạnh riêng cho các quốc gia và DN.

Như vậy, nếu chúng ta không có sáng tạo mới về môi trường thì chúng ta có tăng trưởng được hay không? Và lực đẩy của chúng ta thời điểm này cũng là xu hướng của toàn cầu, đó là sáng tạo cho một nền kinh tế xanh. Nếu như cách đây 20 năm là câu chuyện của toàn cầu hóa thì ngày hôm nay, câu chuyện quay về xu thế chung là “green”, là kinh tế xanh. Và chúng ta khai thác lực đẩy của “xanh”, mượn lực đẩy đó để “hóa rồng”.

Thật ra, câu chuyện sáng tạo không phải câu chuyện mới nhưng trước xu hướng của thời đại, các DN cần hiểu vấn đề này một cách kỹ lưỡng hơn, mang tính hành động rõ ràng hơn, cũng như câu chuyện về tính khẩn trương mà các DN cần phải nhìn nhận. Nó không phải là một tương lai xanh, mà nó là câu chuyện của hai năm Covid-19 và hậu Covid-19 từ cuối năm 2021 kéo dài sang năm 2022. Khi đó, chúng ta đã thấy câu chuyện của DN đổi mới, sáng tạo mới, nó đã tạo ra sự khác biệt rất rõ rệt cho các DN vẫn đi theo mô hình tăng trưởng cũ.

Ở cấp quốc gia, hiện nay thu nhập GDP đầu người của Việt Nam bắt đầu tiến tới ngưỡng gần 4.000 USD và như vậy, chúng ta đã bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Và làm sao để thoát ra được mức thu nhập trung bình là một câu hỏi lớn.

Từ năm 1960-2008, thống kê có khoảng hơn 10 nước có thu nhập trung bình nhưng chỉ có 10 nước, trong đó châu Á có 5 nước thoát ra khỏi vùng thu nhập trung bình, trở thành các nước có thu nhập cao. Và như vậy, chúng ta không thể nói mãi về câu chuyện thu nhập trung bình nữa. Nếu cứ lấy lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam của 10 năm trước và vẫn chỉ là những câu chuyện nhân công rẻ của dệt may, đồ gỗ thì trong thời đại này, lợi thế này sẽ không còn giá trị.

Việt Nam cần phải có những sản phẩm có giá trị cao hơn. Có rất nhiều DN dựa trên những tài nguyên về con người, dựa trên lợi thế về kinh doanh trong thời đại dương xanh của 20 năm trước, của 10 năm trước và phát triển, có cảm giác như mình đang tiến tới đường tiệm cận và nếu vượt qua đường tiệm cận đó thì đi tiếp vào tương lai.

Đây cũng là một câu hỏi rất lớn trong thời đại mới. Chúng ta phải đổi mới DN như thế nào, làm gì để tạo ra được những câu chuyện mới, những mô hình tăng trưởng mới, những năng lực mới hoặc phải khai thác những tài nguyên mới để cuối cùng có một mô hình mới bứt phá lên như thế nào. Đây là một đầu bài lớn mang tính sống còn, cũng như là mang tính chiến lược ở tầm vĩ mô và vi mô. Những DN càng lớn, đi càng nhanh, càng cảm nhận được mình đang tiến tới gần đường tiệm cận sẽ dễ dàng thực hiện cú nhảy qua đường tiệm cận và phát triển.

Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp tại TP.HCM tiên phong về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, nhưng còn khá đơn lẻ. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động cũng như cần có sự hỗ trợ để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, chủ động áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó đồng thời góp phần xây dựng, phát triển nền kinh tế xanh tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế xanh: Lực đẩy “hóa rồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO