Giao thông TP.HCM: Cần chính sách đồng bộ

Trần Hải - Đức Trung - Minh Quân| 26/05/2021 04:11

Để các dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM sớm thực hiện đồng bộ, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng nâng tỷ lệ ngân sách được giữ lại cho thành phố từ 18% lên 23% giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù có được duyệt giữ lại tỷ lệ ngân sách 23% thì Thành phố cũng cần có nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể phát huy hiệu quả của nguồn tiền này cho các mục tiêu phát triển.

Giao thông TP.HCM: Cần chính sách đồng bộ

Phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM cần cả tiền và chính sách

Đột phá phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030, với mục tiêu đồng bộ và mở rộng không gian phát triển kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bổ dân cư. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn với những giải pháp đồng bộ.

Bài 1: Giao thông kết nối, vì sao chậm?

Bài 2: Chậm ngày nào, thiệt ngày đó

Không đầu tư dàn trải

Theo ThS-KTS. Nguyễn Văn Châu - chuyên gia kiến trúc - quy hoạch đô thị, tốc độ phát triển hạ tầng kiến trúc - giao thông của TP.HCM thời gian qua đáng ghi nhận, nhiều công trình hạ tầng, giao thông được xây dựng, cải tạo liên tục. Tuy nhiên sự thay đổi, chuyển mình các dự án vẫn còn quá chậm so với sự phát triển của xã hội nhất là dân số tăng quá nhanh. Hiện TP.HCM muốn nâng tỷ lệ ngân sách giữ lại từ 18% lên 23% nhưng dù có được "duyệt" giữ lại tỷ lệ ngân sách 23% thì Thành phố cũng cần có nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể phát huy hiệu quả của nguồn tiền này cho các mục tiêu phát triển.

Cũng theo ông Châu, sự phát triển của TP.HCM nhìn bề ngoài thấy hào nhoáng nhưng lại không đồng bộ. Đơn cử, mặc dù hệ thống ngầm vẫn thường xuyên được bảo trì (nạo vét, hút, vớt rác...) nhưng đa số là làm bằng thủ công. Công nhân ngụp lặn xuống cống để múc lên từng xô rác, bùn... Như vậy, phải thay đổi cách làm việc, cách xử lý càng sớm càng tốt, nhất là phải áp dụng công nghệ, khoa học vào. Muộn còn hơn không. Bên cạnh đó, để Thành phố phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế cần nhiều thời gian trong đó yếu tố con người là mấu chốt.

giao-thong-9320-1621999252.jpg

Về nguồn ngân sách của Thành phố, ông Châu cho rằng đang được đầu tư khá dàn trải và có vẻ... phân bổ không cân đối. Với những thành phố, địa phương có tiềm năng, có đóng góp nhiều cho ngân sách thì cần một chính sách riêng để giúp cho địa phương đó phát triển bền vững. Đầu tàu chỉ phát huy sức mạnh của mình tốt khi được bảo dưỡng thường xuyên và nhất là có thời gian phục hồi. Cần siết lại những địa phương dùng ngân sách để đầu tư vào các công trình hoành tráng nhưng lại tương phản với đời sống người dân tại địa phương đó; hay là đầu tư vào hạ tầng quá lớn mất cân đối so với nhu cầu ít ỏi của người dân. 

"Khi xác định rõ nhu cầu thật và ảo của từng địa phương thì Chính phủ mới có con số hợp lý cho từng địa phương. Biết đâu, lúc đó con số giữ lại cho Thành phố lớn hơn 23% mới hợp lý", ông Châu nhấn mạnh.

Để TP.HCM đạt mục tiêu hướng đến trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, ông Châu nói thêm: "Thành phố cần một sự thay đổi bứt phá khỏi lối mòn, tư duy làm việc bao lâu nay. Sự chậm chạp trong xử lý thông tin, trong ứng phó với thay đổi của xã hội và sự phát triển của các khu dân cư làm cho các cơ quan quản lý luôn ở thế bị động. Nếu Thành phố cứ phát triển theo kiểu vết dầu loang như hiện nay với tâm điểm là các cụm ngập, kẹt... thì khó mà trị khỏi các bệnh nan y của đô thị hiện nay. Như vậy, nên tách hẳn ra các khu đô thị mới, không ngập và xây dựng một khu đô thị kiểu mẫu đúng nghĩa. Người dân và nguồn tiền đầu tư sẽ hút về đó ngay. Chuyện thành trung tâm tài chính chỉ là vấn đề thời gian".

Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM TS-KS. Võ Kim Cương cũng cho rằng, Thủ tướng đã ủng hộ chủ trương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23% cho TP.HCM nhưng quan trọng là Thành phố phải cân nhắc, thay đổi hướng đầu tư vào các dự án phù hợp, không dàn trải và không nên rải nguồn lực tài chính ra các dự án chưa cần thiết đầu tư lúc này. Thay vào đó, nên đầu tư vào các dự án sinh lợi tốt nhất để phát triển kinh tế, tạo sự đột phá cho TP.HCM và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Ví dụ, hiện nay cần ưu tiên đầu tư trước vào đường Vành đai 2 để phát triển hạ tầng Thành phố. Song song đó, Thành phố cũng cần thay đổi Luật Đất đai, trong đó có Luật Chống đầu cơ và khai thác quỹ đất hạ tầng

"Giải pháp cần nhất lúc này là Thành phố cần ưu tiên các dự án mở rộng cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng quốc lộ 22... Khi đã chọn được công trình ưu tiên thì tập trung nguồn vốn, chuẩn bị mặt bằng sạch làm cho xong từng dự án, không nên đầu tư dàn trải. Thực tế, quá trình thỏa thuận, bồi thường hiện nay qua quá nhiều bước rất mất thời gian. Vì vậy, Thành phố cần vận dụng tốt hơn nữa Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố để có những chính sách quyết liệt, có cơ chế mới trong công tác giải phóng mặt bằng. Các địa phương cam kết thời hạn giải phóng mặt bằng, trường hợp chậm trễ phải chịu trách nhiệm. Các đơn vị phải cùng quyết tâm làm tới nơi tới chốn thì giao thông Thành phố mới có thể cải thiện được.

Đồng bộ quy hoạch, ứng dụng công nghệ

Kiến nghị giải quyết bài toán ách tắc giao thông của TP.HCM, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, cần triển khai sớm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đầu tư trang thiết bị, camera giám sát, kết hợp phân luồng, cải tạo các nút giao thông cho phù hợp và đồng bộ. Bởi nếu không đồng bộ, sẽ dồn vị trí ách tắc từ chỗ này sang chỗ khác. Song do nguồn lực hạn chế, trước hết triển khai khu vực nào "nóng nhất" rồi tạo tính lan tỏa. Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất UBND TP.HCM danh mục các dự án đầu tư công trong lĩnh vực đô thị thông minh, tập trung nghiên cứu để triển khai ứng dụng AI trong việc quản lý, điều hành giao thông trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông; tăng cường giám sát, phát hiện tự động các hành vi vi phạm giao thông trên đường; quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông...

Tỷ lệ phần trăm ngân sách được giữ lại của 63 tỉnh, thành phố năm 2021 (nguồn: https://vneconomy.vn/)

Tỷ lệ phần trăm ngân sách được giữ lại của 63 tỉnh, thành phố năm 2021 (nguồn: https://vneconomy.vn/)

Trong điều kiện ngân sách thành phố còn chưa đủ để triển khai đồng bộ các dự án, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng kiến nghị: "Hiện nay, các điều kiện hạ tầng bao gồm dịch vụ cấp thoát nước, giao thông, trường học, bệnh viện tại Thành phố đã ổn định. Nếu có thêm các dự án cao tầng sẽ khiến hạ tầng bị quá tải. Khi đó, Thành phố cần phải làm lại hạ tầng mới để đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng sẽ rất khó khăn và ngân sách thành phố cũng không đủ để liên tục nâng cấp hạ tầng. Do đó, việc siết chặt dự án xây nhà cao tầng trong khu trung tâm và ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng tại quận 7, thành phố Thủ Đức... là hết sức cần thiết. 

GS-TSKH. Lê Huy Bá - chuyên gia đô thị - môi trường cho rằng, TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng ngập do thời tiết, triều cường nặng nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước. Thành phố có nhiều dự án xây nhà cao tầng, chung cư nhưng không đầu tư hệ thống thoát nước nên không thể giải quyết triệt để thực trạng ngập nước, thậm chí các điểm đã hết ngập vẫn có nguy cơ tái ngập.

Để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, Thành phố cần tháo gỡ được những vấn đề khó khăn về nguồn lực và quan tâm tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao. Làm được những điều này, nhất định phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia. 

-----------------------------

Ong-Lam-Dinh-Thang-8789-1621999253.jpg

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM: "Cần sự chung tay của các nguồn lực"

Nằm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố. Theo đó, đến năm 2030, TP.HCM sẽ đổi mới toàn diện thành chính quyền, doanh nghiệp và xã hội số.

Việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ giúp Thành phố phát triển nhanh và bền vững, cũng như tăng năng suất lao động và là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. 

Muốn thực hiện điều này, đầu tiên phải đổi mới nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Tiếp đó là việc phát triển hạ tầng và dữ liệu. Trong đó, Thành phố tiếp tục phát triển các nền tảng số như nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, kết nối dịch vụ số hóa và chuỗi khối (blockchain)... Thành phố sẽ tiếp tục triển khai kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở và số hóa dữ liệu. Ngành y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực sẽ được chú trọng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Thành phố còn phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và tăng cường hợp tác quốc tế.

Khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội số phải xác định được các giải pháp và đổi mới nhận thức cho các cơ quan, người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, việc nhận thức và cách thực hiện ở các nơi còn chưa đồng đều và chưa đáp ứng đúng tầm quan trọng. Người tham gia phải có tư duy, cách làm mới, dám thích ứng với sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từng cá nhân, tổ chức phải qua quá trình đào tạo, tự học, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, người đứng đầu của mỗi tổ chức cần có tinh thần trách nhiệm, chủ động và sáng tạo.

Như vậy, Thành phố xác định chương trình chuyển đổi số là nội dung cốt lõi cho sự phát triển.Tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào cấp độ số hóa của từng lĩnh vực kinh tế và sự sẵn sàng của các công cụ nền tảng. Thành phố sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, hỗ trợ kinh doanh và doanh nghiệp để thúc đẩy sự chuyển đổi của chính họ.

Tuy nhiên, để chương trình chuyển đổi số mang lại hiệu quả, doanh nghiệp cần tham gia cùng chính quyền đóng góp ý kiến vào các chương trình thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông cần tập trung phát triển các công nghệ số nền tảng và công nghệ lõi. 

(Huyền Nguyễn ghi)

------------------------------

Ong-Pham-Anh-Tuan-5252-1621999253.jpg

Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế cảng, Kỹ thuật biển: "Thêm chính sách ưu tiên để tăng chất lượng dịch vụ cảng"

"Hiện nay, hoạt động trung chuyển container chiếm khoảng 30% tổng khối lượng container vận tải biển toàn cầu. Việt Nam đã đề ra chiến lược biển mà một trong những trụ cột là kinh tế hàng hải và trong tương lai các cảng đầu mối của ta sẽ hướng tới hoạt động trung chuyển quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu là các cảng trung chuyển quốc tế, vị trí hay cơ sở hạ tầng cầu cảng thôi cũng không đủ mà cần có thêm nhiều chính sách ưu tiên, phát triển các yếu tố khác như năng lực xếp dỡ, số lượng bến container, cước phí cảng, chất lượng dịch vụ cảng... Bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ bên ngoài như vị trí địa lý cảng so với tuyến hàng hải quốc tế, khả năng kết nối của cảng với mạng lưới cảng toàn cầu trong chuỗi cung ứng vận tải biển, mức độ thông thoáng các thủ tục, hạ tầng giao thông kết nối sau cảng, các tuyến hàng hải cho các tàu Feeder kết nối đến cảng. Tiếp đến là các yếu tố có tính hỗ trợ cho các hãng tàu và chủ hàng như khả năng tiết kiệm chi phí hoạt động cho các hãng tàu khi đến cảng, năng lực của các đại lý vận tải biển, số lượng lớn các nhà khai thác tàu trung chuyển, các đại lý, môi giới, bảo hiểm hay các dịch vụ tài chính ngân hàng đi kèm và sự quan tâm đầu tư dành cho các khu cảng container... 

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển trong thời đại 4.0 cần được áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) và các giải pháp công nghệ khác cho phép các cảng biển trở nên thông minh hơn về quản lý dòng lưu lượng, thông tin tình hình thực tế và nhu cầu khách hàng. Những công nghệ đột phá trong thời đại 4.0 như robot và tự động hóa, xe tự hành trong khai thác cảng, IoT và xử lý Big Data sẽ trở thành những tác nhân không thể thiếu, đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển thế hệ cảng mới. Số hóa cơ sở hạ tầng cảng là việc hoàn toàn thực hiện được như Portcoast đã số hóa một số bến cảng tại Cái Mép - Thị Vải. 

(M.Quân ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao thông TP.HCM: Cần chính sách đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO