Phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt trong xây dựng nền văn hóa đất nước

Quân Đặng| 12/11/2022 03:00

Ngày 11-12/11/2022, diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 5 được tổ chức tại TP.Bến Tre với chủ đề “Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch”.

Phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt trong xây dựng nền văn hóa đất nước

Khai mạc diễn đàn "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2022"

Diễn đàn "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 5, năm 2022" do Trung ương Đoàn tổ chức, với sự tham gia của 180 đại biểu trí thức trẻ đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và Việt Nam đang học tập, làm việc và có các đề tài nghiên cứu với các giải pháp, sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của diễn đàn.

Các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp vào 4 nhóm lĩnh vực gồm: kinh tế, công nghệ, văn hóa và y tế. Nổi bật trong số này là vấn đề “Phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế".

Tại buổi thảo luận, đáng chú ý có 5 bài trình bày về những thách thức đối với ngành du lịch sau đại dịch, đó là lượng khách quốc tế giảm mạnh; sự thay đổi về nhu cầu tiếp cận văn hoá của khách nội địa; nhu cầu chuyển đổi sang mô hình du lịch/văn hoá số và du lịch thông minh gắn liền với bảo tồn văn hoá.

Đi kèm với những thách thức còn là cơ hội phát triển văn hoá - du lịch sau đại dịch mà chúng ta cần nắm bắt, khi có sự ra đời của các mạng lưới, trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên khắp cả nước và quốc tế, tạo nên khả năng kết nối phát triển vô hạn của văn hoá du lịch.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam trong thời kỳ công nghệ 4.0, định hướng áp dụng công nghệ trong nền sản xuất sáng tạo gắn với văn hoá truyền thống cũng là một cơ hội lớn của ngành. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nền kinh tế số và kinh tế trải nghiệm nhằm mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết vấn đề du lịch bền vững. 

-5972-1668223906.jpg

Tổ thảo luận về chủ đề bảo tồn và phát triển văn hoá Việt Nam. 

Nhiều đề xuất đã được đóng góp nhằm giải quyết các thách thức trên, như coi văn hoá là ‘sợi chỉ đỏ’ xuyên suốt gắn kết nhiều thế hệ; xây dựng các mô hình giao lưu, trao đổi văn hoá, du lịch; củng cố và nâng cao ý thức quốc gia - dân tộc, phát triển kinh tế phải phù hợp và gắn kết với văn hoá; mở rộng việc dạy tiếng Việt trực tuyến cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức các chương trình giữ gìn văn hoá Việt Nam tại nước ngoài thông qua ẩm thực và ngôn ngữ Việt; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá "hoà nhập mà không hoà tan"; kết nối tri thức, mỗi người sẽ là một tuyên truyền văn hoá.

Qua báo cáo kết quả thảo luận, có thể thấy rằng các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự sáng tạo, hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, thể hiện sự tâm huyết thông qua các ý kiến góp ý, các đề xuất, khuyến nghị cụ thể. Các đại biểu tham dự diễn đàn đã được trao đổi, chia sẻ về những kỹ năng, kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cập nhật của Việt Nam và thế giới.

Được khởi xướng từ năm 2018, sau 4 lần tổ chức, diễn đàn đã thu hút 817 đại biểu chính thức trong và ngoài nước, đưa ra 1.000 đề xuất, khuyến nghị gắn với chủ đề của các diễn đàn và các nội dung thảo luận.

Từ các diễn đàn này đã hình thành Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với hơn 1.000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu về cơ khí; tự động hoá, nông nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghệ giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ y tế 4.0, nghiên cứu hành vi của thanh thiếu niên…Thông qua diễn đàn, một số dự án đã nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt trong xây dựng nền văn hóa đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO