Công nhận hội đặc thù: "Áo mới" cho hội

XUÂN LỘC| 11/03/2014 02:00

Công nhận hội đặc thù sẽ giúp hiệp hội có thêm biên chế và kinh phí hoạt động cũng như hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp (DN).

Công nhận hội đặc thù:

Công nhận hội đặc thù sẽ giúp hiệp hội có thêm biên chế và kinh phí hoạt động cũng như hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp (DN).

Đọc E-paper

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có khoảng 400 hiệp hội DN hoạt động. Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, đã có những hiệp hội hoạt động hiệu quả, là chỗ dựa đáng tin cậy cho các DN thành viên. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết chưa nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ hiệp hội nên không thiết tha với tổ chức hội.

Thực tế, một trong những mục tiêu lớn nhất khi thành lập hiệp hội là nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên. Để làm được điều đó, hiệp hội phải am hiểu các chính sách, pháp luật trong và ngoài nước để có thể giúp DN có đủ các thông tin về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình khi tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh với các DN khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VCCI, năng lực tư vấn pháp luật, chính sách cho các hội viên của hiệp hội vẫn còn hạn chế. Đáng lưu ý hơn, đây lại là hoạt động không thường xuyên của các hiệp hội.

Theo các chuyên gia nghiên cứu hoạt động hiệp hội DN của VCCI, hoạt động của hiệp hội cũng như nhiều tổ chức khác cần có một nền tảng vững chắc về tài chính và cơ sở vật chất.

Cụ thể là mức độ bền vững của nguồn ngân sách hằng năm cho các hoạt động của hiệp hội, mức độ ổn định về trụ sở văn phòng, trang thiết bị văn phòng, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội. Hiện nay, nguồn thu chính của hầu hết các hiệp hội DN tại Việt Nam là từ nguồn hội phí eo hẹp thu từ hội viên.

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP. Cần Thơ, trong năm 2014, các hiệp hội DN rất cần có chương trình hoạt động chung để qua đó thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động hội thực tế từng địa phương. Trong đó có việc xây dựng, tổ chức các sự kiện gây quỹ hoạt động hiệp hội như tổ chức hội chợ, kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm.

Chính vì thiếu kinh phí hoạt động, các hiệp hội DN không thể thực hiện hiệu quả các chức năng do thiếu nguồn lực cần thiết, thiếu cán bộ chuyên trách...

Tại Hội nghị tổng kết chương trình Liên kết hợp tác năm 2013 giữa Hiệp hội DN các tỉnh, thành phía Nam và ký kết Chương trình Liên kết hợp tác năm 2014, lãnh đạo 13 Hiệp hội DN các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắc Nông vừa đồng kiến nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận hiệp hội DN các tỉnh, thành phố là tổ chức hội đặc thù.

Trong khi chờ sự chấp thuận của Thủ tướng, các Hiệp hội DN 13 tỉnh, thành phía Nam đã xây dựng và thỏa thuận ký 6 chương trình hợp tác nhằm đủ sức hỗ trợ DN thành viên phát triển, góp tiếng nói chung trong các kiến nghị xây dựng chính sách cho tổ chức hội.

Kết quả là mới đây, Hiệp hội DN tỉnh Trà Vinh là hiệp hội DN đầu tiên được công nhận là hội đặc thù, giúp hội thêm biên chế, thêm kinh phí hoạt động, giảm khó khăn trong tình hình vận động kinh phí quá khó hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nhận hội đặc thù: "Áo mới" cho hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO