Cộng đồng kinh tế ASEAN: Áp lực ở thị trường 2.000 tỷ USD

DUY KHUÊ| 14/05/2014 09:17

Trước thời điểm Việt Nam chính thức bước vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC), nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại sẽ "chết trước khi thấy bình minh".

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Áp lực ở thị trường 2.000 tỷ USD

Trước thời điểm Việt Nam chính thức bước vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC), nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại sẽ "chết trước khi thấy bình minh".

Đọc E-paper

Tại hội thảo chủ đề "Giải pháp liên kết xuất nhập khẩu trước thềm ASEAN+" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp tổ chức, có nhiều ý kiến thể hiện sự quan ngại từ phía DN trước vấn đề Việt Nam chính thức gia nhập sân chơi AEC.

Chẳng hạn, đại diện DN sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh thuốc thú ý dành cho ngành thủy sản, chia sẻ, để sản xuất một loại thuốc mới, DN phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm để làm khảo nghiệm và xin cấp phép theo chuẩn GMP. Theo DN, đây là quãng thời gian quá dài, đến mức khi sản phẩm của họ đem chào bán thì thị trường đã có hàng loạt sản phẩm tương tự được nhập khẩu vào Việt Nam. "Nhà nước đang đi ngược với việc khuyến khích DN tham gia sản xuất thay vì nhập khẩu hàng hóa về bán", vị đại diện DN nói.

Ngoài ra, vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng khá nan giải. Theo các DN, họ không thể sản xuất một sản phẩm "Made in Việt Nam" hoàn toàn 100%, vì không thể tìm được nguyện phụ tùng trong nước hoặc có thì giá bán cũng rất cao. Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cận kề thì doanh nghiệp vẫn gần như mất phương hướng, các cơ quan hữu quan chưa giải quyết rốt ráo các thủ tục về hải quan, thuế...

Trước nhiều nghi ngại từ phía DN, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cho rằng, DN tham gia sản xuất thuốc thú y nên có sự cân nhắc khi làm một mặt hàng nào đó. Cụ thể là xem xét trước mặt hàng muốn sản xuất có nguy cơ nhập khẩu nhiều không. Theo ông Thành, cơ hội nằm một phần ở các nhà hoạch định chính sách, nhưng DN phải tự cân nhắc ở từng cơ hội và thay đổi cho phù hợp.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, khi AEC thành lập, DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm dịch vụ, đầu tư của các DN có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm và có ưu thế về dịch vụ trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Do đó, việc năng lực DN trong nước không đáp ứng đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ cũng có thể là một trở ngại làm DN Việt Nam không thể hưởng ưu đãi về thuế đã được cắt giảm.

AEC sẽ cộng hưởng nền kinh tế 10 quốc gia thành viên gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Bruney, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia tạo thành khối sản xuất, thương mại và đầu tư trên thị trường lớn khoảng 600 triệu người với tổng sản lượng (GDP) hằng năm đạt khoảng 2.000 tỷ USD.

Điển hình, đối với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2015, cơ bản các mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế quan trong khuôn khổ này và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. Tuy nhiên, chính sách mở cửa và quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại hàng hóa cũng gây ra không ít những thách thức gay gắt cho DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Ở góc độ chuyên gia, ông Võ Trí Thành nói thêm, khi bước vào sân chơi lớn, DN phải biết chấp nhận cạnh tranh cùng học hỏi kết nối. Điều này có nghĩa, DN phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh "bằng giá” sang chú trọng cạnh tranh "phi giá” (gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch...). Còn theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch HUBA, để tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, các nước thành viên cần liên tục cải cách quy tắc xuất xứ, đưa những điều chỉnh cần thiết để thích ứng với những thay đổi trong quy trình sản xuất toàn cầu.

Cộng đồng kinh tế ASEAN là viễn cảnh mà các DN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung phải hướng tới. Tuy nhiên, theo ông Thành, để làm tốt điều này cần phải thấy rõ vai trò của Chính phủ cụ thể trong các vấn đề về hài hòa các tuyến hội nhập về cải cách, phát triển; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế đáp ứng cam kết TPP, RCEP, VN-EU, FTA... Ngoài ra cần xây dựng "hình ảnh" tốt về ứng xử nhà nước - chính phủ trong phục vụ công dân, minh bạch, có khả năng giải trình, đối thoại và có trách nhiệm quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cộng đồng kinh tế ASEAN: Áp lực ở thị trường 2.000 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO