CSR: Đầu tư hay từ thiện?

MINH HÀO| 05/08/2014 06:02

Không còn là gánh nặng, đầu tư vào trách nhiệm xã hội (CSR) đang giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN). Bởi thế, gần như các DN Việt đều đẩy mạnh hoạt động này như sự đầu tư bền vững hơn là những hoạt động có tính chất từ thiện.

CSR: Đầu tư hay từ thiện?

Không còn là gánh nặng, đầu tư vào trách nhiệm xã hội (CSR) đang giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN). Bởi thế, gần như các DN Việt đều đẩy mạnh hoạt động này như sự đầu tư bền vững hơn là những hoạt động có tính chất từ thiện.

Đọc E-paper

Từ sữa đến bia

Trong hai tháng qua, hàng loạt chương trình từ thiện xã hội hướng đến cộng đồng đã được các DN triển khai trong cả nước. Cụ thể, ngày 31/7, chương trình "Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam" do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Công ty Vinamilk phát động đã tổ chức trồng 40.000 cây xanh tại Khu di tích đồi Độc Lập và một số địa danh khác của tỉnh Điện Biên.

Sẽ có 120.000 - 150.000 cây xanh được trồng trên cả nước từ chương trình này. Trước đó một tuần, Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam của Vinamilk cũng đã trao hơn 72.000 ly sữa cho trẻ em tỉnh Quảng Trị, nâng tổng số sữa công ty này trao cho trẻ em là gần 22 triệu ly (khoảng 83 tỷ đồng).

Nếu như Vinamilk hướng các hoạt động đến trẻ em thì Công ty Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) lại hướng đến nam giới.

Để kêu gọi mọi người uống bia có trách nhiệm, VBL đã bỏ ra nguồn kinh phí khá lớn lắp đặt các bảng tuyên truyền (thay đổi nội dung định kỳ) trên các giao lộ, tuyến đường chính tại 5 thành phố lớn: Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Tiền Giang và Cần Thơ. Không chỉ vậy, VBL phối hợp với Ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức các cuộc thi trên website www.uongcotrachnhiem.com.vn và fanpage www.facebook/uongcotrachnhiem.com.vn. Thậm chí, VBL còn dán nhãn in thông điệp "Đã uống thức uống có cồn thì không được lái xe" lên nhãn sản phẩm...

Trong lĩnh vực bán lẻ, các thương hiệu như Co.opmart, Metro, Big C... cũng đẩy mạnh các hoạt động CSR hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm xanh. Trong tháng 6 vừa qua, Saigon Co.op tổ chức "Tháng tiêu dùng xanh" trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart.

Khi người tiêu dùng phân loại và chuyển rác vô cơ cho siêu thị Co.opmart sẽ được mua sản phẩm xanh giá rẻ hơn thị trường. Trong khi đó, những nhà sản xuất có sản phẩm xanh sẽ được ưu tiên ở những vị trí đẹp để tăng sự nhận biết đối với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, tiêu dùng xanh đang là xu hướng phổ biến trên thế giới nhằm hướng cộng đồng vào việc tiêu dùng, sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

"Đây là cách thể hiện trách nhiệm xã hội của DN mà mục tiêu chính là giữ cho DN không đi quá đà, không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua tác động tiêu cực đối với các thành phần khác trong xã hội", ông Nhân nói.

Trong khi đó, hệ thống Metro tổ chức các lớp huấn luyện giúp nông dân sản xuất sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, Metro còn tổ chức các hội thảo hướng dẫn sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo ông Erik Heens, Giám đốc Hoạt động Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, chỉ có những DN phát triển theo hướng bền vững mới có thể tồn tại lâu dài. Vì thế, Metro cũng như các DN sản xuất phải là những đơn vị đi đầu trong vấn đề sử dụng năng lượng có hiệu quả để tạo hiệu ứng dây chuyền.

Để kêu gọi DN sử dụng năng lượng hiệu quả, hai năm qua, Metro đã ứng dụng hệ thống chiếu sáng tự nhiên và đã tiết giảm được 300 triệu đồng tiền điện/năm/một trung tâm. Hơn thế, với hệ thống chiếu sáng này, mỗi trung tâm của Metro mỗi năm đã giảm gần 220 tấn khí CO2 thải ra môi trường.

CSR tạo ra doanh thu

Theo các chuyên gia, hiện nay, CSR đang được xem là chìa khóa giúp DN phát triển bền vững và tạo được uy tín thương hiệu. Không những thế, CSR còn là nguồn tăng trưởng doanh thu tiềm năng cho DN bởi những hoạt động này mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN, tạo sự phản hồi tích cực từ khách hàng và đối tác của công ty.

Một khảo sát mới công bố của Nielsen cho thấy, gần 3/4 người Việt được hỏi khẳng định sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường. Cụ thể, có đến 73% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ các DN quan tâm đến cộng đồng và môi trường.

Hơn thế, đến 68% người Việt được hỏi cho biết đã mua hoặc sử dụng ít nhất một sản phẩm hay dịch vụ từ DN có hoạt động CSR trong 6 tháng đầu năm 2014.

Vinamilk với những hoạt động trên và chiến lược marketing tốt đã giúp Công ty dẫn đầu thị trường sữa nhiều năm liền. Hiện Vinamilk đứng trong top 200 DN lớn nhất châu Á. Năm 2013, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng Vinamilk vẫn đạt doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm trước.

Lợi nhuận sau thuế cũng đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2012. Tương tự, cách khuyến khích tiêu dùng sản phẩm xanh của Saigon Co.op một mặt mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, mặt khác khuyến khích DN sản xuất chuyển đổi công nghệ để tạo ra những sản phẩm không gây hại cho môi trường.

Đây cũng chính là một trong những lý do để Tạp chí Bán lẻ châu Á và Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International bình chọn Co.opmart là Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Hiện Saigon Co.op đã phát triển được chuỗi bán lẻ rộng khắp, hằng ngày cung cấp 4 triệu sản phẩm đến người tiêu dùng và đón tiếp 300.000 lượt khách hàng mua sắm.

Khảo sát của Tập đoàn IBM công bố năm 2013 cho thấy, trên 68% DN cho biết, CSR có vai trò quan trọng trong việc tạo ra doanh thu cho DN. Vì vậy, CSR đang được xem là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của DN hơn là những quy định hay hoạt động từ thiện bắt buộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CSR: Đầu tư hay từ thiện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO