Nhưng để "đón nắng", điều tất yếu là chúng ta không thể chỉ ngồi chờ. Tôi cho rằng trước khi mưu cầu những điều tốt đẹp, chính bạn phải là người cho đi những giá trị tốt đẹp tương đương. Là một nhà khởi nghiệp, tôi hiểu rằng người tiêu dùng ngày nay có ý thức xã hội rất cao. Theo một cuộc khảo sát của Futerra, khoảng 88% người tiêu dùng nói rằng họ thích mua hàng hóa và dịch vụ từ các công ty thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR).
CSR (danh từ) là viết tắt của từ tiếng Anh Corporate Social Responsibility, được hiểu nôm na là những hoạt động đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp. Thuật ngữ CSR được phổ cập bởi nhà kinh tế học Howard Bowen trong quyển Social Responsibilities of the Businessman (Trách nhiệm xã hội của doanh nhân), được ông viết vào năm 1953.
Riêng với các doanh nghiệp của mình, tôi sáng tạo khái niệm SSR (Startup Social Responsibility), đồng thời S ở đây còn mang hàm nghĩa là SME (các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa). Nhưng dù được gọi là gì đi nữa, thì chung quy vẫn là ý thức và hành động vì xã hội của mọi doanh nghiệp.
Kim chỉ nam thực hiện trách nhiệm xã hội của chúng tôi trước hết là thông qua giáo dục. Chúng tôi cho rằng, giáo dục vừa là nơi ươm mầm, vừa là bệ phóng cho sự phát triển về sau của lực lượng lao động, mà rộng ra là kinh tế nước nhà. Hướng đến một nền giáo dục tiến bộ và khai phóng chính là hướng đến một nền kinh tế hội nhập và bền vững.
"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân" (Lão Tử). Với khát vọng góp phần cải thiện chất lượng lao động trong tương lai, chúng tôi đưa đội ngũ lãnh đạo có chuyên môn, nghiệp vụ cao tham gia đào tạo kiến thức, kỹ năng mềm cho sinh viên các trường đại học (trong khu vực); hỗ trợ tuyển sinh; hỗ trợ kiểm định (AUN-QA); tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các sinh viên năm 1-2 kiến tập, sinh viên năm 3-4 thực tập tại doanh nghiệp.
Song song đó, chúng tôi còn mang trong mình một hoài bão tuy có phần "quá khổ” so với quy mô doanh nghiệp thời điểm hiện tại, đó là trở thành một "điểm tựa" vững chắc đảm bảo cơ hội việc làm cho các sinh viên mới ra trường (nhóm ngành kinh tế) trong khu vực. Thế nhưng, chúng tôi tin rằng hoài bão ấy chính là ngọn hải đăng soi đường, để chúng tôi kiên định với phương hướng phát triển của doanh nghiệp.
Giai đoạn trưởng thành của một startup không thể thiếu đi sự cống hiến những giá trị thiết thực cho xã hội. Tuy câu chuyện doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội là không mới, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức tốt sự quan trọng và những lợi ích thiết thực mà nó mang lại. Một chiến lược CSR hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp củng cố danh tiếng, gia tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển giá trị và hình ảnh thương hiệu.
Đặc biệt, đối với các SME, đây là cơ hội tốt giúp đem lại nguồn nhân sự chất lượng, phù hợp với văn hóa và quy trình làm việc tại doanh nghiệp (vì đã có sự tương tác nhất định trước đó giữa doanh nghiệp và sinh viên). Đồng thời, sự có mặt của các thực tập sinh còn góp phần trau dồi và phát triển kỹ năng đào tạo của các nhân sự sẵn có ở doanh nghiệp, thúc đẩy họ liên tục học hỏi và hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng.
Tại doanh nghiệp của chúng tôi, có một số nhân viên với xuất phát điểm là thực tập sinh, sau nhiều nỗ lực đã vươn lên vị trí C-Level, là lực lượng nòng cốt của công ty. Và hiện tại, họ nằm trong nhóm những người truyền cảm hứng, chia sẻ lại kinh nghiệm cho các sinh viên đàn em đến với doanh nghiệp qua các buổi tham quan, kiến tập.
CSR không phải là một chỉ tiêu cần đạt, một hợp đồng với các điều khoản bắt buộc mà là một trong những cam kết tự nguyện của mỗi doanh nghiệp, nhằm gìn giữ và lan tỏa giá trị tốt đẹp cho xã hội. Các hoạt động CSR dễ dàng hay phức tạp, quy mô lớn hay nhỏ không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá mức độ tác động lên cộng đồng và xã hội. Điều này phụ thuộc vào chiến lược, tầm nhìn và cách thức thực hiện của mỗi doanh nghiệp.
Tựu trung, việc ý thức và thực hiện trách nhiệm xã hội không phải là khoe khoang về những điều tốt đẹp mà doanh nghiệp đã làm. Mà quan trọng hơn hết là nó đã giúp ích được gì cho nhóm đối tượng mà doanh nghiệp hướng tới. Tôi tin rằng, khi nào doanh nghiệp còn trung thực, minh bạch và chân thành với những ý niệm tốt đẹp của mình thì khi ấy những hành động thể hiện trách nhiệm xã hội chắc chắn sẽ tạo được tác động tích cực, vươn đến việc trở thành hình mẫu cho sự phát triển bền vững, nhân văn và tiến bộ trong tương lai.
(*) Tác giả là CEO HomeNext