Sáu cái màn hình menu tự phục vụ ốp tường rõ ràng là đang thay thế cho 6 nhân viên đứng quầy, vừa tiết kiệm nhân công, mặt bằng, thời gian, lại vừa tăng thêm doanh thu. Quá hay!
Nói chuyện với cái máy coi vậy mà thân thiện và thong thả hơn nhiều so nói chuyện với nhân viên bằng da bằng thịt nhưng lại nói nhanh như cái máy. Chưa kể nhiều người phát âm các món ăn trên bảng mà không rõ, còn bị hỏi đi hỏi lại khá bất tiện.
Như món burger kẹp gà rán Zinger của KFC chẳng hạn, nếu không phải là người bản xứ thì dễ phát âm thành “Zin-guh” thay vì “Zing-uh”. Còn món burger Baconator của Hungry Jack thì phải mở Google ra học trước, nếu không thì khỏi kêu luôn món đó cho nó lành.
Mà ngay cả người bản xứ cũng vậy, ngày càng có nhiều người không thích tiếp xúc hay nói chuyện nhiều với nhân viên, nhất là thời kỳ hậu Covid-19 cùng với sự bùng nổ của công nghệ.
Cho nên, đối với cái màn hình self-service thì không còn vấn đề gì nữa, cứ thong thả mà đọc, rà tới rà lui, để rồi đi đến tận cùng khả năng tiêu thụ của buổi ăn ngày hôm đó.
Bởi vậy cũng không có gì ngạc nhiên khi McDonald's công bố chính thức là doanh thu tính theo đầu người có được thông qua cách gọi món qua màn hình tự chọn cao hơn hẳn so với cách gọi món truyền thống tại quầy. Nghe nói doanh thu từ mô hình self-service này hiện nay chiếm trên 30% tổng doanh thu của chuỗi.
Câu chuyện này đã cũ nhưng nó vẫn nói lên nhiều điều để những người làm kinh doanh phải suy nghĩ. Đó là nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng là một chuyện, nhưng tìm ra phương cách đáp ứng và mang lại hiệu quả kinh doanh cho mình trong nhiều khía cạnh lại là một chuyện khác.