Gỡ vướng để thu hút làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc
Là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư tại TP.HCM nhưng các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc vẫn gặp nhiều vướng mắc trong đầu tư, sản xuất. Để thu hút làn sóng đầu tư mới từ quốc gia này, TP.HCM cần quyết liệt gỡ vướng…
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Phản ánh tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo TP.HCM chiều ngày 16/8/2023, các DN Hàn Quốc cho biết, vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục cấp phép lao động, giấy phép kinh doanh, vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ…
Theo ông Choi Bun Do - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM), sau cuộc đối thoại với lãnh đạo TP.HCM năm 2022, có 13/21 đề xuất vướng mắc của các DN Hàn Quốc được tháo gỡ, đặc biệt là phương án xử lý kịp thời vấn đề thu phí hạ tầng cảng biển. Tuy nhiên, vẫn còn 8 vướng mắc chưa được giải quyết, và từ đầu năm 2023 đến nay, KOCHAM ghi nhận thêm 15 vướng mắc mà DN Hàn Quốc gặp phải.
Cụ thể, Công ty Điện tử Samsung CE Complex gặp khó trong vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Ông Youn Chel Woon - Giám đốc Công ty Điện tử Samsung CE Complex cho biết, năm 2020 nhà máy Samsung SEHC đã xin phép chuyển đổi từ loại hình DN thông thường sang loại hình DN chế xuất (EPE). Đầu tháng 5/2021, nhà máy chính thức được phê duyệt trở thành DN chế xuất (EPE). Tuy nhiên, thời điểm trước và sau khi được chuyển đổi sang loại hình DN chế xuất đã phát sinh vấn đề hoàn thuế VAT. Đến nay, đã 2 năm công ty vẫn chưa được hoàn thuế VAT, tổng cộng khoảng 44 triệu USD (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng).
Tương tự, Công ty Samil Pharmaceutical cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề hoàn thuế VAT. Theo ông Kim Hui Chang - Tổng giám đốc Công ty Samil Pharmaceutical cho biết, DN đã đầu tư 92,5 triệu USD và đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy cũng như lắp đặt máy móc, thiết bị.
Sau khi hoàn thành, công ty đã nộp hồ sơ hoàn thuế VAT lên Cục thuế TP.HCM vào tháng 2/2023. Đến nay, công ty vẫn chưa được hoàn thuế mà lý do được Cục thuế TP.HCM thông báo là thiếu giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc chậm hoàn thuế khiến cômg tu gặp nhiều khó khăn về chi phí nghiên cứu và tuyển dụng chuyên gia.
Trong khi đó, Công ty Hansoll Vina lại gặp khó vì những sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu. Đại diện DN này cho rằng, với dự thảo sửa đổi quy định về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ của Việt Nam, các DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không còn được hưởng ưu đãi miễn thuế, dù DN được hưởng ưu đãi này trong thời gian qua thông qua hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ liên quan đến hoạt động gia công xuất khẩu.
Điều này sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho DN như tăng gánh nặng thuế quan, giảm khả năng cạnh tranh do tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí hoạt động của DN. Do đó, DN kiến nghị trước khi thực hiện việc sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ, các cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc những khó khăn mà các DN liên quan phải đối mặt.
Một khó khăn khác là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn khá nhỏ khiến DN Hàn Quốc khó tìm được nguồn cung nguyên liệu trong nước. Theo ông Choi Bun Do, hiện chỉ có 300/1.800 DN ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng các DN Hàn Quốc tại Việt Nam không tìm được đối tác cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện phù hợp nên buộc phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước khác. Do vậy, sản phẩm giảm sức cạnh tranh với các nước khác.
Tiếp tục cải thiện để đón đầu tư
Những vấn đề trên không chỉ gặp tại TP.HCM mà ở nhiều địa phương khác cũng thế. Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hồi cuối tháng 6 vừa qua, các DN Hàn Quốc cũng kiến nghị Việt Nam cần thay đổi môi trường đầu tư minh bạch hơn.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức so với ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Thủ tục hành chính còn bất cập, sức mua giảm, tình hình thiếu lao động cục bộ, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Để thu hút FDI, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng.
Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tại TP.HCM ông Đào Minh Chánh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố là nơi nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam. Trong ngắn hạn, thành phố ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, công nghệ thông tin, dược phẩm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch…
Trong dài hạn, TP.HCM ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia gắn với các yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa… Ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với DN trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị.
Hiện một số khu vực của TP.HCM còn quỹ đất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư như KCN Phạm Văn Hai I (389 ha), KCN Phạm Văn Hai II (289 ha), KCN Hiệp Phước (1.097 ha), KCN Lê Minh Xuân II (338 ha), KCN Lê Minh Xuân mở rộng (120 ha).
Để tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ Hàn Quốc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố luôn nỗ lực trong tạo môi trường đầu tư, mọi điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Hàn Quốc hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả. Bởi thành công của DN cũng chính là thành công của thành phố và là động lực để thành phố không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng cộng đồng DN.
Hiện Hàn Quốc xếp thứ 4/120 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn TP.HCM. Năm 2022 có 125 dự án đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư Hàn Quốc vào TP.HCM với tổng vốn đầu tư hơn 60,6 triệu USD, chiếm 10,25% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM.
Lũy kế đến nay, Hàn Quốc đã có 2.135 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.501 triệu USD, chiếm 9,64% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM.
DN Hàn Quốc quan tâm đầu tư nhiều vào các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và thông tin và truyền thông…