Sự kiện kinh tế

Đưa đặc sản Cần Giờ ra thế giới

Hồng Nga 15/08/2023 10:52

Với yến sào, xoài, tôm nước lợ, muối… các sản phẩm của Cần Giờ hoàn toàn có thể trở thành đặc sản cho người tiêu dùng khi đến TP.HCM. Tuy nhiên, để những mặt hàng này có thể đến tay người tiêu dùng cả nước và quốc tế, rất cần “lực đẩy” từ nhiều phía.

Yến sào - thương hiệu tốt nhất thế giới

can-gio1.jpeg
Cần Giờ được định hướng trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao của TP.HCM

Huyện Cần Giờ được TP.HCM định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao. Tuy nhiên, nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế quan trọng chiếm tỷ trọng đứng thứ hai sau ngành thương mại dịch vụ, cung cấp sản phẩm, thực phẩm cho thành phố, các tỉnh lân cận. Cần Giờ sẽ là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu để chế biến sản phẩm OCOP và phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong số các sản phẩm nông nghiệp của Cần Giờ, yến sào là sản phẩm có tiềm năng lớn nhất, phù hợp để thí điểm xây dựng thương hiệu nông đặc sản của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay.

Hiện thị trường tổ yến thế giới có quy mô hơn 8 tỷ USD; trong đó thị trường tổ yến Việt Nam là 800 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%. Nghề nuôi yến đã được quy hoạch trong chiến lược chăn nuôi quốc gia.

Theo ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm - tiêu dùng Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki), Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn cung tổ yến lớn, với điều kiện tự nhiên vượt trội.

nha-yen.jpeg
Yến sào Cần Giờ có thể xây dựng thành thương hiệu tốt nhất thế giới

Yến sào Việt Nam được khách hàng tại các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Đài Loan… đánh giá có phẩm chất, giá trị rất cao. Trong đó, yến sào Cần Giờ mặc dù chưa được xây dựng thương hiệu nhưng được đánh giá có chất lượng vượt trội, hiện có nhiều nhà sản xuất yến sào lớn đăng ký mã vùng sản xuất tại Cần Giờ.

Hơn nữa, với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (rừng Sác) rộng hơn 75.000ha, quần thể có nhiều loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, Cần Giờ hội đủ điều kiện tự nhiên để phát triển vùng nguyên liệu nuôi tổ yến chất lượng cao, bền vững và quy mô lớn.

“Với những lợi thế đang có, tổ yến Cần Giờ có một số nền tảng để xây dựng thành thương hiệu tốt nhất thế giới. Và TP.HCM đang đứng trước cơ hội khuếch trương, phát triển một sản phẩm đặc trưng cao cấp, có giá trị kinh tế lớn, dựa trên điều kiện tự nhiên quý giá, độc đáo của vùng đất Cần Giờ”, ông Quánh Nhi đánh giá.

Đẩy mạnh ra thế giới

Bên cạnh tổ yến, tôm nước lợ, hàu, sò huyết, nghêu, cá dứa, muối và xoài cát cũng rất nổi bật tại Cần Giờ.

Theo UBND huyện Cần Giờ, mỗi năm sản lượng tôm của huyện đạt từ 7.000-8.000 tấn; dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ thu hoạch thêm khoảng 2.000 tấn. Hàu có sản lượng 20.000 tấn/năm, sò huyết 600 tấn, cá dứa khoảng 800 tấn. Mặt hàng muối thô có sản lượng 100.000 tấn, hiện còn tồn khoảng 40.000 tấn. Riêng xoài cát - loại xoài mang đặc trưng riêng của Cần Giờ cũng có sản lượng lên đến 2.000 tấn (xoài trồng VietGAP chiếm 10%), cho thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 6.

can-gio.jpeg
Cào nghêu tại Cần Giờ

Ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, Cần Giờ hiện có 18 sản phẩm OCOP được UBND TP.HCM phê duyệt, trong đó 12 sản phẩm đạt 4 sao (gồm tôm thẻ chân trắng, khô cá dứa một nắng, xoài cát, tôm thẻ một nắng, tôm khô, tôm sú một nắng, tôm sú thiên nhiên, tôm thẻ tươi, mật dừa nước tinh chất, mật dừa nước cô đặc, tổ yến chưng nguyên chất, tổ yến chưng vị đông trùng hạ thảo), 6 sản phẩm đạt 3 sao (gồm khô cá đù 1 nắng, khô cá lưỡi trâu, khô cá chim trắng một nắng, hàu tươi, cá dứa tươi, bạch tuộc sông).

Các sản phẩm OCOP có nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng trên địa bàn huyện Cần Giờ có khả năng cung ứng theo nhu cầu thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ khai thác như cá đù, cá lưỡi trâu là nguồn cung ứng giúp hạn chế, phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt.

Để quảng bá, đưa các đặc sản của Cần Giờ đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cần Giờ đã ký kết Công ty TNHH Tiki đưa các đặc sản lên sàn thương mại điện tử này.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua, tổ yến thu hoạch trên địa bàn huyện chủ yếu tiêu thụ trong nước. Để sản phẩm đến với người tiêu dùng thế giới, Cần Giờ kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND TP.HCM đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có văn bản hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến để phục vụ việc lập hồ sơ xuất khẩu tổ yến trên địa bàn huyện.

Ông Phương cho rằng, để phát triển chuỗi giá trị yến sào Cần Giờ, việc xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng… là hết sức cần thiết và tương đối thuận lợi trong điều kiện hiện nay. Đây là cơ sở bền vững để xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu lớn của TP.HCM và Việt Nam, tương tự nhân sâm Hàn Quốc, mật ong Manuka New Zealand…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa đặc sản Cần Giờ ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO