Cần giải pháp đồng bộ cho thương mại điện tử
Thương mại điện tử (TMĐT) mở ra nhiều cơ hội mới và tiềm năng lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Thế nhưng, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này vẫn còn sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế… Để DN có thể khai thác hết lợi thế từ TMĐT, cần có chính sách và giải pháp đồng bộ.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Có đến 54,6 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đạt gần 270 USD/người/năm.
Số lượng người mua sắm trực tuyến đã tăng mạnh trọng năm 2023. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng khoảng 31%/năm.
Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) với hàng nghìn DN trên cả nước cho thấy lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023-2025, và khi đó sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD, đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
TMĐT phát triển giúp DN cải thiện năng lực cạnh tranh toàn diện và gia tăng cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Người dân ở khu vực nông thôn hiện nay có thể dễ dàng tiếp cận các giao dịch điện tử, không chỉ mua sắm mà còn kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm cũng như kinh doanh hàng hóa trên sàn TMĐT.
Không những vậy, các nền tảng số còn cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu, thời tiết, mùa vụ…, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đang có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ trong nền kinh tế số để tăng trưởng nhanh về quy mô.
Mặc dù phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội cạnh tranh cho DN nhưng TMĐT cũng đem đến không ít thách thức cho những người kinh doanh.
Theo nhiều chuyên gia, chính sách và hành lang pháp lý vẫn còn sơ sài, chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quản lý TMĐT. Trong đó, vẫn chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Vì chưa chặt chẽ ở khâu kiểm soát, xác minh hàng hóa, nên đã tạo kẽ hở để hàng giả, hàng nhái “len lỏi” vào các sàn TMĐT. Đã vậy, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT còn gặp các vướng mắc về thủ tục hải quan, về cấp phép, về điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, về xác định trị giá hải quan…
Ông Đỗ Hồng Trung - Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia trong hội thảo cuối tuần qua cho biết, bên cạnh sự phát triển tích cực của TMĐT, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội. Vấn đề này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách.
Không chỉ vậy, việc quản lý vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành này. Theo bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với sự phát triển nhanh chóng của TMĐT trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới như tiền kỹ thuật số, mô hình kinh doanh ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo AI... Và cũng chính những mô hình, phương thức kinh doanh này đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.
Thêm vào đó, TMĐT là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, gồm hệ thống pháp luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại, các quy định về giao dịch điện tử, các quy định điều chỉnh giao dịch TMĐT, hay các quy định về quản lý thị trường, quản lý DN, quản lý thuế, quản lý hải quan, quản lý an toàn an ninh mạng... Thế nhưng, hệ thống pháp luật về TMĐT chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT và cũng chưa đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho DN và người dân ứng dụng TMDT hiệu quả, bền vững.
Để DN có thể khai thác hết lợi thế, cơ hội mà TMĐT mang đến, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng và DN. Ở góc độ quản lý, cần hoàn thiện Nghị định của chính phủ quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT là cơ sở để hoàn thiện chính sách hải quan thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới phát triển. Nhất thiết phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT.
Bên cạnh đó, phải tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, thúc đẩy tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các DN kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy phát triển TMĐT.
Và trong khi chờ hành lang pháp lý hoàn thiện, đồng bộ, các DN cần có kiến thức và hiểu biết sâu về các quy định, quy trình thương mại quốc tế để đảm bảo tuân thủ đúng và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh.