Đầu tư, M&A

Cấp thiết xây dựng sàn giao dịch thịt heo

Hồng Nga 16/08/2023 13:10

Hoạt động theo mô hình hiện đại, sàn giao dịch thịt heo tại TP.HCM sẽ loại bớt khâu trung gian, đưa thịt heo về giá trị thực, hỗ trợ người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Cần thiết có sàn

mo-heo-2.jpg
Sàn giao dịch thịt heo tại TP.HCM được xây dựng sẽ loại bớt khâu trung gian, đưa thịt heo về giá trị thực

Theo thống kê, TP.HCM là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước với quy mô gần 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Mỗi ngày, người dân thành phố tiêu thụ khoảng từ 9.000 - 10.000 con heo. Tuy nhiên, thương lái chiếm đến 85% giao dịch và đóng vai trò chi phối giá cả trên thị trường. Bên cạnh đó, thị trường vẫn có nhiều hạn chế, như sản phẩm không đồng bộ về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn, giết mổ còn thủ công.

Vì thế, Sở Công thương TP.HCM đã quyết định phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) xây dựng sàn giao dịch thịt heo tại TP.HCM.

Sàn được xây dựng với kỳ vọng sẽ tạo môi trường kinh doanh theo phương thức hiện đại, thông minh, đảm bảo công bằng, minh bạch, giảm chi phí trung gian, góp phần ổn định nguồn cung ứng mặt hàng thịt heo và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, sàn cũng góp phần tái cơ cấu và chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, chế biến, sản xuất thịt heo, hỗ trợ thực hiện chủ trương quy hoạch và đưa vào hoạt động hệ thống giết mổ công nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó tổng giám đốc MXV - đơn vị vận hành trực tiếp sàn này, cho biết, sàn giao dịch thịt heo tại TP.HCM sẽ được vận hành theo hình thức hợp đồng giao dịch giao ngay và hợp đồng giao dịch kỳ hạn đối với sản phẩm thịt heo.

So với phương thức kinh doanh truyền thống, sàn giao dịch thịt heo sẽ khác biệt ở mô hình tổ chức, cách vận hành và hạ tầng công nghệ hiện đại được áp dụng vào giao dịch. Đây là những kinh nghiệm đã được đúc rút từ các thị trường thịt heo lớn nhất trên thế giới.

Sàn giao dịch thịt heo hướng đến hài hòa lợi ích của các bên. Trong đó, người chăn nuôi sẽ tham gia trực tiếp, sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt heo, được định hướng sản xuất phù hợp với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhận được lợi ích nhiều hơn từ chuỗi giá trị các mặt hàng thịt heo. Thương nhân được cung cấp công cụ giao dịch mua - bán theo phương thức hiện đại, hiệu quả và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm, đúng giá trị sản phẩm.

mo-heo.jpg
Sàn giao dịch thịt heo sẽ góp phần phát triển hệ thống giết mổ công nghiệp

Cơ quan quản lý sẽ nâng cấp thị trường thịt heo, bình ổn thị trường thông qua quy luật cung cầu, thông tin minh bạch, kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm; kiểm soát và tăng thu ngân sách từ chuỗi cung ứng các mặt hàng thịt heo…

“Mô hình sàn giao dịch với công nghệ và cách vận hành hiện đại này được kỳ vọng sẽ giúp cả người chăn nuôi và người tiêu dùng không bị thao túng giá, quyền lợi được bảo vệ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Đồng thời quy mô ngành công nghiệp chăn nuôi của TP.HCM sẽ từng bước đi vào chiều sâu”, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhận định.

Cần rút kinh nghiệm từ các sàn khác

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có 50 cơ sở giết mổ công nghiệp, cung cấp cho thành phố 5.500 con heo/ngày. Đây là lượng heo được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, còn 4.500 con heo/ngày từ các nguồn khác đưa về tiêu thụ tại TP.HCM và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đã làm việc với các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Long An… nhưng cũng chỉ giải quyết được 1.500 con heo đã kiểm dịch cho TP.HCM. Vẫn còn 3.000 con heo chưa kiểm dịch. Vì thế, việc xây dựng sàn giao dịch thịt heo để kiểm soát chất lượng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn thực phẩm là rất cần thiết.

Không chỉ vậy, các chuyên gia còn cho rằng, sàn giao dịch thịt heo hình thành là giải pháp hữu hiệu giúp TP.HCM quản lý nguồn thực phẩm từ các tỉnh, chuẩn hóa được đầu vào. Bởi muốn kinh doanh heo trên sàn giao dịch phải có truy xuất nguồn gốc, heo phải được giết mổ công nghiệp… Các tỉnh thành khác, muốn đưa heo vào TP.HCM phải đầu tư các cơ sở giết mổ công nghiệp. Khi đó, hàng hóa vào TP.HCM sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

thit-heo.jpg
Sàn giao dịch thịt heo sẽ mang đến cho người dân thực phẩm an toàn chất lượng

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, người đề xuất chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo cũng đánh giá cao việc xây dựng sàn giao dịch thịt heo. Ông cho rằng, việc xây dựng sàn giao dịch thịt heo mang lại nhiều lợi ích, như hạn chế tầng lớp trung gian, tạo cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước điều tiết cung cầu, bắt nhịp với xu thế đưa công nghệ thông tin ứng dụng giao dịch điện tử khi giao dịch hàng hóa...

TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để mở sàn giao dịch thịt heo. Cụ thể, thành phố có chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, có 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Hóc Môn và Bình Điền, có kênh phân phối hiện đại. TP.HCM cũng là nơi tập trung những công ty, trang trại nuôi heo lớn. Khi có sàn, giá cả sẽ được công khai trên đó, người có đủ điều kiện giao dịch đều tham gia.

Tuy nhiên, không phải sàn nào cũng xây dựng thành công. Phương thức giao dịch hàng hóa qua sàn đã được TP.HCM và một số tỉnh thành triển khai nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi đóng cửa vì chưa mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, Sở Giao dịch hàng hóa Info (Hà Nội) thành lập năm 2013 đã đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động. Hay như Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) được đổi tên thành Sàn Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) vào năm 2015 nhưng hoạt động èo uột, buộc tỉnh Đăk Lăk phải bán đấu giá tài sản trong năm 2022.

Rút kinh nghiệm từ các sàn giao dịch trước, để sàn giao dịch thịt heo hoạt động được và hoạt động hiệu quả, ông Hòa cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cấp thiết xây dựng sàn giao dịch thịt heo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO