Tổng lực mở đầu ra cho sản phẩm OCOP
Với chủ trương thúc đẩy phát triển các sản phẩm địa phương, TP.HCM đã tổng lực “mở” các đầu ra cho các sản phẩm đặc sản, từ kênh phân phối hiện đại cho đến các sàn thương mại điện tử.
Vào kệ hàng siêu thị
Với chủ trương phát triển sản phẩm địa phương (OCOP), TP.HCM đang tổng lực tìm đầu ra cho những sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, TP.HCM là thị trường lớn nhất cả nước, hàng hóa khắp mọi nơi đổ dồn về tiêu thụ tại đây. Vào được các hệ thống phân phối của TP.HCM, sản phẩm OCOP có thể đi khắp cả nước. Vì thế, TP.HCM đẩy mạnh các chương trình quảng bá, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại.
Hiện tại, hầu hết nhà phân phối đều ráo riết tổ chức các chương trình quảng bá, phân phối sản phẩm OCOP. Trong đó, Aeon Việt Nam tổ chức hội chợ “Kết nối sản phẩm OCOP 2023” trên tất cả các kênh của thương hiệu này trên toàn quốc. Theo đó, trong suốt một tuần (từ ngày 10-16/8/2023), nhiều sản phẩm địa phương nổi bật của từng vùng miền được nhà bán lẻ này quảng bá và bày bán. Có đến 100 sản phẩm thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chế biến và đặc sản của 30 nhà cung cấp được quảng bá tại đây.
Trước Aeon Việt Nam, các hệ thống bán lẻ Co.opmart, MM Mega Market, Lotte Mart, Satra Mart… cũng liên tục tổ chức tuần lễ quảng bá sản phẩm OCOP. Trong đó, tuần hàng sản phẩm OCOP của Co.opmart diễn ra trong tháng 7/2023 đồng loạt tại 130 siêu thị của hệ thống này.
Không chỉ bày bán những sản phẩm OCOP hiện có, các nhà phân phối liên tục tìm kiếm các nhà cung ứng mới để đưa hàng đặc sản địa phương lên kệ hàng siêu thị. Trong chương trình tuần hàng sản phẩm OCOP diễn ra hồi tháng 7 vừa rồi, Saigon Co.op - đơn vị chủ quản của Co.opmart đã ký với 7 đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã của TP.HCM để đưa mắm, khô các loại, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP vào hệ thống này.
Tương tự, trong nhiều năm qua, Aeon Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, hiệp hội tổ chức nhiều triển lãm sản phẩm, hội nghị kết nối cung cầu để chia sẻ kiến thức, kết nối với nhà cung cấp mới và tìm kiếm sản phẩm mới của địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định của nhà phân phối trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Ông Bùi Trung Chính - Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của Aeon Việt Nam cho biết, Aeon Việt Nam nỗ lực không ngừng để chung tay hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng. Không dừng lại ở các sản phẩm hiện có, Aeon đang tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước để gia tăng số lượng sản phẩm OCOP được bày bán tại hệ thống Aeon trong tương lai.
Và đưa… lên sàn
Không chỉ đẩy mạnh phân phối tại các hệ thống kinh doanh hiện đại, TP.HCM đang triển khai các hoạt động liên tục để đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Chiều ngày 14/8/2023, Sở Công Thương TP.HCM cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết với Tiki xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” để đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử. Mục tiêu lớn nhất của chương trình này là kết nối, kể câu chuyện OCOP, đưa sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, đặc biệt là tại TP.HCM, Hà Nội. Các chủ thể sản xuất quy mô nhỏ sẽ được hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đến nay TP.HCM có 66 sản phẩm được công nhận đạt OCOP, trong đó có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chưa đạt như kỳ vọng. Vì vậy, các sở ngành cam kết đồng hành, chia sẻ với nhau, bổ sung nguồn lực để thúc đẩy tiêu thụ cho các mặt hàng OCOP được tốt nhất, nỗ lực để làm ra chuỗi tiêu thụ sản phẩm mức cao.
Theo ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng của Tiki, hiện tại mức độ phổ biến và tìm kiếm của người tiêu dùng với sản phẩm OCOP chưa cao, giá bán chưa tương xứng với hiệu quả và ít kênh phân phối. Tham gia chương trình này, doanh nghiệp mong muốn tăng mức độ hiểu biết của người tiêu dùng, đảm bảo giá bán tương xứng và đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã… cũng kỳ vọng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” trên sàn thương mại điện tử sẽ tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ hiệu quả giúp họ có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường thương mại điện tử.
Bởi như chia sẻ của bà Võ Phương Thủy - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, đa phần chủ thể của sản phẩm OCOP là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Một ông chủ vừa lên ý tưởng sản xuất từ tài nguyên bản địa của mình cũng là người làm công tác bao bì, marketing, cũng là người làm công tác đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt, hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin… vì thế khó có bao bì bắt mắt, thu hút người tiêu dùng.
Vì vậy, bà Thủy tin rằng, việc lên sàn thương mại điện tử sẽ tạo điều kiện rất tốt cho các mặt hàng OCOP của tỉnh. Và để làm được việc này, cần tập huấn cho các chủ thể làm quen với quy trình vận hành trên sàn, đầu tư vào thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm…