Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên đề xuất thực thi luật ngân hàng vào tháng 10/2021. Tuy nhiên, gần đây các đề xuất cải cách tập trung nhiều hơn vào các ngân hàng sau sự sụp đổ của các tổ chức cho vay ở Mỹ gây chao đảo thị trường vào đầu năm nay.
Dự luật ngân hàng của EU dựa trên các biện pháp cải cách Basel III tiêu chuẩn quốc tế về cách các ngân hàng đánh giá rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường. Dự luật bao gồm các điều khoản quy định các ngân hàng phải có đủ vốn và thanh khoản.
Dự luật cũng yêu cầu các ngân hàng báo cáo về tài sản kỹ thuật số, trong đó có tiền kỹ thuật số như bitcoin và ethereum, cũng như các hoạt động có thể gây rủi ro đến tăng trưởng bền vững như tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Các quy tắc sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2025, chậm hai năm so với thời hạn 2023 đưa ra trước đó.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson nhận định, việc Hội đồng EU (đại diện 27 quốc gia thành viên) và Nghị viện châu Âu (EP) đạt được nhất trí về các quy tắc quản lý đối với lĩnh vực ngân hàng là "bước tiến quan trọng giúp đảm bảo các ngân hàng châu Âu có thể tiếp tục hoạt động trước những cú sốc, các cuộc khủng hoảng hoặc các thảm họa xảy ra bên ngoài khối".
Bà Mairead McGuinness - Ủy viên EU phụ trách các dịch vụ tài chính cũng hoan nghênh thỏa thuận trên, cho rằng các quy tắc sẽ đảm bảo "lĩnh vực ngân hàng của EU hoạt động phù hợp với xu hướng tương lai".
EU đã thúc đẩy các quy định dựa trên các điều kiện cụ thể của các ngân hàng châu Âu vốn dựa vào các khoản vay mua nhà rủi ro thấp nhiều hơn so với các ngân hàng tại Mỹ.
Những biến động vào tháng 3/2023 diễn ra khi các ngân hàng Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank tại Mỹ liên tiếp phá sản và những lo ngại trên các thị trường dẫn tới việc ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS thâu tóm đối thủ Credit Suisse.