EU thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga

H.T| 25/11/2022 06:00

Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đã thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp khác.

EU thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu hôm 23/11/2022, Ủy viên phụ trách năng lượng Kadri Simson của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, khối này đã thay thế khí đốt của Nga bằng nhập khẩu LNG cũng như khí đốt từ các nhà cung cấp khác. "Đa dạng hóa, giảm nhu cầu, chính sách lưu trữ chung về năng lượng của chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt", bà Simson chia sẻ.

Các chuyên gia cho biết, EU sẽ thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng việc tăng cường mua LNG từ Mỹ. Theo EC, từ tháng 1-8/2022, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ m3. Trong cùng khoảng thời gian, nguồn cung LNG từ Mỹ đã tăng gần 80%.

Năm 2021, Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga đã cung cấp 155 tỷ m3 khí đốt cho EU. Trong khi đó, lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga năm nay dự kiến sẽ giảm xuống hơn 1/3 (khoảng 60 tỷ m3).

Các nhà phân tích từ Kpler cảnh báo, việc thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga bằng LNG sẽ dẫn đến chi phí tăng đáng kể cho EU. Không giống như khí đốt tự nhiên cung cấp qua đường ống theo các hợp đồng dài hạn, LNG thường được mua trên thị trường giao ngay và chi phí có xu hướng cao hơn nhiều lần. Việc EU tăng cường mua LNG đã gây khó khăn cho các nước đang phát triển trong việc mua loại nhiên liệu này, vì họ buộc phải cạnh tranh về giá với các quốc gia giàu có hơn.

Link bài viết

Cách đây không lâu, EU được cho là đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ "cai" khí đốt nhập từ Nga. Đây là một mục tiêu không hề dễ và các nước trong khu vực sẽ phải vượt qua nhiều mùa Đông lạnh giá phía trước với nguồn cung khí đốt eo hẹp.

Khi muốn "cai" khí đốt Nga, châu Âu đối mặt với 2 thách thức lớn. Thứ nhất, một hoặc thậm chí nhiều mùa đông lạnh giá hơn bình thường, vì nguồn cung khí đốt đã bị kéo căng tới giới hạn, đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt điện, giảm lượng nhiệt sưởi và đóng cửa các nhà máy.

Thứ hai, để cắt giảm tiêu thụ khí đốt Nga, châu Âu phải ký thỏa thuận mới với các nhà cung cấp khác và đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái sinh. Bằng cách này, châu Âu có thể tự mở ra một kỷ nguyên mới về an ninh năng lượng, không còn phụ thuộc vào các dòng chảy năng lượng từ Nga nữa. Nhưng quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và sẽ có nhiều trở ngại về mặt hậu cần, cơ sở hạ tầng.

Tháng 5/2022, EC đã công bố một kế hoạch nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào năng lượng hóa thạch Nga. Kế hoạch trị giá 210 tỷ euro (213 tỷ USD) này kêu gọi đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái sinh, gồm đến năm 2025 tăng gấp đôi tổng công suất tấm pin năng lượng mặt trời được lắp ở EU và tăng gấp đôi tốc độ lắp máy bơm nhiệt.

EU hiện có mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ trọng 40% lượng điện mà khối sản xuất được từ các nguồn năng lượng tái sinh, nhưng kế hoạch mới đã đề xuất nâng mục tiêu này lên 45%. Kế hoạch cũng gồm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp thay thế khí đốt bằng hydrogen, biogas và biomethan để giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch Nga.

Tháng 9 năm nay, EU cho biết đã sẵn sàng thay thế khí đốt Nga bằng đường ống mới trị giá 13 tỷ USD. Các lãnh đạo EU đang tìm cách chấm dứt sự chậm trễ với đường ống xuyên sa mạc Sahara từ Nigeria đến Tây Ban Nha và Ý. Cuối tháng 7/2022, Algeria, Nigeria và Niger đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên sa mạc Sahara. Được đề xuất lần đầu năm 2002, đường ống này chưa bao giờ được khởi động nhưng cuối cùng đã hồi sinh khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, buộc châu Âu phải tìm các nhà cung cấp khí đốt thay thế.

Trong khi ký thỏa thuận, các quan chức không ấn định ngày hoàn thành rõ ràng, mà chỉ nói về việc hoàn thành đường ống dài 4.000km đầy tham vọng "trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể". Đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara có thể cung cấp tới 30 tỷ m3/năm cho châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng các vấn đề tài chính lớn cần phải được giải quyết để dự án có thể tiến triển thành công.

Khí đốt tự nhiên được sử dụng theo 3 cách chính, gồm phát điện tại các nhà máy điện, sưởi ấm cho nhà dân và văn phòng, dùng trong các ngành công nghiệp như sản xuất thép, phân bón. Có nhiều lựa chọn thay thế cho khí đốt trong phát điện, nhưng việc tìm lựa chọn thay thế cho khí đốt trong công nghiệp và sưởi ấm là việc khó hơn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EU thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO