Xuất khẩu sang EU: Chủ động thích ứng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon

Chu Huỳnh| 27/12/2022 04:30

Từ năm 2023, Liên minh châu Âu sẽ thực thi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, tạo ra nhiều thách thức mới cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Xuất khẩu sang EU: Chủ động thích ứng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Dự kiến từ năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực thi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), từng bước đánh thuế carbon đối với một số hàng hóa nhập khẩu, do đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ khó tránh khỏi những thách thức mới.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế chủ động thích ứng với cơ chế này.

* Ông đánh giá thế nào về kết quả xuất khẩu sang EU kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực?

- Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU bình quân hai năm đầu (tính từ tháng 8/2020) thực thi EVFTA đạt 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% mức trung bình năm của giai đoạn 2016-2019.

Doanh nghiệp Việt Nam cơ bản đã khai thác khá tốt cơ hội từ EVFTA để xuất khẩu, phát huy tương đối tốt lợi thế cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam, bước đầu đáp ứng được những tiêu chuẩn tương đối cao về chất lượng và các tiêu chuẩn có liên quan khác tại thị trường EU.

* Những yếu tố nào cần phải khắc phục để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU hiệu quả hơn, thưa ông?

- Để khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu kỹ EVFTA, tìm hiểu thị trường cũng như những thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng EU để đáp ứng, thay vì chỉ tính toán đến lợi ích cắt giảm thuế quan. Doanh nghiệp cũng nên đối thoại với các cơ quan chức năng để tìm cách tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. 

Kinh nghiệm trong hơn hai năm thực thi EVFTA đã cho thấy, sự đồng hành giữa các bộ, ngành liên quan với doanh nghiệp là yếu tố quyết định khai thác hiệu quả tiềm năng, cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. 

Khi quy mô xuất khẩu gia tăng, đòi hỏi năng lực sản xuất của doanh nghiệp phải được cải thiện để đáp ứng nguồn hàng và cần có đủ nguồn lực để sản xuất hàng hóa có chất lượng cao hơn, là những vấn đề doanh nghiệp cần phải tính tới, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

* Dự kiến EU sẽ thực thi CBAM trong năm 2023, xuất khẩu sẽ gặp những thách thức mới, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để thích ứng?

- Để triển khai CBAM, thời gian qua EU đã nỗ lực truyền thông, song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ các đối tác thương mại lớn. Dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải xác định tâm thế chủ động để thích ứng với CBAM khi xuất khẩu hàng hóa vào EU. Cần phải tìm hiểu kỹ những quy định của EU về CBAM, cũng như các quy định mới của EU về phát triển bền vững có thể vượt qua cả những cam kết trong EVFTA.

Trên cơ sở đó, tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tăng ứng dụng công nghệ, tăng tính tuần hoàn. Đây là định hướng giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm phát thải, đáp ứng được các tiêu chuẩn gắn với phát triển bền vững của EU.

Doanh nghiệp Việt Nam không nên xem tuân thủ các quy định của EU khi đưa hàng hóa vào thị trường này là tăng chi phí, mà khi đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì hàng hóa sẽ được nâng lên ở phân khúc giá mới, cao hơn, bù đắp được phần gia tăng chi phí tuân thủ. Quan trọng hơn, khi tuân thủ và đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn cao của EU, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn ở các thị trường xuất khẩu khác.

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu sang EU: Chủ động thích ứng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO