EU đánh thuế carbon, xuất khẩu của Việt Nam ảnh hưởng thế nào?

HT| 06/12/2022 04:45

Mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon do EU đề xuất sẽ ảnh hưởng và tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

EU đánh thuế carbon, xuất khẩu của Việt Nam ảnh hưởng thế nào?

Vào tháng 7/2021, Liên minh châu Âu (EU) đã trình đề xuất về quy định thiết lập cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Mục tiêu của CBAM là giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon do các chính sách khí hậu thiếu chặt chẽ của các quốc gia không thuộc EU, đồng thời bổ trợ cho cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải của EU (EU-ETS).

Các chứng chỉ CBAM sẽ được cấp cho các nhà nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải tích hợp trong sản phẩm mà họ nhập khẩu vào EU và có giá bằng hạn ngạch ETS. Theo đề xuất ban đầu, CBAM sẽ được áp dụng cho một số mặt hàng trong các lĩnh vực: sắt, thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện và có khả năng mở rộng ra cả hydro, hóa chất hữu cơ, nhựa và ammonia.

Đề xuất đang ở giai đoạn cuối cùng của quy trình pháp lý khi Hội đồng và Nghị viện EU thông qua vào năm 2022. Giai đoạn chuyển tiếp dự kiến bắt đầu vào năm 2023 và có hiệu lực vào tháng 1/2026. Mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, CBAM do EU đề xuất sẽ ảnh hưởng và tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Việt Nam có kế hoạch xây dựng và phát triển thị trường carbon trong nước, bao gồm hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đưa ra lộ trình bao gồm xây dựng khung pháp lý và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon từ nay đến năm 2027 (vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025) và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.

Cùng với cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải thuế carbon được xem là công cụ định giá carbon ở Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng một cách hiệu quả, tránh trùng lặp với cơ chế thuế hiện hành và phù hợp với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Dự án “Đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu và xây dựng chính sách thuế carbon cho Việt Nam” là một trong những hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ hợp tác về chuyển dịch năng lượng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, do Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hiệp Quốc (UNOPS) hợp tác.

Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ ít phát thải, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá carbon. Công cụ định giá carbon phổ biến được áp dụng là thuế carbon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, cơ chế tín chỉ carbon (hay cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon). Việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới CBAM để bảo vệ các doanh nghiệp thuộc EU trước việc hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ các quốc gia có tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn.

Phạm vi áp dụng cơ chế CBAM sẽ bao gồm các ngành công nghiệp dịch vụ trong hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của EU (EU-ETS) để đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu có phát thải khí nhà kính phải chịu cùng mức giá carbon tương đồng với các hàng hóa nội địa và loại bỏ nhu cầu phân bổ miễn phí thêm hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong thị trường.

EU dự tính sẽ áp dụng CBAM bắt đầu với các sản phẩm dễ tính toán lượng khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất như là thép, xi măng, nhôm, giấy, hóa chất… Tuy nhiên, dự kiến EU sẽ xem xét điều chỉnh, áp dụng phù hợp đối với các sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia đã áp dụng công cụ định giá carbon, có nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EU đánh thuế carbon, xuất khẩu của Việt Nam ảnh hưởng thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO