EU cấm nhập khẩu các sản phẩm cà phê, ca cao có xuất xứ do phá rừng

MH| 07/12/2022 06:00

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê, ca cao và đậu nành.

EU cấm nhập khẩu các sản phẩm cà phê, ca cao có xuất xứ do phá rừng

Theo dự luật mới, các sản phẩm nằm trong danh sách bị cấm gồm dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su - được xác định là những yếu tố thúc đẩy nạn phá rừng nếu có xuất xứ từ vùng đất rừng bị tàn phá sau tháng 12/2020. Các công ty nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm không liên quan đến hoạt động phá rừng và phải chứng minh được thông tin địa lý chính xác về vùng đất xuất xứ của sản phẩm.

EC hoan nghênh quyết định mà các nước thành viên EU và Nghị viện EU đạt được, đồng thời nhấn mạnh dự luật mới này sẽ đảm bảo một loạt các mặt hàng chủ chốt được đưa vào thị trường EU không góp phần thúc đẩy hoạt động phá rừng và suy thoái rừng ở EU cũng như những nơi khác trên thế giới.

Một khi các quy định mới có hiệu lực, tất cả công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu đưa những mặt hàng này vào thị trường EU. Dự luật này được EC đề xuất hồi tháng 11/2021. EU giờ đây sẽ phải chính thức thông qua để văn kiện này có hiệu lực và các công ty thương mại sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy định này.

Các quy định pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế mới nhằm chống nạn phá rừng có thể trở thành hàng rào kỹ thuật đối với thương mại nông lâm sản, bao gồm cà phê sản xuất tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, Việt Nam luôn xem trọng việc bảo vệ rừng và chống nạn phá rừng, cũng như việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết quốc tế nhằm ngăn chặn việc khai thác và buôn bán bất hợp pháp gỗ và các sản phẩm từ rừng, và đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm xuất khẩu.

Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ rừng và chống nạn phá rừng, trong đó nổi bật các chính sách về sử dụng đất và rừng theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện hiệu quả các cam kết về giảm phát thải của Việt Nam.

Các chính sách, quy định của Việt Nam ưu tiên giữ diện tích rừng hiện có, trồng lại tại các diện tích rừng bị mất và trồng rừng mới; phòng chống nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp hợp pháp; cấm mọi hoạt động khai thác tại rừng tự nhiên từ năm 2016; đồng thời quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam cũng như đảm bảo phát triển bền vững trong hoạt động chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm không phải gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EU cấm nhập khẩu các sản phẩm cà phê, ca cao có xuất xứ do phá rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO