Vực dậy nghệ thuật Trúc Chỉ

NGUYỄN HỒ| 04/03/2015 09:33

Trúc Chỉ là nghệ thuật chế tác giấy thủ công trong giai đoạn cuối cùng khi seo giấy, cho phép các nghệ sĩ tạo tác các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy.

Vực dậy nghệ thuật Trúc Chỉ

Chạm tay vào những nghệ phẩm được làm từ tre cho ta cảm giác gần gũi như khi chạm vào những thân tre làng. Những tác phẩm ấy không chỉ có mặt trên những bức tranh trang trí, mà còn ẩn hiện giữa cuộc sống hằng ngày, trên những dáng nón hay trong những trang giấy. Giữa đô thị ồn ào, những bóng tre dường như đang len vào nhịp sống hiện đại, giữ lại chút bình yên của xóm quê trong tâm hồn mỗi người.

Đọc E-paper

Những ngày cuối năm 2014, công chúng Sài Gòn được thưởng lãm một loại hình nghệ thuật mới với nguyên liệu dân gian quen thuộc là tre: nghệ thuật Trúc Chỉ.

Được họa sĩ, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế Phan Hải Bằng khởi lập từ năm 2011, Trúc Chỉ là nghệ thuật chế tác giấy thủ công trong giai đoạn cuối cùng khi seo giấy, cho phép các nghệ sĩ tạo tác các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy.

Các ý tưởng sáng tạo, bố cục họa tiết tạo hình... được thực hiện ngay trong quá trình này với sự tác động của nước để tạo nên sự dày, mỏng trên nền giấy, sau đó các hình ảnh, sắc độ sẽ hiện rõ khi có hiệu ứng ánh sáng xuyên qua; hoặc là sự kết hợp các kỹ thuật, chất liệu... với nhau nhằm tạo nên tính độc đáo và sáng tạo.

Tìm hiểu thêm về những người làm nên Trúc Chỉ sẽ lại là lối mòn khi viết về người sáng lập, người đã ròng rã 10 năm trời như thân tre lẳng lặng qua tháng ngày miệt mài tìm kiếm phương thức biểu đạt nghệ thuật trên giấy - Phan Hải Bằng, nhưng sẽ là không đủ nếu thiếu anh.

Và cũng không thiếu được người cộng sự đã thay anh giới thiệu nghệ thuật Trúc Chỉ đến công chúng: Quản lý Dự án Nghệ thuật Trúc Chỉ Ngô Đình Bảo Vi.

Bộ nghệ phẩm Trúc Chỉ Hoa Hồng

Phan Hải Bằng - người "cộng" các giá trị vào nghệ thuật Trúc Chỉ

Tự gọi mình là "gã lăng nhăng", theo lý lẽ thì hẳn là một kẻ chủ động xông xáo, nhưng những xông xáo, chủ động ấy lại ẩn sâu trong người đàn ông xứ cố đô với vẻ ngoài trầm tĩnh.

Là một họa sĩ giảng dạy gần 20 năm ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Phan Hải Bằng không chôn chân trong khuôn viên Trường, cũng không thả trôi hồn nghệ sĩ theo bóng nghệ thuật hư ảo, vô hình.

Hơn 10 năm kiếm tìm câu trả lời cho câu hỏi "Có loại giấy nào có thể đáp ứng được những sáng tạo nghệ thuật của mình mà vẫn ứng dụng được trong đời thường?", anh đã thành công khi mang nghệ thuật Trúc Chỉ đến với công chúng.

Tuy vậy, khi gọi anh là "cha đẻ” của nghệ thuật Trúc Chỉ, anh chỉ nhận mình là người kết nối các giá trị đã có với nhau trên tâm thức của người sáng tạo, nỗ lực tạo dựng một giá trị mới.

Trên tinh thần hợp tác để cùng nhau xây dựng những giá trị mới bằng cách khai thác năng lượng của truyền thống, kết hợp với tư duy và tâm thức đương đại, ngõ hầu làm giàu có thêm giá trị Việt, Phan Hải Bằng và các cộng sự còn có ý tưởng kết hợp nghệ thuật Trúc Chỉ với các nghề thủ công truyền thống khác của Huế để tạo nên những sản phẩm mới mang dấu ấn của Huế và văn hóa Huế như: làng tranh truyền thống Sình, mây tre đan Bao La, nghề làm nón, nghề thêu, nghề làm lọng, dù tre... vừa để tạo ra sự cập nhật mới lạ cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa kết nối các làng nghề với nhau trong cùng một sản phẩm để tạo nên sức mạnh phát triển, mong một ngày làng nghề Trúc Chỉ được ra đời ở Huế.

Khi Trúc Chỉ đến rộng rãi với công chúng qua các buổi triển lãm, những giải thưởng của Hội Nghệ thuật..., Phan Hải Bằng lựa chọn đứng ở tuyến sau tiếp tục chỉ dẫn những người đồng nghiệp trẻ trong những khâu tạo tác, và không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới cho Trúc Chỉ, như vai trò người thầy dẫn dắt suốt hơn 20 năm qua tại Đại học Nghệ thuật Huế, để lại "chiến tuyến" cho cô gái bén duyên cùng Trúc Chỉ Ngô Đình Bảo Vi và các cộng sự khác.

Mong ước giản dị của anh là một ngày nào đó Trúc Chỉ có thể trở lại cùng cộng đồng như một làng nghề, bên cạnh những làng nghề khác của Huế và những làng nghề giấy truyền thống khác của Việt Nam.

Ngô Đình Bảo Vi - cô gái của mỹ thuật ứng dụng và có duyên với Trúc Chỉ

Tốt nghiệp khoa Mỹ thuật ứng dụng, Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2007, được các nghệ sĩ trong giới quen gọi là o Vi, với các triển lãm, các tác phẩm đầy tính ứng dụng và cửa hàng làm đồ da thủ công nổi tiếng với thương hiệu Vihandmade.

Năm 2012, tình cờ biết đến nghệ thuật Trúc Chỉ và bị "mê hoặc", chị đã về với Huế với mong muốn "làm một cái gì đó cụ thể cho Huế”, quê nội của chị.

Các tác phẩm từ giấy Trúc Chỉ

Lúc này Phan Hải Bằng cũng đang cần một người am hiểu về mỹ thuật ứng dụng, có đam mê để giúp anh phát triển Trúc Chỉ, mang Trúc Chỉ đến gần hơn với cuộc sống. Như cá gặp nước, hai con người đầy tâm huyết ấy đã gặp nhau và hiện Ngô Đình Bảo Vi là Quản lý Dự án Nghệ thuật Trúc Chỉ.

Vào Nam ra Bắc rồi lại ngược về miền Trung, trên suốt những chặng đường miệt mài mang Trúc Chỉ đến với cộng đồng, điều cô mong muốn là làm sao những tâm hồn nghệ thuật sẽ tìm đến với Trúc Chỉ nhiều hơn, để những giá trị của Trúc Chỉ được sống trong hơi thở hiện đại.

Tìm hiểu về hoạt động của Trúc Chỉ, được biết hiện vườn Trúc Chỉ vẫn đang từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu suất làm việc.

Chia sẻ về vấn đề này, Vi cho biết: "Điều khó khăn là với những người làm thủ công tỉ mỉ, yêu cầu về sự hoàn mỹ và xúc cảm nghệ thuật rất cao nên thời gian hoàn thiện một nghệ phẩm thường lâu hơn. Để đáp ứng được nhu cầu thị trường, chúng tôi phải giải các bài toán giữa xúc cảm nghệ thuật và hiệu quả sản xuất. Chúng tôi muốn chuẩn bị kỹ để không phụ lòng những người yêu Trúc Chỉ”.

Về kế hoạch phát triển năm 2015, Bảo Vi tiết lộ, Trúc Chỉ sẽ tham gia Hội chợ Life Style vào tháng 4 tại TP.HCM, mở rộng thị trường cho những nghệ phẩm ứng dụng Trúc Chỉ; tham gia Festival Làng nghề Huế từ 28/4 - 3/5; Trúc Chỉ cũng sẽ kết hợp với các đối tác tại các địa phương tổ chức các buổi làm việc, trao đổi và triển lãm trên toàn quốc, tại các thành phố: Đà Nẵng, Nha Trang, Hồ Chí Minh, Hà Nội để giới thiệu Trúc Chỉ đến công chúng.

Hy vọng trong thời gian tới, nghệ thuật Trúc Chỉ sẽ được giới thiệu đến công chúng cả nước và bạn bè quốc tế nhiều hơn.

>Không làm du lịch ở làng nghề ô nhiễm
>Góp tay làm sống lại làng nghề
>Tăng giá trị khu vực thủ công, làng nghề

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vực dậy nghệ thuật Trúc Chỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO