“Thở và cười” (*) - An lạc trong từng bước chân

KIM YẾN| 06/03/2007 04:25

Mùa xuân 2007, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam để tổ chức những trai đàn chẩn tế, cầu siêu cho các nạn nhân chiến tranh ở ba miền đất nước. Dịp này, thiền sư sẽ dành riêng cho giới doanh nhân TP.HCM và vùng phụ cận một buổi trò chuyện với chủ đề “Thở và cười”. Phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn đề nghị được phỏng vấn thiền sư, nhưng do lịch trình làm việc dày đặc, nên thiền sư đã ủy quyền cho thầy Thích Chân Pháp Khâm (ảnh) . Thầy Pháp Khâm là một trong những đệ tử gần gũi nhất với thiền sư Thích Nhất Hạnh, có khả năng tiếp nối thầy mình một cách xuất sắc. Thầy Pháp Khâm là thạc sĩ, kỹ sư điện tử và là doanh nhân trước khi hành đạo.

“Thở và cười” (*) - An lạc trong từng bước chân

* Thưa thầy, vì sao thiền sư Thích Nhất Hạnh lại dành riêng cho doanh nhân buổi trò chuyện mang tên “Thở và cười”?

- Đời sống của doanh nhân không thể tách rời đời sống của gia đình, xã hội; doanh nhân có một ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa cuả một quốc gia. Nếu họ có đời sống tốt sẽ làm gương cho rất nhiều người khác. Ngược lại nếu kinh doanh theo kiểu “sống chết mặc bây”, họ có thể gây ra tai họa cho nhiều người.

Việt Nam may mắn là thấy được nhiều bài học từ các nước tiên tiến, sự bất an trong đời sống tâm linh trước làn sóng vật chất. Hiểu được mình, để hiểu được người khác. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã là doanh nhân thì rất bận rộn. Trong đầu họ cứ nghĩ làm sao để thành công hơn, để giàu hơn.

Họ có ít thì giờ cho họ, cho vợ, cho con, cho người thương. Giàu mà khổ. Sự bận rộn đã trở thành nhà tù giam hãm tất cả chúng ta. Làm thế nào để thoát khỏi nhà tù đó, làm thế nào để vừa dựng nghiệp, vừa làm giàu mà vẫn có được an vui, hạnh phúc, không đánh mất mình? Vì thế, không chỉ doanh nhân mà mọi người hãy “thở và cười”. Biết cách thở chính là một trạng thái của thiền.

Ảnh: Nguyệt Vy

* Thiền sư sẽ nói gì với doanh nhân trong buổi trò chuyện này, thưa thầy?

- Bồi đắp gốc rễ và khai thông suối nguồn bằng việc quay về với hơi thở, lắng nghe, cảm thọ... có nghĩa là “đã về, đã tới”. Việt Nam đang lớn mạnh, nhưng đừng để mất đời sống tâm linh, một vẻ đẹp văn hóa truyền thống đã có từ bao đời nay, đó là ăn hiền ở lành, lá lành đùm lá rách, hòa thuận, bình dị.

Mình phải hãnh diện về đời sống tâm linh và giữ được bản sắc của mình. Chính đời sống tâm linh mới tạo được niềm tin với bè bạn quốc tế. Những bức thư pháp mà Sư ông dành tặng cho doanh nhân đều ẩn chứa tinh thần đó. “Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương”. Trước tiên là biết lắng nghe mình, đừng để bị lôi cuốn theo vòng xoáy của thương trường.

Đừng để công việc nhiều quá mà không biết lắng nghe xem nhân viên mình, gia đình mình đang có ưu tư gì, để hiểu thái độ, hành động của họ, từ đó mới có thể giải phóng cho họ. Nếu không lắng nghe với tâm từ bi, sẽ rất dễ hiểu lầm, đánh giá sai sự thật. “Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ. Làm người một kiếp cũng như không”, “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”... cũng là những lời nhắn nhủ giản dị, dễ hiểu của Sư ông với doanh nhân, để có thể coi mỗi việc mình làm là một hành động hạnh phúc, bình an, nhắc nhở mình nhìn lại, biết tận hưởng cái đẹp.

Một trong những nỗi khổ của doanh nhân là stress, là nỗi sợ thất bại, sự giận dữ... Mình có được hôm nay rồi, đừng lo lắng nữa, mọi khó khăn sẽ qua hết khi mình biết dừng lại, bình tĩnh để biết là mình đang sống, nhận diện được sự có mặt của người thân, biết cái gì cũng vô thường, cũng được biến đổi hoặc chuyển hóa.

Trở về với hơi thở và bước chân nghĩa là đem thân với tâm về một mối. Tâm có lặng, có sáng thì mới thấy rõ được mọi sự, giống như một ao bùn, nếu đục quá làm sao thấy đáy. Buồn, giận cũng là một năng lượng muốn được giải thoát, còn gọi là năng lượng thần.

Sư ông muốn được chia sẻ với doanh nhân phương pháp làm thế nào chuyển hoá năng lượng tiêu cực như giận hờn, buồn phiền, lo lắng qua những cảm thọ bình an, yêu thương nhờ bám vào hơi thở. Tức là chuyển thần sang khí. Tâm bình thì thế giới bình, không có gì không thể vượt qua.

Tôi đã từng là doanh nhân, tôi đã thực tập bám vào hơi thở, mỉm cười khi đối diện với những đối tác đang giận dữ, và họ đã “mềm” đi rất nhanh. Có lần, vị chủ tịch Tập đoàn Cisco, một tập đoàn công nghệ thông tin lớn toàn cầu với doanh thu 30 tỷ USD mỗi năm và hơn 50 ngàn nhân viên khắp thế giới, đã bỏ cuộc hẹn với Tổng thống Bill Clinton để đến dự sinh nhật con gái, vì ông hiểu sự có mặt của ông là quà tặng quý giá nhất cho người thân.

* Thưa thầy, thầy suy nghĩ như thế nào về sự giàu nghèo? Theo thầy, thế nào là một doanh nhân thành đạt?

- Hạnh phúc không đo bằng tiền bạc hay của cải vật chất. Có những gia đình rất nghèo nhưng rất hạnh phúc. Cô con gái một chủ tập đoàn của Hàn Quốc có tài sản 200 triệu USD đã treo cổ tự tử vì người yêu của cô không được gia đình chấp nhận. Vậy 200 triệu USD ấy có quan trọng gì so với tình yêu giữa cô và chàng trai? Tại sao nhiều doanh nhân thành công lại phải đối diện với rất nhiều đổ vỡ trong gia đình?

Vấn đề là họ không biết đặt ưu tiên cho những công việc thiết thực của mình. Hôm qua, có một cặp vợ chồng mà người chồng là doanh gia giàu có đang ứng cử đại biểu Quốc hội, đến nhờ tôi bói Kiều. Ông ấy hỏi tôi kỳ này liệu có đắc cử, còn người vợ lại hỏi tôi về chuyện gia đình.

Giúp cho dân thực sự là một hạnh phúc lớn, nhưng nếu như trong gia đình ông ấy không có lá phiếu của vợ, thì làm sao có lá phiếu của dân. Có một điều mà nhiều người giàu không có được, đó là khi thức dậy không còn điều gì để khao khát, để hướng tới, không có lý tưởng. Vậy người nghèo có dừng lại và thở được không?

Bất cứ ai có thời gian dừng lại, nhìn lại những gì mình cần thiết đều có lợi hết. Phải tập nhiều lắm để thấy được một ngày cái gì cũng mới, một ngày sống trên mặt đất là một ngày hạnh phúc. Nhờ thực tập, tôi đã làm việc rất hăng hái, không còn cảm thấy gánh nặng, không bị áp lực, bớt đến 90% cơn giận, và giải quyết mọi chuyện dễ dàng nhờ tình yêu thương.

Xây dựng một tu viện cũng giống như xây dựng một doanh nghiệp, làm thế nào để mọi người biết được mục đích, để có được niềm cảm hứng, tâm không mệt thì xác sẽ không bao giờ thấy mệt. Hơn ai hết, người doanh nhân phải biết chia sẻ lợi tức cho người khác, biết yêu thương, biết cho người thuộc quyền cái quyền để họ sáng tạo, có chữ tín, tạo được lòng tin, sẵn sàng đứng sau sản phẩm của mình.

Sản phẩm thực, thương hiệu thực, giá trị thực. Một doanh nhân thành đạt theo tôi là khi họ đang sống mà biết mình đang sống, là khi làm cho người khác vui, mà điều đó thì đâu cần nhiều tiền mới làm được, chỉ cần mở lòng ra. Đầu tư vào con người, để giải quyết những vấn đề của thế giới, đó là tâm nguyện của Sư ông. Học sống trước, rồi hãy học làm kinh doanh. Nếu một xã hội đời sống đạo đức sút kém, chạy theo tiêu dùng, lợi nhuận... thì có tiền vẫn có bạo động, gia đình vẫn tan nát, lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra.

* Thưa thầy, có phải tiến sĩ, tỷ phú Modi, một trong ba người giàu nhất Ấn Độ đã bỏ ra 120 triệu USD làm phim về cuộc đời Đức Phật dựa theo tác phẩm Đường xưa mây trắng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, và thiền sư đã quyết định từ chối 10 ngàn USD tác quyền để giữ cho bộ phim có được sự chân thực?

- Vừa qua, Sư ông đã có mặt tại Liên hoan phim Cannes và Hollywood cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma để tuyên bố về dự án thực hiện bộ phim này. Theo Sư ông, phim ảnh có thể đóng góp rất nhiều cho sự thức tỉnh của nhân loại trước hiểm họa bạo động, chiến tranh, giúp con người sống có ý thức, để cho trái đất có tương lai.

Trong suốt hai ngàn sáu trăm năm nay, người ta cứ thần thánh hóa Bụt, làm như Ngài chuyển hóa được khổ đau là nhờ có phép thần thông. Vì vậy nên thiên hạ cứ xem Ngài như một nhân vật thần thoại. Bộ phim sẽ trình bày lại con người thật của Ngài để có thể cống hiến tuệ giác, những phương pháp chuyển hóa các khó khăn và đau khổ của Ngài cho người trẻ, cho các giới thương gia, trí thức, khoa học gia, chính trị gia, cho giới văn nghệ sĩ...

Ngày xưa Ngài đã từng làm việc đó. Muốn thế, các nhà làm phim và diễn viên phải qua Làng Mai thực tập chánh niệm, biết cách trở về chăm sóc thân tâm để có an lạc và thảnh thơi thực sự.  Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng cho rằng mục đích bộ phim không phải để khuyến dụ người ta từ bỏ các truyền thống tôn giáo khác để theo đạo Bụt, mà để cho thông điệp từ bi và bao dung của Đức Thế tôn có cơ hội thấm vào lòng người.

Trình bày đức Bụt một cách rất con người như trong sách Đường xưa mây trắng sẽ giúp cho người trẻ dễ dàng tiếp nhận thông điệp hòa bình của Bụt hơn. Còn ông Modi thì tiết lộ là cô con gái út của ông hồi nhỏ đã hỏi ông: “Con phải sống trong cái thế giới này hả ba?”. Có thể vì câu hỏi đó mà ông Modi muốn thực hiện bộ phim này để giúp tuổi trẻ có cơ hội tiếp nhận được tuệ giác của Bụt.

Khi đọc xong hợp đồng và thấy trước là nếu bắt đầu bằng chuyện tiền bạc như vậy thì chắc bộ phim sẽ không ra gì nên thầy quyết định không nhận một đồng tác quyền nào, để có sức mạnh hướng dẫn họ làm phim theo ý định của mình.

Có lẽ bất ngờ nhất với đoàn Modi Buddha Film khi sang Làng Mai để thương thuyết về tác quyền là khi nghe Sư ông nói: “Chúng tôi sẽ tặng bản quyền sách như là một sự cúng dường cho Bụt và cho thế hệ tương lai. Và nếu sau này có tiền lời thì tôi xin Modi Buddha Film để ra 1% cho các chú bé chăn trâu như Svastika, đang còn ở Ấn Độ và đang cần có cơm ăn và được học hành”.

* Trở về quê hương lần này, Sư ông thấy những điều gì, thưa thầy?

- Đó là giá trị của đạo đức đích thực. Khi có giới hạnh và tình thương đích thực, mình có thể chuyển hóa được con người và chuyển hoá được xã hội. Tâm đạo của Phật tử Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, đó là nguồn năng lượng rất lớn và nếu chúng ta khai thác được thì có thể xây dựng được nếp sống rất đẹp vì có tình người, có văn hóa, đạo đức.

* Phải chăng vì vậy mà thiền sư đã tổ chức ba trai đàn chẩn tế giải oan để cầu cho âm siêu dương thái với mục đích giúp chữa lành những vết thương do chiến tranh gây ra trong lòng người?

- Các đại trai đàn này được mệnh danh là Thủy lục giải oan bình đẳng cửu bạt trai đàn, để cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế. Nạn nhân nào của cuộc chiến cũng là đồng bào của chúng ta.

Trong lá thư mời ngài Chủ tịch nước, thiền sư đã viết: “Sự có mặt của ngài Chủ tịch nước sẽ có ảnh hưởng rất lớn lao đến công trình trị liệu và nuôi dưỡng, và quốc dân sẽ thấy được rằng đất nước chúng ta luôn luôn đi theo những giá trị tinh thần truyền thống trong công cuộc bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ và của lòng người”. S

(*) Dành cho doanh nhân tại
Khu du lịch Văn Thánh vào lúc 16 giờ ngày 15/3/2007 (www.thovacuoi.com hoặc bantochuc@thovacuoi.com, ĐT: 85265374, 8295556).

KIM YẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Thở và cười” (*) - An lạc trong từng bước chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO