Những tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng

LÊ ANH| 04/09/2010 09:36

Festival gốm sứ lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Dương sẽ giới thiệu đến công chúng một trong những nghề truyền thống đặc sắc có từ lâu đời của dân tộc, đồng thời khẳng định vị trí, tiềm năng của nghề gốm sứ trong sự phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và cả tương lai.

Những tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng

Festival gốm sứ lần đầu tiên được tổ chức ngay tại Bình Dương giới thiệu đến công chúng một trong những nghề truyền thống đặc sắc có từ lâu đời của dân tộc, đồng thời khẳng định vị trí, tiềm năng của nghề gốm sứ trong sự phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và cả tương lai.

Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, giới thiệu ba tác phẩm là chén ngọc Văn Lang, cúp Sen Vàng và cúp Hồn Việt

Đi theo chủ đề “Gốm sứ Việt Nam - truyền thống, bản sắc và phát triển”, festival là nơi hội tụ của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và những người yêu thích, đam mê gốm sứ cả trong và ngoài nước nhằm tăng cường giao lưu và quảng bá thương hiệu, góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn du khách.

Festival đã quy tụ gần như tất cả ngành nghề liên quan đến gốm sứ trên toàn quốc, với sự tham gia của hơn 17 làng nghề cùng 50 doanh nghiệp tại 600 gian hàng với tổng diện tích lên đến 2.000m2. Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp gốm sứ Trung Quốc và một doanh nghiệp vốn xuất thân từ Bình Dương hiện đang kinh doanh tại Cộng hòa Séc về tham dự.

Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu festival, ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I cho biết mong muốn của những doanh nghiệp và làng nghề gốm thông qua festival lần này là bảo tồn và tôn vinh truyền thống văn hóa cũng như nghệ thuật của nghề gốm dân tộc. Trong khi nhiều hãng gốm sứ nổi tiếng bậc nhất thế giới đang lâm vào cảnh khó khăn thì hoạt động đó của các doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam nói chung và Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương nói riêng là một cố gắng rất đáng trân trọng.

Tác phẩm "Quốc Bình Thăng Long" - Công ty Cường Phát

Công ty Gốm sứ Minh Long I cũng là đơn vị mang đến nhiều cảm xúc mới lạ lẫn ấn tượng cho người thưởng lãm khi gửi đến trưng bày ba tác phẩm là chén ngọc Văn Lang, cúp Sen Vàng và cúp Hồn Việt. Đây đều là tâm huyết của 22 nghệ nhân đã làm việc miệt mài trong suốt bốn, năm năm và sau biết bao thất bại mới có được những tác phẩm đẹp toàn mỹ như vậy. Được biết, Công ty Gốm sứ Minh Long I đã hoàn tất hồ sơ đăng ký các tác phẩm này vào danh sách “Kỷ lục Guinness Việt Nam”.

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương cũng đưa ra nhiều sản phẩmấn tượng, độc đáo để trưng bày và giới thiệu đến với công chúng trong dịp festival này. Công ty Cường Phát đã thiết kế nên những sản phẩm gốm mới, dạng men nổ, nung xúc tác ra vân mạnh hơn, tạo cấu trúc lạ như bình gốm “Núi lửa”, ngoài ra còn có các sản phẩm mang đặc tính men đồng trổ (men ta) - gốc men của người Pháp từng dạy ở Trường Bách Nghệ ở Đồng Nai.

Đặc biệt, doanh nghiệp này cũng vừa hoàn thành tác phẩm chiếc trống mang tên Quốc Bình Thăng Long được trang trí bằng hoa văn trống đồng như một lời chúc mừng trang trọng hướng đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tác phẩm "Ngư Ông"

Đến với Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010, Công ty Hoàng Việt giới thiệu hai tác phẩm đầy tính nghệ thuật mang tên “Gốm mây” và “Đất nước”. Đây là sự kết hợp tinh tế giữa gốm cùng những dãy mây bồng bềnh bằng sứ trắng được đính vào thân gốm
một cách duyên dáng và mềm mại. Công ty Trung Thành giới thiệu tác phẩm “Lu Thiên Địa” có đường kính 1,2m, cao 1,27m, được in trọn vẹn một lần mà không cần lắp ráp.

Chính vì sự độc đáo ấy mà tác phẩm này rất khó sản xuất, có sáu sản phẩm xuất xưởng nhưng chỉ duy nhất một thành phẩm đạt yêu cầu. Công ty Gốm sứ Minh Cường cũng kịp hoàn thành tác phẩm “Thăng Long hoài cổ” để giới thiệu trong festival này nhằm khắc họa lại lịch sử bằng ngôn ngữ của nghệ thuật gốm sứ, kể lại câu chuyện vua Lý Công Uẩn đổi tên Đại La thành Thăng Long. Doanh nghiệp này còn giới thiệu một số tác phẩm gốm đen mang phong cách độc đáo của dân tộc Khmer ở Nam bộ như “Vũ điệu Chăm”, “Chiến binh Angkor”, “Hoang sơ”, “Rạng đông”…

Một điều đáng trân trọng khác nữa là bên cạnh các doanh nghiệp, nhiều cá nhân nặng lòng với nghề gốm sứ truyền thống của dân tộc cũng ký gửi một số tác phẩm nghệ thuật để ban tổ chức mang ra triển lãm.Trong số đó có một bộ sưu tập gốm sứ cổ rất giá trị và mang nhiều nét thẩm mỹ xưa, hẳn sẽ thu hút sự chú ý của khách tham dự Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010.

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA FESTIVAL GỐM SỨ VIỆT NAM - BÌNH DƯƠNG 2010

1. Lễ khai mạc gốm sứ truyền thống với chủ đề “Thăng Long - Gốm Việt”, gồm nghi
thức khai mạc và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa kết hợp bắn pháo hoa tại Sân
vận động tỉnh Bình Dương vào 20 giờ ngày 4/9.

2. Hội chợ triển lãm “Gốm sứ - Thế giới sắc màu” từ ngày 2 đến 8/9 tại Sân vận động
tỉnh Bình Dương. Hội chợ quy tụ các làng nghề gốm nổi tiếng trong nước và một số
nước ngoài tham gia trưng bày sản phẩm.

3. Trưng bày các bộ sưu tập gốm cổ “Tinh hoa gốm Việt” của các bảo tàng trong cả
nước và các nhà sưu tập tư nhân tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương từ ngày 4 đến 9/9.

4. Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Gốm sứ và cuộc sống” do các nghệ sĩ nhiếp
ảnh trong cả nước sáng tác, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương từ ngày
3 đến 8/9.

5. Đêm ca nhạc, thời trang với chủ đề “Vũ điệu của gốm” tại Khu du lịch Lạc cảnh Đại
Nam văn hiến vào ngày 5/9.

6. Hội thi tài hoa gốm Việt với chủ đề “Hồn đất” với các phần thi kỹ năng làm gốm
thủ công, biểu diễn chế tác gốm sứ tại chỗ, viết thư pháp trên bình gốm thô… từ ngày 2 đến 7/9 trong khuôn khổ hội chợ triển lãm “Gốm sứ - Thế giới sắc màu”.

7. Lễ bế mạc theo chủ đề “Đêm của gốm” lúc 20 giờ ngày 8/9 tại Sân vận động tỉnh
Bình Dương.

8. Các hoạt động khác: tham quan làng nghề truyền thống về gốm, các hoạt động
thể thao trên sông…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO