Nghệ thuật đương đại tìm chỗ đứng

BÍCH HỒNG| 01/07/2014 00:05

Các không gian mở cho hoạt động nghệ thuật đương đại không chỉ là nơi thu hút và cổ động cho giới sáng tạo địa phương, mà là nơi thu hút du khách, đặc biệt là nghệ sĩ nước ngoài đến giao lưu.

Nghệ thuật đương đại tìm chỗ đứng

Các không gian mở cho hoạt động nghệ thuật đương đại không chỉ là nơi thu hút và cổ động cho giới sáng tạo địa phương, mà là nơi thu hút du khách, đặc biệt là nghệ sĩ nước ngoài đến giao lưu.

Đọc E-paper

Tham dự một buổi ra mắt các tác phẩm điêu khắc "Mùa sinh sản" tại Manzi (đường Phan Huy Ích, Hà Nội) cuối tháng 6 mới thấy sự khao khát một không gian mở cho các hoạt động nghệ thuật đương đại.

Manzi tổ chức các buổi chiếu phim và trò chuyện với đạo diễn, các phiên bản thử nghiệm kết hợp giữa nhạc Jazz và âm nhạc truyền thống, giới thiệu sách, triển lãm nghệ thuật đương đại của tác giả trẻ. Hoạt động nghệ thuật ấy hoàn toàn phi lợi nhuận. Mô hình của Manzi không đơn độc, trước đây Hà Nội từng có khu Zone 9 là nơi tập hợp của hàng chục quán cà phê nghệ thuật, cà phê sách, nhiếp ảnh, quán bar, gallery, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thị giác thu hút người trẻ Hà thành đến vui chơi giải trí về đêm.

Một khu làng nghệ sĩ tạo ra bộ mặt văn hóa phong phú, cần sự đầu tư như một ngành kinh doanh đặc biệt. Và nhà đầu tư đương nhiên đến từ khu vực tư nhân.

Rất nhiều khách du lịch và những người trẻ du học nước ngoài đều để tâm tìm hiểu ở TP.HCM có những khu phố nghệ sĩ như nước ngoài hay không. Họ nhớ không khí của những khu nghệ thuật nổi tiếng ở các thành phố lớn và cũng muốn tìm kiếm một khu tương tự ở TP.HCM.

Các khu hoạt động nghệ thuật nổi tiếng thế giới đều khởi đầu tư những khu đất bỏ hoang nơi đô thị. Brewery (Los Angeles, Mỹ) có khoảng 15 ngàn dân đều là những nghệ sĩ hoặc những người liên quan tới nghệ thuật: nhà sưu tập, các giám tuyển nghệ thuật, kinh doanh trong ngành nghệ thuật, sinh viên nghệ thuật và khách du lịch. Ở đây tập trung hầu hết các nghệ sĩ thiết kế đồ họa, vẽ tranh, nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, đạo diễn với hơn 170 studio riêng của các nghệ sĩ và 300 phòng trưng bày nghệ thuật.

Hoặc Làng nghệ sĩ Heyri (Hàn Quốc) nằm cách thủ đô Seoul khoảng một giờ đồng hồ lái xe. Từng là khu vực hẻo lánh nhưng giờ đây Heyri là ngôi làng tuyệt đẹp và yên bình của giới nghệ sĩ. Năm 2001, sau 2 thập niên vận động, chuẩn bị, ý tưởng lập một ngôi làng nghệ thuật của ông chủ một nhà xuất bản, Kim Eun-ho đã thành hiện thực.

Ngày nay, ngôi làng có cư dân là hơn 500 họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn và điêu khắc gia. Trong làng có nhiều gallery, bảo tàng và quán cà phê. Dự kiến đến năm 2015, tại đây sẽ xây dựng 400 ngôi nhà, trường nghệ thuật và 50 nhà nghỉ cho khách du lịch.

Những năm gần đây, các không gian nghệ thuật mở kiểu như Zone 9 hình thành ở Hà Nội, lan ra Hải Phòng và sắp sửa được tái hiện tại TP.HCM. Không khí nghệ thuật đương đại bao phủ tinh thần sáng tạo ở các địa điểm thế này, nơi mà những người trẻ đến không chỉ uống cà phê mà còn tìm thấy các hội thảo làm phim đầu tay, chụp ảnh đường phố, hay xem bộ phim cùng với chính đạo diễn.

Khu Zone 9 Hà Nội từng phát triển sáng tạo và kinh doanh đều hiệu quả trước khi xảy ra vụ cháy lớn và bị chính quyền thành phố Hà Nội giải tỏa trắng. Chủ nhân Zone 9 cũ vốn là các họa sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng nhanh chóng tìm một khu đất mới, là các nhà máy cũ hoang phế, dự án bất động sản đóng băng để hình thành khu Zone 9 mới, khởi động lại mô hình khu nghệ sĩ song hành giữa sáng tạo và kinh doanh, có khả năng mở cửa vào đầu năm 2015.

Các nghệ sĩ ở TP.HCM cũng hy vọng một khu nghệ sĩ hình thành tại số 3 Tôn Đức Thắng, quận 1. Nơi này cũng là nhà kho cũ không sử dụng, đang được một doanh nhân trẻ thuê, cải tạo với mong muốn thu hút các nghệ sĩ đến đây hoạt động sáng tạo và kinh doanh.

Hiện tại đã xuất hiện nhóm giới thiệu gốm nghệ thuật tên Sadec District và hàng quần áo thời trang. Chủ nhân bỏ vốn đầu tư mặt bằng cho biết đã nhận được nhiều sự quan tâm về địa điểm này, cũng như đã có sự chia sẻ tâm huyết từ nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư về việc biến khu này thành làng nghệ thuật đương đại và giải trí ở thành phố.

Hy vọng những nhóm nghệ thuật như Ga số 0, Sàn Art, Sao La đang hoạt động riêng lẻ sẽ tìm được điểm tựa chung để về đây cùng làm nghệ thuật, cùng tạo ra sức hút không chỉ người trẻ thành phố sáng tạo, mà hút du khách, đặc biệt là nghệ sĩ các nước đến giao lưu.

Zone 9 Hà Nội

Là một bảo tàng sống về kiến trúc và văn hóa, đáng lẽ Hội An phải trở thành nơi tiên phong cho việc phát triển một làng nghệ sĩ. Nhìn bề ngoài, Hội An có vẻ rất giống nơi tụ hội văn hóa, với các gallery, bảo tàng, nơi bán hàng lưu niệm và cà phê, nhưng thực ra mục đích kinh doanh du lịch đã lấn át trong quy hoạch phát triển.

Các hoạt động giao lưu với nghệ thuật đương đại tại Hội An còn hạn chế. Các nghệ sĩ quốc tế có đến, nhưng người ở lại tập trung vào kinh doanh hơn là phát triển các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Các họa sĩ có thể mở phòng tranh sơn mài, nhà nhiếp ảnh có thể mở cửa hàng bán ảnh phong cảnh, các góc phố có đám hát bài chòi, dân ca, và nhà cổ thành hàng lưu niệm bình dân ế ẩm.

Du khách đến Hội An thường than sau 10 giờ đêm không biết làm gì. Với một lượng khách quốc tế đông đảo, Hội An không hình thành không gian nghệ thuật đương đại thì không chỉ kém hấp dẫn trong tương lai, mà bỏ phí cơ hội kinh doanh hấp dẫn.

>Manzi - Không gian văn hóa đương đại
>Sadec District: Cái nhìn hiện đại về thủ công mỹ nghệ
>
Singapore – Du ngoạn thế giới nghệ thuật đương đại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ thuật đương đại tìm chỗ đứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO