Làng tôi và nỗi sợ làng vỡ – hồn Việt tan

10/01/2014 08:55

Vở Làng tôi công diễn lần đầu tiên ở Sài Gòn vào lúc 20 giờ ngày 12/1 tại nhà hát Hoà Bình. Tôi hình dung Làng tôi nếu được diễn một đêm trăng sau mùa gặt ở sân đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây thì sẽ thế nào?

Làng tôi và nỗi sợ làng vỡ – hồn Việt tan

Vở Làng tôi công diễn lần đầu tiên ở Sài Gòn vào lúc 20 giờ ngày 12/1 tại nhà hát Hoà Bình. Tôi hình dung Làng tôi nếu được diễn một đêm trăng sau mùa gặt ở sân đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây thì sẽ thế nào?

Còn thế nào nữa, đó chính là cuộc trở về đúng nghĩa nhất: dân gian. Khán giả ngồi trên rơm phơi trên sân đình, được sống với chính mình – nhưng là tinh hoa của mình, cái sương khói của mình.

Cảnh trong chương trình xiếc Làng tôi.

Nhưng thôi, hãy tạm gác giấc mơ ấy để về với hiện thực của sân khấu Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha… nơi khán giả Tây nhưng hồn vía đang bị thôi miên dẫn dụ tới làng Đông xứ Việt. Trong lịch sử nghệ thuật Việt, chưa có chương trình nghệ thuật nào trụ được ở trời Tây mà buổi diễn nào cũng cháy vé ròng rã ba năm trời như Làng tôi.

Làng tôi đem lại sự mê mẩn của “một thiếu nữ lần đầu chạm đến ngưỡng của tình yêu” như một bà già quý phái Paris đã thốt lên.

Chinh phục hơn ngàn ngày ở khắp châu Âu, Làng tôi đã góp vào ngôn ngữ châu Âu một từ nguyên gốc Việt cùng với “áo dài”, “phở”. Nghệ sĩ đánh trống Nguyễn Minh Chí – con trai nhà văn Nguyễn Minh Châu kể, tại Paris khi anh thăm chợ, có người nhận ra và reo lên: “Làng tôi!”

Điều gì đã làm Làng tôi, một chương trình nghệ thuật quê Việt được vinh danh như thế? Giám đốc nhà hát xiếc Vũ Hán nổi tiếng thế giới sau khi xem Làng tôi đã nói thay cho câu trả lời: “Chúng tôi xem xiếc các bạn xong, muốn gục mặt xuống… Nghệ thuật xiếc các bạn không thể bằng chúng tôi đâu, nhưng các bạn phả vào xiếc cả hồn dân tộc, cả tình yêu dân tộc của mình thì chúng tôi không làm được”.

Thế rồi hợp đồng độc quyền lưu diễn châu Âu mà Làng tôi phải tuân thủ với một công ty biểu diễn của Pháp đã chấm dứt, Làng tôi được trở về diễn trên quê mình. Đêm diễn ở nhà hát Kim Mã, Hà Nội vừa qua đã làm bao người bật khóc. Nghệ sĩ ca trù Phó Kim Đức nghẹn giọng: “Các con ơi, đây rồi, nghệ thuật đích thực của cha ông là đây!”

Bao đời cây tre gắn với làng Việt, hồn Việt và trở thành biểu tượng sức sống Việt. Tre khi là nan quạt, khi là cầu lắt lẻo, khi là rổ rá, khi là võng đưa cho thôn nữ yếm nâu xoã tóc như thơ Hồ Xuân Hương, khi là tiếng sáo vút lên, khi là tiếng mõ tụng kinh gửi gắm đức tin.

Tre trở thành thanh âm của làng Việt, thành giai điệu chủ đạo trong bản hoà tấu của làng Việt. Tre hoà vào người hay nói cách khác, người hoà vào tre đến nỗi khi người múa tưởng là tre đang uốn mình lả lơi theo gió và khi tre bay nhảy đan nhau, va đập vào nhau, bó vào nhau, cọ vào nhau, chơi chuyền với nhau tưởng như người đang bay, đang ấp ôm nhau, phả hương đồng gió nội vào nhau.

Xem Làng tôi không còn cảm giác là xem tung hứng, uốn dẻo, nhào lộn, đi thăng bằng – những cái gọi là tiết mục xiếc đơn thuần nữa. Nghệ thuật xiếc như biến mất, chỉ còn tâm hồn Việt chân chất giao hoan cùng không gian làng Việt. Tất cả hình ảnh như bị mờ đi, bị xoá đi, chỉ còn âm thanh lên tiếng.

Âm thanh của con người phát ra từ hình thể hoà cùng âm thanh của tre, âm thanh của tiếng hát làng quê ca trù, ả đào, âm thanh của âm nhạc đàn môi, sáo, tiêu, bầu, nhị, đáy, nguyệt, trống cơm – những âm thanh xuất phát từ làng Việt bao đời “buả vây” nuôi dưỡng hồn quê Việt.

Cuộc sống hôm nay bao nhiêu người Việt phải bỏ làng mà đi vì lẽ sinh nhai, bao nhiêu người Việt đôi lúc tự nhổ gốc gác chân quê của mình – hãy đến với Làng tôi để nói với người phố thị rằng: “Làng tôi là thế đấy!” Và người phố thị khi đến với Làng tôi sẽ day dứt cái câu hỏi: “Làng tôi đẹp vậy, sao giờ đây khi rời phố lại thấy có quá nhiều làng bị vỡ?”

Cái đẹp luôn đánh thức cái phần biết đớn đau trong con người.

Xem Làng tôi để đêm về đối diện với sự thật nóng hổi: làng vỡ – hồn Việt sẽ tan!

Hành trình mười năm của xiếc tre Việt Nam

Sau khoảng thời gian dài sống và làm việc tại châu Âu, từ đầu những năm 2000, bộ ba nghệ sĩ gốc Việt là Lân Maurice – Tuấn Lê – Nhất Lý bắt đầu hành trình trở về Việt Nam để chia sẻ các trải nghiệm nghệ thuật với đồng nghiệp trong nước và tìm cách xây dựng một chương trình thử nghiệm theo phong cách xiếc mới đang rất thịnh hành tại châu Âu.

Lân Maurice, với kinh nghiệm 35 năm đào tạo xiếc, từng phụ trách câu lạc bộ xiếc tại nhà văn hoá Thiếu nhi TP.HCM, từng tham gia giảng dạy nghệ thuật xiếc cho nhiều trường xiếc tại châu Âu và đang phụ trách đào tạo cho trường xiếc Chambéry tại Pháp.

Tuấn Lê, tám tuổi đã là nghệ sĩ tung hứng trong đoàn ca nhạc nhẹ Tháng Tám, ngoài 20 đã là một nghệ sĩ tung hứng có tên tuổi tại Berlin và là người Việt Nam duy nhất làm việc cho Cirque du Soleil, đoàn xiếc lớn nhất thế giới của Canada.

Nhất Lý, từng là diễn viên hề của liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhạc công nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, phụ trách kỹ thuật cho festival Âm nhạc thế giới và tổ chức các hoạt động âm nhạc cho thanh niên thành phố Aubervilliers ngoại ô Paris.

Cả ba đã gặp nhau tại châu Âu, cùng bàn bạc, lên kế hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện dự án Làng tôi tại Hà Nội. Định hướng xây dựng các chương trình nghệ thuật hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc đã được các nhà hát và các đoàn nghệ thuật trung ương cũng như địa phương xác định từ nhiều năm, nhưng phải đến Làng tôi thì mới có thể coi là một chương trình xiếc dân tộc hiện đại đủ sức thuyết phục khán thính giả trong nước và quốc tế, khi sử dụng cây tre làm chất liệu chính sáng tạo ra những kỹ thuật xiếc mới, tổ chức được một không gian âm nhạc hiện đại từ âm sắc của các nhạc cụ truyền thống để thổi hồn cho các hoạt cảnh sinh hoạt làng Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng tôi và nỗi sợ làng vỡ – hồn Việt tan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO