"Gánh" của nhiếp ảnh gia Công Toại

PHƯƠNG HÀ| 27/05/2016 06:34

Công Toại tổ chức triển lãm bộ ảnh Gánh (ngày 29/5 đến 2/6, tại Idecaf, 31 Thái Van Lung, quận 1, TP.HCM) với chỉ 36 bức, vừa đủ như một cuộn phim 36 kiểu ảnh đã tồn tại cả trăm năm.

Ba mươi năm cầm máy, ngay từ những ngày đầu, Công Toại đã âm thầm chụp những bộ ảnh nghệ thuật theo chủ đề, như Khoảnh khắc trên sàn diễn, Mưu sinh, Quét rác, Phẫu thuật, Hàng rong, Bộ đội biên phòng, Các dân tộc thiểu số... Ngoài bộ ảnh Khoảnh khắc trên sàn diễn đã triển lãm và in thành sách tháng 5/2013, Công Toại dự định lần lượt triển lãm và in sách mấy chục bộ ảnh mà anh thấy cần.

Đọc E-paper

Công Toại kể, hồi học đệ nhị cấp ở Trường Lasan - Đức Minh (cuối đường Võ Thị Sáu, TP.HCM bây giờ), ngoài học văn hóa, nhà trường cho học sinh đăng ký học ngoài giờ các bộ môn chụp ảnh, hội họa, ca múa. Anh chọn học chụp ảnh, cũng là học cho biết chứ chẳng có định hướng nghề nghiệp.

Rồi dưới chế độ mới, sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự, trở về, học nhiều nghề nhưng không đứng được với nghề nào, anh mượn cái máy Canon Net của người chị chụp ảnh đám cưới. Thế mà kiếm sống được, dần dần lập nhóm bạn xin vào các nhà máy, công trường võ vẽ sáng tác ảnh; mua vé xem múa, xem kịch để mon men lên sát sân khấu bấm máy, rồi sắm được máy Pratica... Cứ thế lên tay nghề theo sự "lên đời" các dòng máy ảnh thương hiệu Canon, từ dùng phim đến thẻ nhớ, và chú tâm chụp những bộ ảnh chuyên đề.

Lần này Công Toại tổ chức triển lãm bộ ảnh Gánh (ngày 29/5 đến 2/6, tại Idecaf, 31 Thái Van Lung, quận 1, TP.HCM) với chỉ 36 bức, mà như anh nói, nó vừa đủ như một cuộn phim 36 kiểu ảnh đã tồn tại cả trăm năm và không thể mất hẳn dù ngày nay máy ảnh số là lựa chọn tuyệt đối của các tay máy.

Là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Công Toại nhắm đến chủ đề Gánh bởi đây là một hình thức "vận tải" độc đáo của Việt Nam, có từ xa xưa, chủ yếu trên đôi vai mảnh khảnh của những phụ nữ tảo tần.

Công Toại biết gánh sẽ thưa dần, đến lúc nào đó sẽ mất hẳn khi đất nước phát triển, vì thế anh cũng tảo tần như các mẹ, các chị ngược xuôi ghi lại, bằng hình ảnh, như một chứng nhân lịch sử, cho hậu thế.

Gánh

của Công Toại có sự mềm mại nên thơ của gánh hàng hoa nơi phố thị, có sự cứng cỏi của một khúc tre hay một đoạn gỗ trên vai những phụ nữ Tây Bắc, có sự nhún nhẩy của gánh cơm hến Huế hay gánh trái cây Hội An, có sự nặng nhọc của gánh cá nơi bãi biển miền Trung, gánh rau nơi triền dốc Tây Nguyên...

Gánh của Công Toại có những trưa nắng, chiều mưa, mây mù bảng lảng, sương khói lơ phơ, bóng mẹ đổ nghiêng, dáng chị vươn dài, dáng em dịu nhẹ... Đó cũng là nét nghệ thuật độc đáo mà không phải ai chụp ảnh gánh cũng "chộp" được.

Gánh - một nét đời thường được lưu giữ cũng vì thế!

>Gương thần xuất hiện trong những bức ảnh nghệ thuật

>Nghệ sĩ nhiếp ảnh với cuộc chơi hội họa

>Nhiếp ảnh vì mọi người

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Gánh" của nhiếp ảnh gia Công Toại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO